Hành trình 300 ngày truy bắt Trịnh Xuân Thanh

Cơ quan điều tra thể hiện quyết tâm bằng mọi cách truy bắt bị can Trịnh Xuân Thanh dù đang trốn ở bất cứ đâu.
Ảnh: Công an nhân dân
Ảnh: Công an nhân dân

Ngày 15/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, Bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi) để điều tra cáo buộc có nhiều sai phạm trong quản lý dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Thời điểm này ông Thanh đang là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Một tháng trước đó, ông xin nghỉ phép với lý do ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng hết phép, ông không trở lại nhiệm sở, mọi liên lạc bị cắt đứt.

Tối 16/9/2016, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông Thanh. Hơn một tháng truy tìm, trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết nhiều nước đã "đồng thuận rất cao, hứa chung tay với Việt Nam truy bắt bằng được Trịnh Xuân Thanh". 

Cùng thời điểm, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết Trịnh Xuân Thanh đã trốn ra nước ngoài, rồi sang châu Âu.

Nhiều tháng truy tìm vẫn chưa có kết quả, thiếu tướng Phạm Văn Các (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cho biết "chưa rõ ông Thanh bỏ trốn qua đường nào". Bộ Công an thể hiện quyết tâm làm quyết liệt bằng tất cả các biện pháp để truy bắt. “Chúng tôi tin rằng Trịnh Xuân Thanh không thể trốn thoát”, ông Các nói.

Ngày 17/4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục yêu cầu các lực lượng điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại PVC; tập trung truy bắt, dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước. 

Gần một năm mất dấu, Bộ Công an thông báo ngày 31/7 nghi can trốn truy nã quốc tế này đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đầu thú. Thủ tục tiếp nhận được thực hiện đúng quy định.

Theo điều tra, năm 2007-2013, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ nhưng ông Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc PVC đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý... PVC trong năm 2011-2013 bị cáo buộc đã để xảy ra nhiều sai phạm, thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng.

Rời PVC tháng 8/2013, ông Thanh làm Vụ trưởng tại Bộ Công Thương, trúng cử Đại biểu Quốc hội rồi thành Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Khi điều tra vụ án tại PVC, cơ quan điều tra đã khởi tố tổng cộng 11 người, trong đó 9 trường hợp bị tạm giam, ông Thanh bỏ trốn và một người nữa được tại ngoại.

Bị xác định là người chịu trách nhiệm chính trong những nghi vấn tiêu cực xảy ra tại đây, ông Thanh bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.

Vướng lao lý cùng với ông còn có hàng loạt thuộc cấp. Cơ quan điều tra đã khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với ông Vũ Ðức Thuận (nguyên tổng giám đốc PVC), Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên phó tổng giám đốc PVC), Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc PVC), Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC), Ðỗ Văn Hồng (chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty PVC-KB).

Mở rộng vụ án, Cơ quan điều tra khởi tố tội Tham ô tài sản với Lương Văn Hòa (37 tuổi, nguyên giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Lê Xuân Khánh (trưởng phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Nguyễn Lý Hải (nguyên trưởng phòng Kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch), Nguyễn Thành Quỳnh (giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty Miền Trung), Lê Thị Anh Hoa (giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa).

Liên đới việc ông Thanh làm Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, gần 10 lãnh đạo từ Bộ Nội vụ, Ban tổ chức Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang... đã bị kỷ luật ở mức độ khác nhau. Trong đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương kỷ luật cảnh cáo ông Bùi Cao Tỉnh (nguyên vụ trưởng, nguyên trợ lý Trưởng ban tổ chức Trung ương); khiển trách ông Trần Công Chánh (Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2015-2020) và bà Trần Thị Hà (Thứ trưởng Nội vụ, Trưởng Ban thi đua - khen thưởng Trung ương). Ông Trần Anh Tuấn (Thứ trưởng Nội vụ) bị yêu cầu kiểm điểm.

Trước đề nghị của Ủy ban kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư kỷ luật cảnh cáo với ông Huỳnh Minh Chắc (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, nhiệm kỳ 2010-2015) và ông Trần Lưu Hải (nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó trưởng Ban thường trực Ban tổ chức Trung ương); khiển trách ông Nguyễn Duy Thăng (Thứ trưởng Nội vụ).

Theo VnExpress
http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/hon-300-ngay-truy-tim-bi-can-trinh-xuan-thanh-3620454.html