Giao thông Hà Nội: Tốc độ phát triển không kịp nên phải hạn chế phương tiện cá nhân

VietTimes -- Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch HĐTV Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco) cho rằng, ở thời điểm hiện tại sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân, vì vậy việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân là cần thiết.

Ông Nguyễn Phi Thường: Ùn tắc giao thông 'đốt' của Hà Nội hơn nửa tỷ USD mỗi năm.
Ông Nguyễn Phi Thường: Ùn tắc giao thông 'đốt' của Hà Nội hơn nửa tỷ USD mỗi năm.

Tại buổi thảo luận, phiên khai mạc HĐND thành phố Hà Nội, kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra sáng nay (3/7), ông Nguyễn Phi Thường cho rằng, Thủ đô Hà Nội đang gặp rào cản cũng như nguy cơ tụt hậu về quản lý đô thị. Hạn chế phương tiện cá nhân là việc cấp thiết bởi ùn tắc đang "đốt" của Hà Nội 12.800 tỷ đồng (tương đương gần 600 triệu USD) mỗi năm, chưa kể gây ô nhiễm môi trường.

Theo phân tích của ông Thường, ở thời điểm hiện tại, sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội đã không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân. Hiện thành phố có trên 5,2 triệu xe máy, nửa triệu ô tô. Nếu 60% số xe trên lưu thông thì diện tích chiếm dụng vượt quá 1,34 lần năng lực hệ thống đường phố (khu vực trung tâm là 3,72 lần). Ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang mỗi ngày thêm trầm trọng và hiện đang “ đốt” 12.800 tỷ đồng, tương đương gần 600 triệu USD  của xã hội mỗi năm.

Không những vậy, ô nhiễm môi trường và tại nạn giao thông có nguyên nhân chính từ phương tiện cá nhân. Khi không khí ở Hà Nội hiện đang ô nhiễm ở mức báo động. Trong đó phương tiện giao thông và khí thải giao thông đóng góp khoảng 70% vào ô nhiễm . Tương tự, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi xe mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ hơn 70%.

“Cá nhân tôi đánh giá cao tính cần thiết, cấp thiết và phù hợp của đề án hạn chế phương tiện cá nhân vào thời điểm hiện tại”, ĐB Nguyễn Phi Thường khẳng định. Nếu không phải là ngay lúc này, Hà Nội sẽ không có cơ hội để hành động thoát khỏi ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo ông Thường, Đề án hạn chế phương tiện cá nhân đã đưa ra được những giải pháp giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, để đảm bảo thành công của đề án cần lưu ý một số vấn đề như: cần tạo được sự đồng thuận từ dư luận; đồng thời thực hiện chính sách hạn chế phương tiện cá nhân và ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả của vận tải hành khách công cộng bao gồm xe buýt và các tuyến ĐSĐT.

Về mặt tổng thể, thành phố Hà Nội chú trọng hơn đến quy hoạch và thực hiện quy hoạch giao thông: ưu tiên phát triển hạ tầng khung khi xây dựng các khu đô thị vệ tinh; hay các khu vực ngoại vi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Tại khu vực trung tâm tuân thủ việc hạn chế tăng quy mô dân số; trong trường hợp buộc phải tăng, cần có chính sách đánh phí chống ùn tắc với các dự án đô thị, tạo nguồn thu phát triển hạ tầng.

Tương  tự thực hiện ngay việc đánh phí phương tiện cá nhân thông qua sử dụng đường, phí đỗ xe lũy tiến trong nội đô lõi. Thành phố cần cân nhắc nguồn lực giữa việc đầu tư những “con đường đắt nhất hành tinh” và kết cấu hạ tầng giao thông khác để mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện ngân sách eo hẹp….