Hà Nội muốn chặn xe hợp đồng như chặn Uber

VietTimes -- Sở GTVT Hà Nội đang tìm cách áp dụng cơ chế quản lý xe chở khách tuyến cố định đối với loại xe chở khách từ 8 chỗ trở lên. Theo đó, loại xe này bắt buộc phải thông báo về hai đầu bến thông tin trước mỗi chuyến.
Xe dưới 10 chỗ tại Hà Nội. Nguồn: Internet
Xe dưới 10 chỗ tại Hà Nội. Nguồn: Internet

Theo Sở GTVT, việc áp cơ chế quản lý này nhằm ngăn chặn "tình trạng" lách luật của chủ xe, khi chỉ đăng ký xe có số ghế dưới 10 nhằm không phải thông báo tuyến với cơ quan quản lý, đồng thời có thể hoạt động tự do trong nội thành như xe hợp đồng du lịch.

Đây là hình thức khai thác xe chở khách mới hình thành vài năm gần đây và theo thừa nhận của Sở GTVT, là hoàn toàn không trái luật.

Vì theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp vận tải có đủ hồ sơ hoạt động xe hợp đồng (đăng ký, đăng kiểm xe) thì cơ quan quản lý phải cấp phép. 

Thực tế, hiện tình trạng đăng ký xe chạy hợp đồng nhưng dùng chở khách chạy tuyến cố định diễn ra rất phổ biến và chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Với loại xe dưới 10 chỗ, ngoài chuyện khó ngăn chặn chạy tuyến cố định, loại xe này còn được phép di chuyển trong nội thành.

Do đó, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương trên cả nước, trong đó có Hà Nội, đã "tối ưu" quy định không cấm này, tổ chức hoán cải, hoặc đặt mua xe, nhập xe chỉ có dưới 10 ghế khách, đồng thời tổ chức hệ thống thu gom khách qua hình thức đăng ký đi xe tuyến cố định trên mạng, sau đó cho xe qua điểm thu gom trong nội thành để đón khách.

Sự tiện lợi không ngờ này, cộng với chất lượng phục vụ cao, xe rộng rãi, thoải mái, tốc độ nhanh đã khiến loại hình kinh doanh vận tải xe dưới 10 chỗ bùng nổ chỉ trong thời gian ngắn.

Cụ thể, chỉ trong vài năm, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phù hiệu xe hợp đồng dưới 10 chỗ cho hơn 9.300 xe, lớn hơn cả số lượng xe chạy tuyến cố định của thành phố.

Xe dưới 10 chỗ đã cạnh tranh tốt với xe khách liên tỉnh, đồng thời khiến cơ quan quản lý lúng túng vì không theo dõi được thuế vận tải khách như với xe chạy tuyến cố định.

Nội thất xe hợp đồng dưới 10 chỗ. Nguồn: Internet
Nội thất xe hợp đồng dưới 10 chỗ. Nguồn: Internet

Hiện, cơ quan quản lý giao thông chỉ có thể xử phạt loại xe dưới 10 chỗ này ở các lỗi lỗi dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, hoặc không có hợp đồng vận chuyển hành khách.

Trước đó, Hà Nội, cũng như nhiều địa phương khác, đã nỗ lực tìm cách ngăn loại hình hoạt động của các loại "taxi công nghệ" như Uber, Grab, với lý do chủ yếu là không tuân theo, hoặc trong pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh.

Lần này, câu chuyện tương tự dường như đang trở lại lại với loại hình kinh doanh xe hợp đồng dưới 10 chỗ "chuyển qua" chở khách.

Trong khi đây là loại hình kinh doanh vận tải mới, kết hợp hoàn hảo giữa lợi thế công nghệ, chất lượng phục vụ, sự tiện lợi, không vi phạm điều cấm của pháp luật, tức là có các đặc điểm giống như xe Uber, Grab.

Do đó, nỗ lực quản lý theo mục tiêu hạn chế, cản trở khả năng phát triển của loại hình kinh doanh xe này là khó khăn, và cũng không nên đặt ra. Mà chỉ nên tìm cách quản lý để thu được thuế từ loại hình kinh doanh này.

Xu thế chung của hoạt động kinh doanh hiện tại và tương lai là dựa trên và khai thác sức mạnh công nghệ. Thì các biện pháp quản lý chỉ nên khuyến khích xu thế này, chứ không nên ngăn chặn.