Hà Nội "loại" phần mềm không tương thích với hệ thống dùng chung

VietTimes -- Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, về việc triển khai các hệ thống phần mềm ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, lãnh đạo Hà Nội nhấn mạnh quan điểm: Không sử dụng phần mềm của các bộ chuyên ngành nếu không tương thích, tích hợp được với hệ thống phần mềm dùng chung của thành phố.
Ảnh minh hoạ: internet
Ảnh minh hoạ: internet

Theo thông báo kết luận cuộc họp của Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT TP.Hà Nội mới đây, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định, trong hơn 1 năm qua, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2017, với cách làm bài bản, thận trọng, Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Báo cáo kết quả triển khai ứng dụng CNTT 6 tháng đầu năm nay của Sở TT&TT Hà Nội - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố cũng đã nêu rõ một ưu điểm nổi bật là định hướng triển khai của Thành phố theo hướng tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống đã và sẽ là cơ sở thuận lợi trong việc liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống.Theo Báo cáo Vietnam ICT Index 2016, Hà Nội xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, tăng 1 bậc so với năm 2015. Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017.

Cùng với đó, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong nửa đầu năm nay, các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố đều được tổ chức thực hiện nghiêm túc; việc triển khai thí điểm khai thác Cơ sở dữ liệu (CSDL dân cư đã được các đơn vị tham gia thực hiện tích cực và đạt kết quả tốt.

Cũng tại thông báo kết luận nêu này, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo ứng dụng CNTT Thành phố, ông Nguyễn Đức Chung đã nêu rõ quan điểm triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn Hà Nội: “Thành phố xác định việc triển khai ứng dụng CNTT trên địa bàn phải thực hiện bài bản, thận trọng, chắc chắn, Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng nền móng và tiến đến mục tiêu hình thành Big Data bằng công nghệ mới và hiện đại nhất, thống nhất trên cùng công nghệ, một hệ thống điều hành; Việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin là nhiệm vụ quan trọng, phải được thực hiện ngay từ đầu; Các CSDL, đặc biệt là CSDL dân cư phải được cập nhật thường xuyên, đảm bảo chính xác, phục vụ hiệu quả chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Thành phố, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội”.

Để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của chương trình CNTT của Thành phố năm 2017, từ ngày 1/1/2017, Thành phố đã tiếp tục thuê dịch vụ CNTT của Viettel, FPT, VNPT, Công ty Nhật Cường để duy trì và mở rộng hệ thống hạ tầng CNTT (máy chủ, đường truyền, tổng đài tin nhắn), dịch vụ công trực tuyến đã triển khai năm 2016 và lựa chọn các doanh nghiệp có đủ năng lực để đặt hàng thuê dịch vụ CNTT theo đúng Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử và Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước.

Người đứng đầu UBND TP.Hà Nội cho biết, ngoài việc triển khai phần mềm dịch vụ công trực tuyến và hạ tầng CNTT, Thành phố tiếp tục chú trọng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của Thành phố, tạo điều kiện để người dân tự tham gia thực hiện các dịch vụ công trực tuyến như: hướng dẫn để người dân thực hiện dịch vụ công tại nhà trên môi trường mạng; lắp đặt Wi-Fi kết nối Internet miễn phí tại bộ phận cung cấp dịch vụ công trực tuyến để người dân kết nối bằng thiết bị thông minh cá nhân; lắp đặt máy tính tại nơi cung cấp dịch vụ công và bố trí cán bộ hướng dẫn để người dân sử dụng.

Đồng thời, áp dụng các hình thức đổi mới trong tuyên truyền, qua các đối tượng như học sinh tại các trường trung học trên địa bàn Thành phố; cán bộ công chức, viên chức; tổ dân phố. Thực hiện theo nguyên tắc nhà nước, nhân dân và toàn xã hội cùng tham gia thực hiện: nhà nước cung cấp dịch vụ, người dân biết sử dụng dịch vụ.