“Giấy phép con” chằng chịt như… mớ dây điện

Các điều kiện kinh doanh bị đặt ra tùy tiện, thậm chí vi Hiến, trái luật đang tạo nhiều gánh nặng cho doanh nghiệp (DN).
Nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang hành doanh nghiệp.
Nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý đang hành doanh nghiệp.

“Tôi không thể hiểu nổi”

Ngày 6-4, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương và Dự án hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh (RCV) phối hợp tổ chức hội thảo về “Điều kiện kinh doanh – Kinh nghiệm quốc tế và thách thức đối với Việt Nam”.

 Trình bày tại hội thảo, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thốt lên: Khi đọc các điều kiện kinh doanh này, tôi không thể hiểu nổi tại sao lại đặt ra những điều kiện như vậy. Vừa nhiều vừa thiếu luận cứ khoa học và thực tiễn.

 Điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, kinh doanh vận tải hành khách bằng đường bộ… là một vài dẫn chứng mà đại diện CIEM cho rằng được đặt ra “buồn cười” và “tréo ngoe”.

 Hệ quả là theo lãnh đạo CIEM, rào cản gia nhập thị trường cao, chi phí cao, thời gian kéo dài. Nó cũng gây ra tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, cho DN tư nhân trong nước.

 “Cơ chế ấy không khuyến khích, thậm chí thui chột sáng tạo, loại bỏ những cách làm khác, cách làm mới. Bởi vì sáng tạo, khác và mới bị coi là không phù hợp với pháp luật, thậm chí là vi phạm pháp luật” – ông Cung nhấn mạnh một nghịch lý.

 Ông Cung đưa ra hai hình ảnh là chiếc cột điện chằng chịt dây dợ bên cạnh hình ảnh khác là người kinh doanh còm cõi, khổ sở. Rồi ông Cung giải thích: Điều kiện kinh doanh chằng chịt như một mớ dây điện, không thể tháo gỡ được mà chỉ có cách duy nhất là cắt bỏ. Điều kiện kinh doanh làm cho DN kinh doanh trong nước vất vả lắm mới tiếp cận được cơ hội kinh doanh.

 Nhắc đến điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, GS Micheal Woods, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban năng suất Australia cũng đánh giá đó là điều kiện “khó hiểu”.

Ông Micheal Woods cho rằng: Các quy định có thể tạo ra gánh nặng không cần thiết cho DN với các chi phí quản lý hành chính và chi phí tuân thủ và làm giảm các động lực sáng tạo và tăng trưởng; làm giảm năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và hiệu quả phân bổ nguồn lực.

Ngoài ra, theo ông Micheal Woods, các gánh nặng về quy định cũng có thể làm sai lệch giá cả thị trường và hiệu quả phân bổ trong nền kinh tế. 

Ông Micheal Woods cho rằng: Gánh nặng chi phí có thể giảm được đáng kể thông qua quy trình rà soát các quy định của pháp luật hiện hành. Việc này có thể xóa bỏ một số lượng lớn các quy định pháp luật không cần thiết và sửa đổi lại các quy định cần thiết.

Vì sao DN thờ ơ

 Những rào cản kinh doanh được dựng lên là một nỗi lo. Nhưng đáng lo hơn, rất nhiều rào cản lại được đặt ra vi hiến, trái luật. Kết quả rà soát của Bộ Tư pháp gần đây đã cho thấy điều đó.

 Luật đã quy định bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh không được ban hành điều kiện kinh doanh. Nhưng thực tế, trong 267 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, thì tất cả đều có điều kiện quy định bởi Thông tư, tức là do các bộ ban hành. Số lượng các điều kiện kinh doanh này lại phải lên đến hàng nghìn.

Hiện tượng, hành vi trái thẩm quyền trái pháp luật là rõ ràng nhưng ông Cung cho rằng: Hàng loạt câu hỏi hình như vẫn còn bỏ ngỏ. "Ai chịu trách nhiệm về thực trạng nói trên? Tại sao người dân vẫn âm thầm làm theo mà không có khiếu nại, hay có mà chúng ta không biết? Tại sao cộng đồng DN, hiệp hội DN vẫn còn thờ ơ với việc góp ý, nhận xét, kiến nghị đối với pháp luật về điều kiện kinh doanh?"

 Mới đây, Cục Đăng ký kinh doanh đã tập hợp và công bố danh mục điều kiện kinh doanh trên cổng thông tin DN quốc gia từ ngày 20-1-2015, phát thông cáo báo chí đề nghị góp ý, nhận xét, bình luận đến tất cả các hiệp hội, câu lạc bộ DN. Nhưng kết quả thu được đến nay có 3 Bộ có ý kiến song lại đề nghị giữ nguyên hiện trạng bất cập.

Khó hiểu hơn, chỉ có hơn 18/400.000 DN có ý kiến, chưa có hiệp hội nào lên tiếng. “Một thực trạng bức xúc lắm nhưng tại sao DN lại thờ ơ như vậy” – ông Cung tỏ ra ngạc nhiên.

 Trả lời câu hỏi này, ông Cung cho rằng một phần là do họ đã nói nhiều rồi nhưng vẫn không thay đổi gì nên họ bàng quan, không để ý nữa.

Luật Đầu tư có hiệu lực vào ngày 1-7-2015 đã quy định rõ ràng các điều kiện kinh doanh với những ngành nghề cụ thể và rõ ràng. Nhưng chuyên gia của CIEM vẫn băn khoăn về việc thực thi sẽ thế nào và khoảng cách giữa Luật trên giấy và Luật thực tế sẽ ra sao.

Ông Cung trăn trở: Nếu khoảng cách lớn giữa Luật và thực hiện luật đã tồn tại nhiều năm, vẫn tiếp tục tồn tại, không bị “mòn như bia đá” mà “trơ trơ như bia miệng” thì cá nhân, cơ quan nhà nước nào phải chịu trách nhiệm. DN, người dân phải làm gì để thực thi đúng Hiến pháp, Luật Đầu tư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Phải chăng đây là phép thử của đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang hướng đến.

 Theo Báo Hải quan