Dùng đèn LED điều trị bệnh Alzheimer

 Phát hiện khoa học cho thấy việc thiết lập đèn LED nhấp nháy ở một tần số nhất định có thể giúp điều trị chứng bệnh Alzheimer.
Dùng đèn LED điều trị bệnh Alzheimer
Dùng đèn LED điều trị bệnh Alzheimer

Có lẽ, tất cả chúng ta đều cảm thấy khó chịu trước những ánh đèn nhấp nháy, nhưng đôi khi chính những điều tưởng chừng như không tốt lại có những tác dụng tích cực và đặc biệt là có thể dùng để điều trị một chứng bệnh.

Theo phát hiện mới nhất từ các nhà khoa học tại Viện công nghệ MIT, những ánh đèn LED nhấp nháy tại một tần số nhất định có thể giúp điều trị căn bệnh Alzheimer vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh và chiếm một lượng không nhỏ, khoảng từ 60% đến 80% trường hợp suy giảm trí nhớ. Cụ thể hơn, theo các nhà khoa học tại MIT, việc thiết lập đèn LED chớp tắt với tần số 40Hz đã giúp những chú chuột thử nghiệm giảm đáng kể nồng độ protein beta-amyloid bên trong não bộ. Được biết, nồng độ protein beta-amyloid từ lâu đã được các nhà khoa học phát hiện tích tụ trong não của người bị mắc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, chính việc tiêu hóa chậm protein này mới là vấn đề của người mắc bệnh Alzheimer hơn là sự tích tụ.

Theo phát minh của các nhà khoa học MIT, việc thiết lập đèn LED chớp tắt ở tần số 40Hz giúp thúc đẩy quá trình tẩy xóa protein beta-amyloid bên trong não bộ các chú chuột thử nghiệm trong một khoảng thời gian ngắn. Về cơ bản, việc dùng ánh đèn LED nhấp nháy theo giải thích của MIT chính là quá trình kích thích các dao động gamma bên trong não, vốn bị suy yếu đi trên người mắc bệnh Alzheimer. Dao động gamma một khi bị kích thích bởi đèn LED chớp tắt ở tần số 40Hz sẽ biến đổi và giúp phục hồi các tế bào miễn dịch gọi là tiểu thần kinh đệm vốn có chức năng đẩy lùi sự hình thành mảng bám (các protein beta-amyloid).

Có thể thấy nghiên cứu của các nhà khoa học MIT đã có những tác dụng rõ rệt trên những chú chuột thí nghiệm. Tuy nhiên, đáp án cho câu hỏi liệu khi đưa vào áp dụng trên con người, cách điều trị này có thực sự hiệu quả hay không vẫn còn chưa thể xác định rõ ràng, vì được biết, cách điều trị này chỉ giúp hạ thấp mức protein beta-amyloid trên những chú chuột thí nghiệm trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên giới quan sát cho rằng đây cũng là một tín hiệu tốt và đầy hứa hẹn, giúp các nhà khoa học có thêm cơ hội mới nhất là khi bệnh thoái hóa thần kinh vẫn trong giai đoạn chưa có thuốc chữa.

Theo PC World VN