Gia tăng số vụ khiếu nại về tài chính-ngân hàng, bảo hiểm

Số vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến mảng tài chính-ngân hàng và bảo hiểm đang gia tăng, chiếm vị trí thứ hai chỉ sau nhóm hàng hóa tiêu dùng thường ngày, theo Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương.
Nhóm hàng hóa tiêu dùng thường ngày bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất trong quí 1-2016, nhưng nhóm tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cho thấy gia tăng về vụ khiếu nại. Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Nhóm hàng hóa tiêu dùng thường ngày bị người tiêu dùng khiếu nại nhiều nhất trong quí 1-2016, nhưng nhóm tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cho thấy gia tăng về vụ khiếu nại. Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, trong ba tháng đầu năm nay, tổng đài hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 đã ghi nhận 1.406 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục Quản lý Cạnh tranh tiếp nhận và trả lời 849 cuộc gọi, chiếm 60,38%. Số còn lại được tư vấn phản ánh qua email, văn bản…

Cụ thể trong quý I-2016, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (56 trường hợp, chiếm khoảng 22,3%). Sau đó là nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 31 trường hợp, và điện thoại, viễn thông với 30 trường hợp. Theo cơ quan này, đây là ba nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.

Bên cạnh hàng hóa tiêu dùng hàng ngày (do tính chất tiêu dùng thường xuyên làm phát sinh nhiều vi phạm và phản ánh), thì nhóm “tài chính, ngân hàng, bảo hiểm” cũng đang tăng dần số lượng phản ánh, khiếu nại đến Tổng đài, cụ thể là dịch vụ cho vay tín dụng tiêu dùng từ các công ty tín dụng và dịch vụ bảo hiểm.

Đồ điện tử gia dụng cũng là nhóm hàng bị khiếu nại, phản ánh nhiều tới Tổng đài, sau đó là nhóm dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển. Các nhóm hàng khác bị phản ánh, khiếu nại với số lượng ít, một số nhóm hàng không có phản ánh, khiếu nại (thiết bị văn phòng, kết nối internet, mạng di động, thực phẩm đóng gói, chế biến sẵn).

Trong số 251 yêu cầu gọi tới Cục Quản lý cạnh tranh, có 25% trường hợp phản ánh về việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo bị khiếu nại nhiều là số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng với tỉ lệ 23%, bảo hành và cung cấp thông tin với tỉ lệ 18%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về giao kết hợp đồng (10%) và các hành vi khác (6%).

Trong Quý I năm 2016, Hà Nội và TPHCM tiếp tục là hai thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hai thành phố này chiếm tỉ lệ phản ánh nhiều hơn hẳn so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Thanh Hóa, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ngoài ra, trong Quý I năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận và xử lý 44 vụ việc khiếu nại bằng văn bản (email, trực tuyến, bưu điện và trực tiếp) của người tiêu dùng. Trong đó, có những vụ việc với sự tham gia của rất nhiều người tiêu dùng  như vụ một công ty  bảo hiểm nhân thọ ngừng tái tục hợp đồng (hơn 30 người tiêu dùng khiếu nại) hay vụ việc liên quan đến số tiền bồi thường lớn như đặt phòng khách sạn tại Dubai...

Số vụ yêu cầu xử lý khiếu nại theo ngành hàng, lĩnh vực trong quý 1-2016

Nguồn: Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nguồn: Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Theo TBKTSG