Gieo mưa nhân tạo: Việt Nam làm được nhưng cực kỳ tốn kém

Gần đây, ông Phan Đình Phương - Tổng giám đốc Công ty An Sinh Xanh (Đà Nẵng) - đề xuất Chính phủ cho tạm ứng 5.000 tỷ đồng triển khai dự án thay trời làm mưa. Liệu việc làm mưa nhân tạo có khả thi với Việt Nam?
Một chiếc máy bay gieo mây để kích thích mưa. Ảnh: Bloomberg
Một chiếc máy bay gieo mây để kích thích mưa. Ảnh: Bloomberg

TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - cho rằng việc làm mưa nhân tạo phức tạp về điều khiển, thực hành và cực kỳ tốn kém về kinh phí, vật tư. Việt Nam có khả năng làm mưa nhân tạo, nhưng hiệu quả kinh tế hầu như không có. Cơ chế vật lý của mưa nhân tạo không tạo được trạng thái khí quyển như mong muốn. Nguyên lý làm mưa chỉ được coi là thành công nếu công nghệ được phát triển tại vùng này phải áp dụng hiệu quả tại các vùng khác.

“Ba điều kiện để làm mưa thành công là: Giải thích được cơ chế vật lý của việc tăng lượng mưa do tác động của mưa nhân tạo; các kết quả phải đảm bảo độ tin cậy thống kê; kết quả làm mưa phải được lặp lại với các điều kiện mây và tác động tương tự nhau. Đáng tiếc là sức người có hạn, dù tạo được mưa thì chưa chắc mưa đã rơi vào đúng nơi chúng ta muốn” - TS Trường nói.

Ông Trường phân tích: Khi thời tiết khô hạn thì khí quyển ổn định, trời quang mây hoặc có mây mỏng, việc làm mưa nhân tạo cực kỳ khó khăn, chỉ có thể tạo lượng mưa không đáng kể trong khi chi phí rất lớn. Khi khí quyển bất ổn định, có mưa lớn kéo dài thì việc dừng mưa cũng khó như làm mưa.

Để thí nghiệm làm mưa nhân tạo, người ta chọn các trạng thái trung hòa, kích thích một chút. Vấn đề là trạng thái trung hòa này không phải lúc nào cũng có và nếu có thì lại không cần làm mưa. Vấn đề tăng kích thước hạt nước, tạo nhân ngưng kết cũng rất khó khăn, tốn kém nên chuyện làm mưa chưa thể xem là bài toán kinh tế.

“Khi nào điều kiện kinh tế cho phép, Việt Nam có thể nghiên cứu thử nghiệm mưa nhân tạo, song phải từng bước để đánh giá hiệu quả kinh tế. Trước hết, có thể nghiên cứu trên các mô hình toán, tính được lượng mưa do tác động nhân tạo sẽ nhanh và đỡ tốn kém hơn” - TS Trường chia sẻ.

Còn GS-TS Đinh Văn Ưu - Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho rằng: “Làm mưa nhân tạo là hướng nghiên cứu khoa học khí quyển đã được triển khai ở các nước công nghiệp phát triển. Ở Việt Nam, hướng nghiên cứu này đã được triển khai tại Viện Khí tượng - Thủy văn trong những năm đầu thế kỷ 21. Các kết quả theo công bố của PGS Vũ Thanh Ca cùng nhóm nghiên cứu chỉ mới dừng ở dạng tổng quan và nhận định về triển vọng thấp ứng dụng ở Việt Nam”.    

Theo Khoa học phát triển