FPT đã chuyển nhượng 30% cổ phần FPT Retail – chủ quản của FPT Shop

VietTimes -- Công ty cổ phần FPT (HoSE: FPT) vừa phát đi thông ti cho biết, đã hoàn tất việc chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tương đương 6 triệu cổ phiếu, cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital.
FPT đã chuyển nhượng 30% vốn FPT Retail – chủ quản của FPT Shop. (Ảnh: FPT)
FPT đã chuyển nhượng 30% vốn FPT Retail – chủ quản của FPT Shop. (Ảnh: FPT)

Lưu ý, FPT Retail là đơn vị chủ quản của hệ thống FPT Shop, chuỗi bán lẻ thiết bị di động đang có độ phủ và uy tín lớn ở Việt Nam.

Chi tiết hơn, FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, FPT Retail đang vận hành 438 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Với doanh thu 15.717 USD/m2, FPT Retail đang là nhà bán lẻ hiệu quả nhất xét về hiệu quả doanh thu/m2 diện tích sàn (theo Euromonitor và Retail Asia Publishing).

“Dragon Capital và VinaCapital là những nhà đầu tư tài chính nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, quản lý lần lượt 2,1 tỷ USD và 1,8 tỷ USD tổng tài sản”, FPT cho biết về đối tác của họ trong thương vụ.

Một thông tin rất được quan đối với mỗi thương vụ, đó là giá trị chuyển nhượng. Với thương vụ nhượng 6 triệu cổ phiếu FPT Retail, hiện các bên liên quan vẫn chưa công bố mức giá. Tuy vậy, điều này sẽ sớm sáng tỏ khi FPT công bố báo cáo tài chính kỳ tới.

Chia sẻ về quyết định đầu tư, ông Andy Ho, Giám đốc VinaCapital cho biết: “Tiêu dùng là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư của VinaCapital. Nhu cầu về điện thoại và thiết bị di động của người dân Việt Nam rất lớn và đây được xem là công cụ thứ hai của họ để giao tiếp và truy cập internet. Vì vậy chúng tôi  quyết định khoản đầu tư ý nghĩa ở một công ty bán lẻ hàng đầu của Việt Nam và chưa niêm yết”.

Trong khi, ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc đầu tư Dragon Capital cũng cho hay: “Thị trường tiêu dùng Việt Nam với quy mô dân số gần 100 triệu người và doanh số bán lẻ hàng năm hơn 110 tỷ USD là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Trong đó, ngành bán lẻ điện thoại đi động và thiết bị điện tử có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. FPT Retail, mặc dù mới tham gia thị trường chưa lâu, đã chứng tỏ là một nhà bán lẻ thiết bị di động hàng đầu. Chúng tôi đánh giá cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ lãnh đạo tại FPT Retail, cũng như kinh nghiệm quản trị và điều hành của tập đoàn FPT, đây là tiền đề quan trọng để FPT Retail tiến xa hơn trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam”.

Sau đợt thoái vốn này, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55%.

Tỷ lệ 55% vẫn đủ để đảm bảo quyền kiểm soát, FPT Retail vẫn là công ty con của FPT. Do đó, theo quy định của Thông tư 202, lợi nhuận từ thương vụ này có thể sẽ không ghi nhận vào kết quả kinh doanh quý 3 mà ghi nhận thẳng vào chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán.

Tuy vậy, theo phương án đã được Hội đồng quản trị thông qua, sau đợt thoái vốn này, FPT sẽ bán tiếp 10% cổ phần FPT Retail cho các nhà đầu tư khác ngay trong năm 2017, nhiều khả năng là thông qua IPO. Khi đó, FPT sẽ không còn nắm quyền kiểm soát và có thể ghi nhận lợi nhuận từ thoái vốn vào kết quả kinh doanh./.