Dừng thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai: Lẽ phải đã thắng

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kết luận và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục dừng thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai.
Dừng thực hiện dự án lấp sông Đồng Nai: Lẽ phải đã thắng

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN-MT đã chủ trì, phối hợp với các bộ thành lập tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra thực địa; rà soát các tài liệu, thủ tục pháp lý liên quan đến quá trình chuẩn bị và triển khai dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”.

Công văn của Bộ TN-MT khá dài, toàn bộ nội dung phù hợp với các ý kiến phản biện, đặc biệt là của các nhà khoa học và báo chí. Dừng dự án là đúng nhưng chưa đủ. Phần kết luận vẫn còn “mảng trống” như không nói rõ khi nào Bộ TN-MT sẽ hoàn thành báo cáo thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án; không nói rõ trách nhiệm của cá nhân phê duyệt dự án...

Cái sai của dự án lấn sông Đồng Nai đã rõ, từ vi phạm pháp luật đến không đủ tin cậy về cơ sở khoa học. Doanh nghiệp thực thi dự án được tỉnh duyệt đã chủ động dừng dự án khi bị công luận phản đối, nếu hậu quả xảy ra thì trách nhiệm của tỉnh Đồng Nai là phải bàn bạc lại với chủ đầu tư về vấn đề đền bù theo quy định của pháp luật. Nếu thành tâm sửa sai thì doanh nghiệp sẽ thấy đây là cơ hội tốt để từ bỏ tư duy chộp giật mà hướng tới những dự án đầu tư đàng hoàng hơn.

Chuyện này đến thời điểm hiện tại được xem là tạm kết thúc có hậu như người dân mong đợi. Và đó cũng là thành quả đáng tự hào của công luận chân chính, của nỗ lực phản biện từ phía người dân và trí thức nước nhà. Sẽ sòng phẳng hơn nếu chính quyền địa phương nhận trách nhiệm về việc phê duyệt sai dự án này. Họ phải xin lỗi doanh nghiệp và công luận; phải có sự đền bù cho những tổn thất của cộng đồng và cả của chủ đầu tư; phải có cá nhân chịu trách nhiệm và chịu hình thức kỷ luật thích đáng.

Từ vụ này, có thể rút ra bài học khá rõ ràng.

Một là, khoảng trống về khung pháp lý, đặc biệt liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm quản lý lưu vực sông. Các cơ quan quản lý (trường hợp này chủ yếu thuộc về Bộ TN-MT) cần phải làm tốt hơn chức năng của mình một cách chủ động. Cần phát hiện những vi phạm kiểu này khi hậu quả chưa quá lớn, chưa quá nặng nề. Phản ứng vừa rồi của các cơ quan quản lý nhà nước có thể nói là chậm chạp, dù có sửa được thì cái giá phải trả vẫn là quá lớn. Nên xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đối với toàn bộ những khu vực hấp dẫn, những hệ sinh thái nhạy cảm... vốn rất dễ trở thành miếng mồi ngon của những kẻ tham lam.

Hai là, người dân, đặc biệt là giới trí thức, nếu sắc bén và bền bỉ trong đấu tranh, phản biện thì có thể làm chùn bước những kẻ làm trái.

Theo NLĐ