FDI chuyển giá trốn thuế, đóng góp âm vào tăng trưởng

FDI đang đóng góp âm vào tăng trưởng mặc dù hưởng nhiều ưu đãi hơn các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam có thể học kinh nghiệm của Singapore quan niệm chỉ đầu tư từ Mỹ, châu Âu mới được xem là đầu tư nước ngoài?
FDI chuyển giá trốn thuế, đóng góp âm vào tăng trưởng

FDI đóng góp âm vào tăng trưởng

Dựa trên các số liệu của Tổng cục Thống kê, 2 tác giả Bùi Trinh, Nguyễn Huy Minh đã có những tính toán cho thấy, mặc dù cho đến nay khu vực ngoài Nhà nước làm ăn manh mún, chậm thay đổi và khu vực FDI về cơ bản không đưa công nghệ mới hoặc chỉ đưa công nghệ cũ vào sản xuất, về cơ bản khu vực FDI đang lợi dụng các ưu đãi của Việt Nam về chính sách thuế, đất và lợi dụng nhân công giá rẻ và gian lận về thuế. 

Cụ thể, 2 vị chuyên gia này cho biết, hiệu quả đầu tư của tất cả các thành phần sở hữu đều giảm sút, trong đó giảm sút mạnh nhất về hiệu quả đầu tư là khu vực kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài. 

Và việc giảm sút này nguyên nhân chính được chỉ ra là do báo cáo lỗ giả nhưng lãi thật và phần giá trị gia tăng của khu vực này cơ bản là gia công nên hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp. 

Ngoài ra, qua chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp giai đoạn 2000-2006 cũng cho thấy, đóng góp của khu vực FDI ở mức âm trong khi đóng góp của khu vực ngoài Nhà nước khoảng 18%. 

Đến giai đoạn 2007-2012, khu vực FDI vẫn ở mức âm trong đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng cả nền kinh tế.

Dẫn báo cáo của một số chuyên gia, ông Bùi Trinh và ông Nguyễn Huy Minh cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay với 4 động cơ tăng trưởng thì 3 động cơ "nội" gồm gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế tư nhân trong nước và nông nghiệp đang trục trặc và chỉ động cơ "ngoại" là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang chạy tốt. 

"Điều này có thể có lợi cho chỉ tiêu “ít ý nghĩa” là tăng trưởng GDP, nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của Tổng thu nhập Quốc gia (GNI) ngày càng thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP, góp phần làm mức độ để dành (saving) của trong nước ngày càng giảm", 2 vị chuyên gia này đánh giá. 

Không thể ưu đãi tất cả 

Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã nêu đánh giá cho rằng, dường như địa phương nào nhận được FDI tăng trưởng vượt lên, GDP "tươi tắn" hẳn trong khi địa phương nào không thu hút FDI kinh tế ảm đạm hơn. 

Tuy nhiên cũng chỉ ra mặt hạn chế của FDI là việc FDI "đổ vào" và lấn áp doanh nghiệp trong nước không thể phát triển được. 

Đồng thời cũng dự đoán khả năng FDI bỏ đi là bình thường khi doanh nghiệp Việt Nam không có năng lực tốt để FDI tiếp cận. 

Đưa ra bình luận về việc địa phương trải thảm đỏ thu hút đầu tư FDI, GS. Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới thông tin rằng, tại Singapore, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu từng quan niệm chỉ đầu tư từ Mỹ, châu Âu mới được xem là đầu tư nước ngoài còn đầu tư từ Nhật Bản vào Singapore cũng không được coi là đầu tư nước ngoài. 

"Còn ở Việt Nam cả đầu tư từ Trung Quốc cũng ưu đãi và đi theo đó là tham nhũng. Do đó vấn đề đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài cần xem xét lại, không thể ưu đãi tất cả mà cần giảm bớt tùy thuộc vào công nghệ", ông Lược cho hay. 

Theo Bizlive