Ép tiến độ cổ phần hóa có thể dẫn đến nhiều hệ lụy

Cuối tuần qua, Bộ Tài chính đã họp báo chuyên đề về cổ phần hóa (CPH) và đưa ra thông điệp sẽ có nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến trình này, nhằm hoàn thành mục tiêu CPH hơn 200 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ nay đến cuối năm.
Ép tiến độ cổ phần hóa có thể dẫn đến nhiều hệ lụy

Trong bối cảnh các tổng công ty, tập đoàn phải gấp rút thực hiện CPH mà thực tế đang có nhiều vướng mắc khó có thể giải quyết ngày một ngày hai, giới chuyên gia lo ngại rằng việc ép tiến độ này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy.

Trước hết, với những DNNN CPH có quy mô lớn, đang phải khắc phục tình trạng đầu tư ngoài ngành tràn lan, kéo theo công nợ lớn, việc tái cơ cấu tài chính trước khi IPO gấp gáp có thể sẽ không đem lại hiệu quả tối ưu nhất cho DN và Nhà nước.

Nhìn vào danh sách những tổng công ty thuộc diện CPH năm 2015, có không ít DN đang chịu áp lực lớn về tài chính, công nợ và đang trong diện phải thực hiện tái cơ cấu trước khi CPH. Đơn cử trường hợp Tổng công ty HUD, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây, số tiền để khắc phục kết luận thanh tra và thực hiện tái cấu trúc tài chính toàn Tổng công ty theo tính toán sơ bộ lên tới trên 10.000 tỷ đồng. Nếu thúc DN làm nhanh, HUD có thể sẽ phải bán nhiều dự án bất động sản với giá rẻ…

Một quan ngại khác liên quan đến việc định giá DN. Với các tổng công ty có tài sản lớn, nằm rải rác khắp cả nước, việc định giá trong thời gian ngắn, nhằm kịp tiến độ đề ra có thể dẫn đến việc không sát giá thị trường…

Tương tự, việc xác định giá trị tài sản đầu tư tài chính vốn cũng là khâu phức tạp không kém. Với các DN, công ty con đã lên sàn, thị giá cổ phiếu sẽ là căn cứ để tính giá trị. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đặc biệt với những cổ phiếu kém thanh khoản và số lượng lưu hành thấp, thị giá lại không phản ánh đúng giá trị DN. Tương tự, việc định giá các DN chưa niêm yết cũng là câu chuyện mất nhiều thời gian.

Lãnh đạo một tổng công ty kể rằng, do gấp rút, cộng với việc xác định giá trị tài sản vô hình như thương hiệu hay lợi thế kinh doanh chưa có hướng dẫn cụ thể, nên tại công ty ông, người ta cộng hết chi phí đi công tác nước ngoài, chi phí tiếp khách… vào lợi thế kinh doanh.

Câu chuyện định giá những tài sản “nhạy cảm”, chẳng hạn quyền sử dụng đất ở nhiều vị trí đắc địa tại các thành phố lớn của DNNN cũng luôn là đề tài nóng và được quan tâm gần đây.

Việc quá chú trọng về lượng mà bỏ qua chất trong CPH DNNN cũng đang để lại hậu quả lớn với nhiều DN và thị trường.

Do tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại DN quá lớn, sau CPH, quản trị của DN hầu như không có bước tiến đáng kể.

Phương thức hoạt động, quản lý của các đơn vị mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối về cơ bản vẫn chưa được đổi mới, vẫn hành xử theo cơ chế cũ của DNNN trước đây. Chẳng hạn, việc lạm dụng mệnh lệnh hành chính của các công ty mẹ vào các công ty con trực thuộc tập đoàn, tổng công ty cũng là một nguyên nhân gây mất lòng tin của các nhà đầu tư vào các DN cổ phần đã niêm yết, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ...

Theo ĐTCK