Đường ở Hà Nội siêu đắt, vì sao?

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho rằng suất đầu tư làm mỗi mét đường hàng tỉ đồng là do chi phí đền bù giải phóng quá lớn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban Quản lý dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, cho biết trong tháng 6-2015, đơn vị này sẽ hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đường Vành đai 1, đoạn từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ. Tính theo suất đầu tư làm đường thì đây được xem là con đường đắt nhất Việt Nam.

Giá “khủng” vì đền bù

Đoạn đường này dài 697 m, rộng 50 m, tổng mức đầu tư 1.767 tỉ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2015 đến 2018. Theo ông Bảo, khi triển khai dự án, sẽ phải thu hồi đất của 641 hộ, cần 504 căn hộ tái định cư. Dự kiến riêng chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án hết khoảng 1.585 tỉ đồng (chiếm 89,7% tổng mức đầu tư), chi phí làm đường chưa tới 200 tỉ đồng. Như vậy, tính trung bình mỗi mét đường nối từ Hoàng Cầu đến nút giao Láng Hạ - Giảng Võ cần hơn 2,5 tỉ đồng.

Về dự án có suất đầu tư “khủng” này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị giải thích: Các tuyến đường có suất đầu tư cao vì chỉ giới mở đường đã được phê duyệt từ trên 10 năm, thậm chí có dự án từ 20 năm trước. “Khu vực Hoàng Cầu, Ô Chợ Dừa, mốc giới đã xác định cách đây 20 năm nên không có cách nào khác mà phải chấp nhận, mà thực tế giá đất ở khu vực này trên thị trường tới mấy trăm triệu đồng/m2. Nay muốn thay đổi chỉ giới để mở sâu vào trong rồi lấy đất đấu giá bù vào tiền đền bù cho dân nhằm giảm giá đầu tư sẽ rất khó vì lo dân khiếu kiện” - ông Nghị nói.

Để tránh lặp lại trường hợp như tuyến đường trên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, các dự án mới được phê duyệt sau khi có Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành (1-7-2013) thì đều lấy vào sâu ít nhất 30 m ở 2 bên đường để bảo đảm sự thông thoáng, đồng thời lấy đất đem đấu giá bù đắp vào chi phí. Thậm chí, như đường Nhật Tân - Nội Bài được lấy sâu vào 100-120 m mỗi bên để tính dài hơi. “Hiện nay, TP đã cấm tuyệt đối việc mua bán, xây nhà trong phạm vi từ 100-120 m ở 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài. Không kiên quyết cấm như vậy thì nay nhà mọc nhanh như nấm ở tuyến đường này rồi” - ông Nghị cho biết.

Làm chưa thật đúng cách

TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho rằng để hạn chế thấp nhất chi phí làm đường, nhiều nước áp dụng biện pháp thu hồi đất vào sâu hàng trăm mét rồi đấu giá lấy tiền làm đường. “Cách làm này còn ngăn chặn được chênh lệch địa tô bất công khi nhà mặt đường bị mất còn nhà trong ngõ bỗng dưng ra mặt tiền nhưng chẳng phải đóng một đồng thuế nào. Việt Nam nhận thức được điều này, chỉ có điều là không làm phổ biến. Đây chính là sơ hở của nhiều tỉnh, thành” - ông Kiêm bình luận.

Dẫn chứng thành công từ việc làm đường “tầm nhìn xa” ở Đà Nẵng, ông Cao Sỹ Kiêm nhận định thêm nếu tất cả các địa phương áp dụng kinh nghiệm này thì sẽ không có chuyện giá 1 m đường vượt trên 1 tỉ đồng và lên đến 2,5 tỉ đồng như ở Hà Nội.

Ông Kiêm kiến nghị Hà Nội cần mạnh dạn “nới” chỉ giới mở đường thay vì chấp nhận một quy hoạch lỗi thời từ cả chục năm trước, gây  tốn kém và mất công bằng.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Phó Chủ tịch UBND TP, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Luật Xây dựng quy định khi xây dựng một tuyến đường thì phải giải phóng mặt bằng cả một vùng rộng lớn mỗi bên đường thêm 50 m để xây dựng quỹ nhà tái định cư tại chỗ cho người dân theo nguyên tắc bị thu hồi bao nhiêu được tái định cư bấy nhiêu. Đất còn thừa sau đó có thể xây trung tâm thương mại, nhà cao tầng để bán hoặc đấu giá đất. “Nếu làm được như vậy thì dân cũng hài lòng vì được ở tại chỗ, lại không mất quá nhiều ngân sách để giải phóng mặt bằng. Mô hình này gọi là tái phát triển mà nhiều nước đã làm. Pháp luật hiện hành của ta cũng đã có quy định nhưng không chịu làm” - ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, làm đường theo kiểu hiện nay không chỉ khiến chi phí đầu tư đắt đỏ mà còn để xảy ra nhiều chuyện chướng tai gai mắt. “Nhà siêu méo, siêu mỏng mọc lên, tạo nên sự bất bình đẳng giữa những cư dân bị thu hồi đất bởi có người bỗng dưng đang ở trong hẻm lại được ở nhà mặt phố; còn người đang ở mặt phố thì lại mất nhà và tái định cư nơi khác” - ông Liêm nói.

Hà Nội nên xem xét lại

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Bùi Đức Thụ, kiến nghị TP Hà Nội xem xét lại tính hợp lý của việc đền bù giải phóng mặt bằng bởi chi phí đền bù như hiện nay quá lớn. “Do cách làm manh mún dẫn đến chênh lệch địa tô bất hợp lý. Hà Nội cần xem xét quy hoạch giao thông nói riêng và đô thị nói chung để có giải pháp đồng bộ, có tầm nhìn xa hơn” - ông Thụ góp ý.

Theo NLĐ