Gửi Tim Cook: Ác mộng iPhone đã thành hiện thực rồi, hãy ra mắt iPhone Pro đi!

Khi người tiêu dùng khắp nơi đều đã sở hữu (và chán) iPhone, chìa khóa để Apple đẩy mạnh sức sống cho dòng sản phẩm chủ đạo của mình cũng chính là thị trường BlackBerry lựa chọn để sống sót.
Gửi Tim Cook: Ác mộng iPhone đã thành hiện thực rồi, hãy ra mắt iPhone Pro đi!

Cơn ác mộng đã đến

Theo đúng như dự đoán của cả Phố Wall lẫn chính Apple, doanh thu Apple trong quý tài chính vừa rồi đã lần đầu tiên sụt giảm trong vòng gần 10 năm. Và cũng như mọi khi, người ta sẽ chỉ nhìn vào một con số duy nhất để nhận định: doanh số iPhone.

Kết quả rất đáng lo ngại. Trong quý này, Apple chỉ bán được 51,2 triệu iPhone, giảm gần 10 triệu chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Cuối cùng thì cơn bão tăng trưởng của iPhone cũng đã ngừng. Từ nay trở đi, doanh số iPhone có lẽ sẽ chỉ lao dốc.

Thực tế, xét tới các mức kỷ lục điên rồ do 2 thế hệ iPhone gần đây nhất thiết lập, ai cũng biết rằng ngày này sớm muộn gì cũng sẽ đến. Điều tốt nhất mà Tim Cook có thể làm không phải là đưa iPhone tăng trưởng "khủng" trở lại, mà là giúp cho iPhone tạo lập được mức doanh số ổn định.

Với lượng người dùng dư dả và có chu kỳ cập nhật đều đặn như iFan, bài toán này sẽ không khó nhằn với Táo như với Samsung hay HTC. Nhưng để thuyết phục được người dùng tiếp tục nâng cấp lên sản phẩm Táo (và nâng cấp với tầng suất lớn hơn trước đây), Apple cần một vũ khí mới.

Đó rất có thể sẽ là "iPhone Pro". Theo 2 nguồn tin rất đáng tin cậy là DigiTimes (nguồn tin "nằm vùng" trong giới cung ứng Đài Loan) và nhà nghiên cứu thị trường Ming-Chi Kuo, Apple đang rục rịch chuẩn bị ra mắt thêm phiên bản iPhone 7S Pro màn hình 5.8 inch vào năm 2017. Đây sẽ là một phiên bản mang tới một thay đổi quan trọng: đưa chiếc iPhone theo cùng một hướng đi đã từng thực hiện với iPad và MacBook.

Muốn ổn định và bền vững thì bước chân vào thị trường doanh nghiệp

Khi đã có iPad Pro và MacBook Pro phục vụ cho người dùng đặt nặng sức mạnh tính toán và các tính năng phụ trợ lên trên trải nghiệm gọn nhẹ, Apple cũng cần có một chiếc iPhone tương tự. Chỉ cần mang tới iPhone một vài tính năng iPad Pro đã có sẵn như đa nhiệm chia màn hình và các phần mềm hỗ trợ bút stylus đầy đủ, trực quan (như Samsung), và đồng thời tăng kích cỡ màn hình lên ngưỡng 5.8 inch là Apple đã có một dòng iPhone phục vụ tốt hơn cho những người có nhu cầu dùng smartphone cho công việc.

Với thương vụ hợp tác cùng IBM, Apple đã đặt được một chân vào thị trường doanh nghiệp.

So với thị trường người tiêu dùng thông thường thì thị trường doanh nghiệp/người dùng chuyên nghiệp có những điểm mạnh và điểm yếu riêng. Điểm yếu là thị trường nayf đòi hỏi tính bảo mật cao và cũng yêu cầu các phần mềm chuyên biệt (thay vì phần mềm đại trà có thể mang phát hành rộng rãi). Điểm mạnh là thị trường doanh nghiệp rất ổn định. Sở dĩ các tập đoàn lớn và… hết thời như Cisco, IBM hay Microsoft vẫn giữ được doanh thu “khủng” hàng năm cũng là vì nhiều công ty, tổ chức trên thế giới phụ thuộc vào sản phẩm của họ.

Những trở ngại đặc thù của thị trường doanh nghiệp có lẽ sẽ không làm chùn chân Táo. iOS luôn được coi là hệ điều hành an toàn hơn Android, và ngay cả khi chưa tính đến thương vụ hợp tác đình đám cùng IBM thì Apple đã sở hữu sẵn một lượng nhà phát triển rất đông đảo, sẵn sàng tham gia phát triển ứng dụng doanh nghiệp. Chiếc iPad Pro cũng là minh chứng cho thấy Apple có thể thu hút được các ứng dụng hỗ trợ bút cảm ứng và đa nhiệm hấp dẫn từ Adobe và Microsoft, vốn đều là các công ty có thế mạnh truyền thống trên mảng ứng dụng cho công việc.

Không phải là không có khó khăn

Ngược lại, việc mang iPhone vào thị trường doanh nghiệp cũng có thể không phải là một quyết định hiệu quả về mặt đầu tư. Một trong những lý do Galaxy Note ra đời trước rất lâu nhưng lại bị iPhone 6 Plus áp đảo về doanh số là bởi, Samsung luôn tập trung vào tô điểm các tính năng tân tiến phục vụ cho công việc của Note, còn Apple thì vẫn mang đến thông điệp rằng “iPhone 6 Plus dễ dùng (và có màn hình lớn)”. Thành công của Apple trong nhiều năm qua đã đến từ tính thân thiện, dễ sử dụng để thu hút hàng trăm triệu người dùng phổ thông, trong khi việc tập trung vào các tính năng làm việc (hơi) phức tạp có thể làm nản lòng nhiều người mua tiềm năng. Đây cũng là một lý do khiến cho Samsung đã ra mắt cả Galaxy S6 edge+ và S7 edge không có bút stylus để cạnh tranh trực diện hơn với iPhone Plus.

Còn rất nhiều ví dụ cho thấy thị trường doanh nghiệp không phải là thực sự màu mỡ. BlackBerry lúc nào cũng vỗ ngực tự hào về bảo mật và các giải pháp trọn gói đi kèm smartphone nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát lỗ, ngay cả khi ra mắt Android có bàn phím vật lý. Microsoft cũng chẳng thể lấy đà Windows desktop (hệ điều hành tiêu chuẩn cho khối doanh nghiệp) để kích cầu cho Windows Phone.

Nếu Microsoft ra mắt Surface Phone thì iPad Pro sẽ "gặp đối".

Những bước tiến mạnh mẽ của Microsoft vào thị trường "smartphone Pro" khi ấp ủ ra mắt chiếc Surface Phone cũng sẽ đe dọa khủng khiếp tới Apple. Nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa là iPhone Pro chắc chắn sẽ thất bại, bởi người dùng cá nhân vẫn rất yêu thích iPhone. Nếu như Apple có thể nghĩ ra cơ chế công việc/riêng tư song song để iPhone Pro phục vụ tốt cho trào lưu BYOD (sử dụng thiết bị cá nhân cho công việc) thì thương hiệu Táo vẫn sẽ là thương hiệu được yêu thích nhất tại Thung lũng Silicon sau khi Surface Phone ra đời. Hãy nhớ rằng máy Mac có địa vị rất cao trong con mắt của giới chuyên gia công nghệ và người dùng chuyên nghiệp.

Đừng vội đánh giá thấp sức mạnh của một trải nghiệm mới

Trên tất cả, đây sẽ là chìa khóa cốt lõi làm nên thành công của iPhone Pro.

Số liệu của IDC cho biết Apple đã bán được 2 triệu mẫu iPad Pro trong nửa cuối quý 4/2015. Con số đó có thể là rất nhỏ so với mức 16,12 triệu chiếc của cả quý, nhưng cần phải nhớ rằng đây là một chiếc iPad có giá gấp đôi giá khởi điểm của iPad Air 2 và iPad Mini 4. Doanh số 2 triệu mẫu iPad đắt tiền nhất trong nửa quý không chỉ thấp mà thậm chí là rất đáng khích lệ. Sự kiện ra mắt iPad Pro 9.7 inch thay vì iPad Air 3 là minh chứng cho điều đó – Apple đã nhận ra chìa khóa để khắc phục, hoặc ít nhất là giảm bớt hiện tượng suy giảm doanh số là một trải nghiệm mới.

Chiếc bút stylus rất quan trọng, không phải vì người dùng cần tới chúng, mà là bởi chúng đại diện cho một trải nghiệm khác.

Khi nhìn ra ngoài phạm vi Apple, bạn cũng sẽ nhận thấy quy luật tương tự: chìa khóa tới những cú hit lớn như Galaxy Note và Galaxy S6 edge đều là nhờ tạo ra một trải nghiệm khác biệt đủ nhiều so với trải nghiệm cũ. Ngay cả LG sau vài thế hệ G "làng nhàng" đến năm nay bỗng dưng lại được nhắc tới rất nhiều, đơn giản là bởi chưa có ai đưa smartphone ghép module tới tay người dùng cả.

Chiếc iPhone cũng vậy. Kể cả người dùng iPhone có tiếp tục mua iPhone thì vấn đề lớn nhất ở đây vẫn là iPhone mới không đủ khác biệt so với iPhone cũ để iFan bỏ tiền nâng cấp thường xuyên hơn. "Khoe" một chiếc iPad Pro chắc chắn sẽ "sướng" hơn khoe iPad Air 3 rất nhiều, và với những chiếc điện thoại di động, giá trị hình ảnh lại càng quan trọng hơn nữa. Bất kể là họ có nhu cầu dùng iPhone vào công việc hay không, iPhone Pro sẽ thay thế iPhone thường và iPhone Plus đóng vai trò là sản phẩm mơ ước của iFan.

Có làm nên khác biệt?

Các tin rò rỉ về Apple thường có độ chính xác rất cao, và nếu quả thật là như vậy thì chỉ còn hơn 1 năm nữa Apple sẽ làm mới hoàn toàn trải nghiệm iPhone. Nhưng bài học từ BlackBerry cho thấy không phải cứ khác người, không phải cứ tập trung vào giới doanh nghiệp màu mỡ là đủ để thành công. Dù sao, Apple đã và sẽ luôn khác biệt so với các nhà sản xuất smartphone khác. Liệu iPhone Pro có giúp Apple làm được điều chưa từng ai làm được là dùng thị trường doanh nghiệp để đổi chiều hay không, hãy chờ xem!

Theo Tri Thức Trẻ