Giải mã iPhone: Apple đối đầu chính quyền

Cuộc chiến giữa Tập đoàn Apple và FBI vẫn tiếp diễn nóng bỏng với sự can thiệp của Chính phủ Mỹ khi tuyên bố Apple đang làm sai lệch nguyên tắc mã hóa.
Giám đốc FBI James Comey trong phiên điều trần trước Quốc hội liên quan an ninh quốc gia và quyền cá nhân của người Mỹ hôm 1-3 - Ảnh: Reuters
Giám đốc FBI James Comey trong phiên điều trần trước Quốc hội liên quan an ninh quốc gia và quyền cá nhân của người Mỹ hôm 1-3 - Ảnh: Reuters

“Tôi nghĩ nên có một cuộc thảo luận về việc khi nào chính phủ được quyền truy cập dữ liệu. Chính phủ cần nói rõ cho người dân biết về vấn đề bảo vệ họ nếu muốn có quyền truy cập thông tin để phục vụ điều tra

BILL GATES(nhà sáng lập Microsoft)

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vẫn đang kiên quyết yêu cầu Apple viết một phần mềm mở “cửa sau” trên điện thoại nhằm mở mật mã chiếc điện thoại iPhone 5c của Syed Rizwan Farook, một trong những kẻ xả súng ở San Bernardino, bang California làm chết 14 người hồi năm 2015.

Trong khi đó Apple nêu quan ngại nếu phần mềm này được viết ra, nó có thể sẽ rơi vào tay các tin tặc hoặc chí ít là lọt vào tay các quốc gia khác. Khi đó sẽ gây hậu quả nặng đến thông tin của hàng triệu khách hàng dùng iPhone.

Sợ thành tiền lệ “mở mã khóa iPhone”

Giới chuyên gia an ninh cho rằng FBI chỉ đang cố thiết lập một tiền lệ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ nếu xảy ra những trường hợp tương tự sau này.

Luật sư của chính quyền Washington, bà Eileen Decker kết tội Apple và các công ty ủng hộ tập đoàn này đang cố tình làm sai lệch yêu cầu của chính quyền vì yêu cầu chỉ liên quan “một chiếc iPhone”.

Nhưng người đứng đầu dịch vụ và phần mềm Internet của Apple, ông Eddy Cue cảnh báo tiền lệ “mở mã khóa iPhone” được thiết lập từ vụ San Bernardino có thể dẫn đến việc Chính phủ Mỹ sẽ lấn tới, đưa ra các đòi hỏi xa hơn như truy cập vào camera và microphone trên iPhone để theo dõi người dân.

Ông Cue cho rằng nếu Apple thua trong cuộc chiến pháp lý này thì hậu quả rất nghiêm trọng vì khi đó họ bị buộc phải chuyển điện thoại thông minh của người sử dụng thành các thiết bị do thám chính khách hàng của mình.

“FBI yêu cầu chúng tôi tạo một phần mềm mới phục vụ cho ý đồ của họ, một khi chúng tôi làm theo thì liệu họ có chịu dừng lại hay không?” - báo Telegraph dẫn lời ông Cue.

Giám đốc FBI James Comey trước đó cũng thừa nhận rằng nếu Chính phủ Mỹ thắng Apple thì có khả năng vụ này sẽ trở thành tiền lệ.

“Lần thứ nhất làm được thì sẽ có lần thứ hai, thứ ba và nhiều lần khác nếu giới chức chính quyền muốn yêu cầu sự hỗ trợ từ các tập đoàn liên quan đến thiết bị công nghệ” - ông Comey tuyên bố.

Và trên thực tế, ông Cyrus Vance, công tố viên của New York, từng có lúc lộ thông tin cho biết có đến 175 chiếc iPhone của các đối tượng tình nghi đang chờ được “giải mã”.

Theo Reuters, Apple vì thế đã đáp trả mạnh mẽ khi cáo buộc Bộ Tư pháp đang cố tình “bôi nhọ” tập đoàn này, bộ tiếp tục có những tuyên bố “không có căn cứ” trong việc buộc Apple hỗ trợ mở mật mã chiếc điện thoại iPhone 5c của Farook.

“Giọng điệu trong hồ sơ của Bộ Tư pháp đọc giống như bản cáo trạng” - luật sư đại diện Apple, ông Bruce Sewell lên án.

Apple được ủng hộ

Cuộc chiến giữa FBI và Apple được ví như cuộc chiến vì tự do cá nhân và quyền bảo mật của doanh nghiệp. FBI dựa vào quyền lợi bảo vệ đất nước khi cho rằng việc mở khóa chiếc iPhone tang vật trong vụ xả súng ở Bernardino sẽ tiết lộ thêm về các hoạt động của các nghi phạm.

Apple sợ tuân theo yêu cầu của chính quyền sẽ mất uy tín với khách hàng. Với cách nghĩ này nên Apple được khá nhiều doanh nghiệp công nghệ Mỹ ủng hộ. Nhà sáng lập Microsoft Bill Gates thậm chí đã gửi lên tòa án lá đơn ủng hộ Apple trong vụ này.

Theo lịch, Apple sẽ phải đưa ra câu trả lời cuối cùng về việc có hỗ trợ cơ quan chức năng hay không vào ngày 15-3 tới. Tiếp đó, Apple và FBI sẽ có cuộc đối thoại trực tiếp vào ngày 22-3.

Cho đến nay, người đứng đầu Apple - ông Tim Cook - vẫn cứng rắn khi tuyên bố Apple sẽ không tuân thủ yêu cầu của FBI vì nếu làm điều này vô hình trung Apple đang tấn công chính khách hàng của mình.

Nếu Apple làm theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ thì chính tập đoàn này đang làm xói mòn kỹ thuật bảo mật dùng để bảo vệ khách hàng trước tin tặc và các loại tội phạm mạng khác trong mấy chục năm qua, trong đó có hàng chục triệu công dân Mỹ.

“Apple sẽ không thể làm theo yêu cầu nguy hiểm này. Chính phủ đã đi quá xa vì điều này có thể cung cấp cho bọn tin tặc chìa khóa chính để giải những mã hóa của Apple” - ông Tim Cook nói.

Bà Eileen Decker trong khi đó đe dọa sử dụng đạo luật “All Writs Act” (tạm dịch: luật ban hành bất kỳ lệnh nào cần thiết) để buộc Apple phải tuân lệnh chính quyền. Bà khẳng định đạo luật ban hành từ năm 1789 này vẫn còn đủ hiệu lực để áp dụng cho các loại công nghệ hiện nay.

FBI thừa sức bẻ khóa?

Hãng tin Reuters cho biết FBI luôn cho rằng chỉ có Apple mới đủ khả năng làm yếu đi hệ thống bảo mật của iPhone nhằm giúp họ mở khóa chiếc iPhone 5c bằng phương pháp Brute Force.

Thế nhưng, cựu nhân viên Cơ quan An ninh nội địa Mỹ (NSA) Edward Snowden cho rằng việc FBI nói chỉ có Apple mới có đội ngũ nhân viên và những phương tiện kỹ thuật để mở khóa chiếc iPhone 5c là “nhảm nhí” bởi FBI thừa sức mở khóa iPhone mà không cần sự trợ giúp từ Apple.

Snowden cũng ủng hộ báo cáo của Hội Liên hiệp tự do dân sự Mỹ khi cho rằng tuyên bố của FBI là sai lệch.

Theo Tuổi trẻ