Giá thuốc ở Việt Nam: Nhập hơn 4 triệu, bán 14 triệu

Một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200USD, độ khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng. 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý về dự án Luật Dược (sửa đổi)
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương góp ý về dự án Luật Dược (sửa đổi)

Ví dụ này được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu khi khi thảo luận về dự án Luật Dược (sửa đổi) sang 25/3 tại Quốc hội.

Theo đại biểu thì không có quy định nào ở trong luật về việc độc quyền nhập khẩu thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế lại có chuyện hạn chế trong quá trình cấp phép và sự hạn chế này đôi khi chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Vì việc hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và qua nhiều tầng lớp trung gian đẩy giá thuốc lên. Mà ví dụ nói trên là một điển hình.

Tôi nghĩ thật vô lý nếu người dân ta còn nghèo mà dùng thuốc giá cao như vậy. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếp thuốc và nâng giá thuốc” ông Cương phát biểu.

Vẫn nỗi lo về thuốc, nhưng là về chất lượng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên nêu thực tế hiện nay dược liệu của Việt Nam đa số nhập của nước ngoài và trình độ của chúng ta không có khả năng kiểm soát được.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên thì cho dù có ban hành tiêu chuẩn chất lượng và trang bị kỹ thuật thì cũng rất khó khăn để kiểm soát chất lượng.

“Vì vậy, dược liệu nhập của chúng ta chủ yếu là các loại dược liệu đã bị chiết xuất hóa chất, hoạt chất thành các thuốc dược liệu ở nước bạn sau đó xuất sang Việt Nam với giá rất rẻ, chỉ bằng 1/4, 1/3 giá dược liệu trong nước”, ông nhấn mạnh.

Nếu cứ sử dụng những dược liệu này thì đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng ngành y học cổ truyền của Việt Nam dần dần sẽ triệt tiêu. Còn “dân uống thuốc mà toàn thuốc bã như thế thì làm sao khỏi bệnh được”.

Với lập luận này đại biểu cho rằng nên chỉ định thầu với dược liệu ở trong nước. Bởi vì, thực tế hiện nay ở các vùng trồng dược liệu, nhân dân rất sẵn sàng, doanh nghiệp rất sẵn sàng nhưng vì dược liệu đấu thầu giá rẻ, cho nên trồng không bán được, không ai mua. 

Vị phó chủ nhiệm dự báo, trong luật này nếu quy định được dược liệu sử dụng trong các cơ sở y học cổ truyền chỉ định thầu thì các doạnh nghiệp Việt Nam sẽ bung ra và sẽ liên kết với người dân ở các vùng miền núi, những nơi họ trồng dược liệu và được lợi cho cả cho bệnh nhân, cho nông dân và cho đất nước, 

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh, đấu thầu chắc chắn sẽ theo nguyên lý anh nào rẻ thì anh ấy được, và bất câp nêu trên sẽ không được giải quyết.

Tôi xin đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội xem xét ý kiến đại biểu Nguyễn Văn Tiên, đó là ý kiến rất xác đáng, có thể tiếp thu để bổ sung, đại biểu Nguyễn Văn Minh (Tp.HCM) đồng tình.

Ông Minh cũng cho biết, Bộ Y tế khẳng định đã phát hiện rất nhiều dược liệu không đảm bảo chất lượng, dược liệu giả, lẫn nhiều chất tạp, nhiễm chất màu, sử dụng sai hoặc chiết xuất khác. 

Đại biểu Minh nhìn nhận, việc mua dược liệu giống như hàng hóa thông thường, giá cả không đi cùng chất lượng. Trình độ cán bộ kho, cán bộ kiểm nghiệm các bệnh viện còn yếu, không kiểm tra được chất lượng của các dược liệu. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cần bổ sung một điều riêng về kinh doanh dược liệu để quản lý toàn diện về dược liệu, bao gồm: bảo quản, phân phối, xuất nhập khẩu dược liệu, đại biểu Minh đề nghị.

Theo VnEconomy