Hải Phòng “sẽ cưỡng chế” doanh nghiệp không nộp phí hạ tầng cảng biển

VietTimes – Hôm trước, quận Hải An của Hải Phòng đã phát đi thông báo yêu cầu các doanh nghiệp có hàng hóa đã xuất, nhập khẩu qua các cảng của Hải Phòng từ ngày 1/1/2017 đến nay chưa nộp phí phải thực hiện nộp trước 15/9/2017. Nếu không nộp, quận sẽ thực hiện cưỡng chế thu phí – quận Hải An khẳng định.
Hải Phòng nói khó thu phí hạ tầng cảng biển với hàng rời, nhưng sẽ cưỡng chế doanh nghiệp không nộp. Ảnh: VietTimes
Hải Phòng nói khó thu phí hạ tầng cảng biển với hàng rời, nhưng sẽ cưỡng chế doanh nghiệp không nộp. Ảnh: VietTimes

Được biết, UBND quận Hải An là đơn vị được TP Hải Phòng giao cho triển khai công tác thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.

Theo báo cáo của quận này, từ 1/1 đến hết 15/8/2017, quận đã thu được 884 tỷ đồng tiền phí, đạt 57% kế hoạch năm 2017. Trong đó, thu từ hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh là 467 tỷ đồng, từ hàng xuất, nhập khẩu là 417 tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc triển khai thu phí đang gặp khó  khi có nhiều doanh nghiệp chưa tự giác nộp tiền phí. Quận Hải An cho biết số chưa tự giác này là khoảng 605 doanh nghiệp, với số phí không nộp khoảng 143,7 tỷ đồng.

Hiện chưa rõ quận Hải An lấy số liệu này ở đâu. Vì khi Hải Phòng chuẩn bị thu phí hạ tầng cảng biển, Tổng cục Hải quan đã phát công văn yêu cầu Hải quan các cửa khẩu không được yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy thu phí hạ tầng cảng biển vào hồ sơ thông quan hàng hóa.

Như vậy, cơ quan Hải quan sẽ không có thông tin về các doanh nghiệp có nộp, hay không nộp phí hạ tầng cảng biển. Trong khi UBND quận Hải An hay thành phố Hải Phòng lại không phải là cơ quan chuyên ngành theo dõi hoạt động và số lượng hàng, số doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa hàng ngày qua khu vực.

Do đó, nguồn gốc số liệu có 605 doanh nghiệp, với số phí hạ tầng cảng biển không nộp khoảng 143,7 tỷ đồng là khá mù mờ. Trong chiều 29/8, một nguồn tin từ UBND thành phố Hải Phòng cho biết, qua rà soát thì số nợ này chỉ còn khoảng 40 tỷ đồng.

Cũng theo UBND quận Hải An, số doanh nghiệp và số tiền nợ đọng trên chủ yếu là của các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa ngoài container. Theo đó, có đến 7,365 triệu tấn hàng hóa ngoài container (hàng rời, hàng lỏng…) là chưa thu được phí. Nếu đem nhân số lượng hàng này với mức phí Hải Phòng qui định là 20.000đ/tấn, thì số phí chưa thu được là 143,7 tỷ đồng.

Về lý do, theo quận Hải An, hiện các qui định, chế tài xử lý việc doanh nghiệp không nộp phí hạ tầng cảng biển chưa thực sự rõ ràng, tính răn đe không cao. Đồng thời, việc thực hiện thu phí với các loại hàng hóa ngoài container gặp rất nhiều khó khăn, do loại hàng này khó kiểm soát.

Về hiện tượng, nhiều  chủ hàng không cho tàu cập cầu cảng để bốc xếp, mà neo đậu trên sông, cửa biển để chuyển tải bằng sà lan, không qua các cửa kiểm soát tại cổng cảng nên khó thu phí. Cũng có trường hợp tàu đã vào cảng nhưng sau đó lại chuyển hướng không bốc xếp tại các cảng của Hải Phòng…

Quận Hải An cho biết đã phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng trong việc kiểm soát, thu phí, nhưng trên thực tế, doanh nghiệp kinh doanh cảng phải ưu tiên quyền lợi khách có hàng trước, sau đó mới tính đến chuyện phối hợp với đơn vị thu phí.

Mặt khác, do đa số hàng hóa ngoài container có giá trị không cao, các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hóa này phải lấy số lượng làm lợi nhuận. Hiện, có những loại hàng hóa chỉ có lãi từ 20.000 đến 30.000 đồng/tấn, nếu cộng thêm khoản phí hạ tầng 20.000/tấn thì doanh nghiệp gần như không còn lợi nhuận. Trong khi đó, việc thu phí này chỉ diễn ra cục bộ tại một địa phương, nên để thị trường chung chấp nhận cộng phí để tăng giá là rất khó.

Trở lại với thông báo xử lý vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp không nộp phí hạ tầng cảng biển khu vực Hải Phòng của UBND quận Hải An, biện pháp xử lý được xác định là trường hợp doanh nghiệp không tự giác chấp hành nộp, thì sau ngày 15/9, quận Hải An sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thu.

Cụ thể, sau ngày này, UBND quận Hải An sẽ áp dụng quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí theo quy định của Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp không tự giác chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quận sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định này.

Đồng thời, theo UBND quận Hải An, nếu doanh nghiệp chưa chấp hành nghĩa vụ nộp phí, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi của Hải Phòng sẽ dừng làm thủ tục cho hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đó. Quận Hải An sẽ cung cấp danh sách các lô hàng này để cơ quan Hải quan và doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi phối hợp thực hiện.

Hiện UBND thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo cơ quan Hải quan, các doanh nghiệp cảng biển cung cấp thông tin hàng hóa, và lấy việc nộp phí hạ tầng làm điều kiện tiến hành thủ tục cho hàng hóa qua lại.

Được biết trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã có yêu cầu UBND TP. Hải Phòng tổ chức rà soát, đánh giá việc thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Sau đó tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp và trình HĐND thành phố để xem xét điều chỉnh mức thu phí, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật phí, lệ phí và pháp luật khác có liên quan.

Theo tính toán của Hải Phòng, nếu tổng lượng hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng năm 2017 ước bằng năm 2016 là 80 triệu tấn thì ngân sách của địa phương này sẽ có thêm 1.500 tỷ đồng từ việc thu loại phí mới này. Nguồn tiền thu phí này phục vụ xây dựng các công trình hạ tầng trên địa bàn thành phố và từ đó phục vụ chính doanh nghiệp, người dân – UBND thành phố Hải Phòng cho hay.