EU giáng đòn, Nga thất vọng não nề

Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng đã quyết định tiếp tục “ra đòn” với Nga bất chấp thực tế họ cũng đang phải hứng chịu hậu quả “gậy ông đập lưng ông”. Diễn biến này khiến Moscow không khỏi thất vọng, tuyên bố sẽ đáp trả.
Ảnh vệ tinh Global Times đăng tải về tàu mang số hiệu hiệu 999 xuất hiện ở bãi đá Vành Khăn. Ảnh: Huanqiu
Ảnh vệ tinh Global Times đăng tải về tàu mang số hiệu hiệu 999 xuất hiện ở bãi đá Vành Khăn. Ảnh: Huanqiu

Chính phủ các nước thành viên EU hôm qua (17/6) đã nhất trí tiếp tục kéo dài thêm thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Cụ thể, chính sách trừng phạt Nga sẽ được kéo dài cho dến ngày 31/1/2016, các nhà ngoại giao EU cho biết.

Quyết định kéo dài thời hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng đã được đưa ra tại cuộc họp của các đại sứ đến từ 28 quốc gia thành viên EU ở thủ đô Brussels, Bỉ. Để chính thức có hiệu lực, quyết định trên còn cần phải nhận được sự thông qua của các ngoại trưởng EU trong cuộc họp ở Luxembourg vào thứ Hai tới (22/6) và điều này được cho là chắc chắn sẽ xảy ra. Thủ tục trên đồng nghĩa với việc sẽ không cần phải có một cuộc họp bàn về Nga tại hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo các nước EU ở Brussels vào cuối tuần tới.

Những đòn trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng, quốc phòng và tài chính của Nga đã được EU đưa ra vào tháng 7 năm 2014 với thời hạn kéo dài một năm. Đây là những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà EU tung ra với Nga sau khi Moscow tiến hành sáp nhận bán đảo Crimea và EU cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine. 

Trong cuộc họp ngày hôm qua, đại sứ EU cũng nhất trí kéo dài thêm thời hạn cấm nhập khẩu từ Crimea thêm một năm nữa và như vậy lệnh trừng phạt này sẽ kéo dài đến 23/6 năm sau, một nhà ngoại giao Châu Âu cho biết. 

Các nhà ngoại giao cũng đã đề nghị giới chức EU khởi động công việc về pháp lý và kỹ thuật để kéo dài thời gian phong tỏa tài sản và cấm đi lại đối với các cá nhân cũng như công ty Ukraine và Nga bị cáo buộc làm phương hại đến chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Ukraine. 

Chưa có quyết định nào được đưa ra về việc kéo dài các biện pháp trừng phạt đối với 150 cá nhân và 37 tổ chức của Nga và Ukraine. Chính sách trừng phạt này sẽ hết hạn vào ngày 15/9 tới.

Đòn giáng trên của EU được đưa ra trong bối cảnh tình hình Ukraine đang có chiều hướng xấu đi khi những cuộc giao tranh, đụng độ giữa lực lượng ly khai miền đông với quân Kiev có dấu hiệu tăng lên. Diễn biến này đe dọa thỏa thuận ngừng bắn Minsk .

Quyết định kéo dài thời hạn thực hiện chính sách trừng phạt Nga thể hiện sự đoàn kết của phương Tây trong chính sách với Nga bất chấp việc một số thành viên EU vẫn có sự thận trọng, dè dặt. 

Nga phản ứng mạnh với quyết định của EU 

Phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov nói rằng, phản ứng của Nga sẽ phụ thuộc vào “nguyên tắc có đi có lại”, ám chỉ rằng Moscow sẽ kéo dài thời hạn thực hiện biện pháp đáp trả, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, nông sản từ phương Tây.

Tuy nhiên, ông Peskov cho hay, Moscow sẽ chờ cho đến khi EU đưa ra thông báo chính thức trước khi Nga tung ra bất kỳ động thái trả đũa nào, hãng tin RIA đưa tin. 

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay, Moscow đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đón nhận quyết định EU kéo dài thời hạn thực thi các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Nga. 

Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang Nga – ông Konstantin Kosachev hôm qua đã bình luận trên trang Facebook cá nhân của ông này rằng, quyết định của các đại sứ EU về việc kéo dài thời hạn áp đặt những biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga thêm 6 tháng nữa đã phơi bày ra sự bất lực của người Châu Âu trong việc hiểu được Nga cũng như đoàn trước được phản ứng củaNga. 

Thượng nghị sĩ Nga Kosachev cho rằng, “những người muốn dùng các biện pháp trừng phạt nhằm gây tác động lên Nga chắc chắn đã đạt được điều mong muốn. Tuy nhiên, đó lại không phải là kiểu tác động mà họ muốn. Và điều này giải thích cho tất cả những vấn đề mà người Châu Âu đang phải đối mặt trong nỗ lực nhằm hiểu Nga và đoán trước được phản ứng của chúng tôi. Chính xác hơn, họ không thể làm được điều đó”.

Ông Kosachev nói thêm rằng, các biện pháp trừng phạt “là vấn đề nội bộ của các nước thành viên EU” và rằng “Nga sẽ không đưa vấn đề đó vào bàn đàm phán hoặc coi nó như một thứ để mặc cả, thỏa hiệp". "Nói cách khác, tôi phải thừa nhận rằng sẽ rất thú vị để chứng kiến các đối tác Châu Âu của chúng tôi thoát ra khỏi cái bẫy trừng phạt mà họ bị lôi kéo vào”.

Trong khi đó, thẳng thừng hơn, ông Igor Sechin – người đứng đầu tập đoàn dầu mỏ hàng đầu của Nga - Rosneft , tuyên bố bên lề một diễn đàn kinh tế ở St Petersburg rằng, quyết định của EU trong việc kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Nga chỉ có hại cho cả hai phía mà thôi. “Quyết định đó tác động lên tất cả mọi người. Vì thế, tôi cho rằng, đây là quyết định không khôn ngoan”, ông Sechin nhận xét. “Tôi vẫn hy vọng rằng, tình hình sẽ không kéo dài lâu bởi điều đó vi phạm lợi ích của tất cả những người tham gia thị trường – những người hoàn toàn không có liên quan gì đến những cuộc xung đột, khủng hoảng và vv... đó”.

Theo: VnExpress