Gạo Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh

Myanmar và Campuchia là 2 đối thủ mới nổi đang tham gia đáng kể vào thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam là Trung Quốc, theo IPSARD.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng cạnh tranh khi có thêm đối thủ mới.
Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng cạnh tranh khi có thêm đối thủ mới.

Tại Hội thảo tổng quan xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam quý I/2015 do Viện chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) tổ chức ngày 6/6, Tiến sĩ Đặng Kim Khôi cho biết gạo là một trong 4 nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong những tháng đầu năm, giảm khoảng 150 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Nhu cầu nhập khẩu gạo tại Trung Quốc, Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) và Philippines đều giảm đáng kể, trong đó riêng Trung Quốc giảm tới 120.000 tấn, tương đương 111 triệu USD.

Nguyên nhân theo ông Khôi, ngoài cầu suy yếu tại các thị trường nhập khẩu, cũng phải kể đến năng suất gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi. Trong khi đó, nguồn cung trên thế giới lại lớn khi Thái Lan xả 17,8 triệu tấn gạo tồn kho, kéo giá gạo nước này tiệm cận với Việt Nam.

Song, theo vị này, đáng chú ý nhất vẫn là sự xuất hiện của Campuchia và Myanmar trên thị trường. Trong khi Campuchia xuất cho Trung Quốc 70.000 tấn gạo trong 3 tháng đầu năm thì trước đó, Myanmar đã xuất 1,2 triệu tấn gạo vào nước này, dù chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch.

"Trong 10 năm trở lại đây, Campuchia luôn mở rộng diện tích và tăng năng suất thu hoạch lúa. Hiện chất lượng gạo cũng được đánh giá khá cao trên thị trường trong 3 năm qua. Những điều đó cho thấy Campuchia và Myanmar đang là là hai đối thủ cạnh tranh mới của Việt nam”, vị này nhận định.

Theo ông Khôi, gạo sụt giảm cả về sản lượng và giá trị không chịu tác động vì tỷ giá. Bởi thời gian qua, đồng baht Thái Lan và riel của Campuchia không có biến động lớn để có thể ảnh hưởng đến giá bán gạo Việt Nam.

Lãnh đạo IPSARD cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh lại quy hoạch nhằm cân đối cung cầu trên thị trường, cùng đó thay đổi cơ cấu giống lúa, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh cho mặt hàng lúa gạo.

Theo VnExpress