Đừng để cái nghèo đeo đuổi thì mới khởi nghiệp thành công

"Các bạn trẻ đừng bao giờ để cái nghèo đeo đuổi mà hãy luôn nuôi dưỡng lý trí, tinh thần khởi nghiệp để đi đến thành công" - Ông giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chia sẻ tại một buổi tọa đàm cho sinh viên khởi nghiệp gần đây.
Tiến sĩ Vũ Hữu Kiên, giảng viên đào tạo cao cấp tổ chức Lao động quốc tế ILO
Tiến sĩ Vũ Hữu Kiên, giảng viên đào tạo cao cấp tổ chức Lao động quốc tế ILO

Trong cuộc tọa đàm “Sinh viên Thủ đô sáng tạo, khởi nghiệp” do Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Học viện Ngân hàng vừa tổ chức mới đây, nhiều sinh viên đặt ra một số câu hỏi tới các chuyên gia với mong muốn lý giải những nguyên nhân chính nào dẫn đến thành công hay thất bại khi khởi nghiệp.

Trả lời câu hỏi của các bạn trẻ, ông Vũ Hữu Kiên, giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, ở Mỹ và nhiều quốc gia khác đã thống kê, mỗi năm có khoảng 100 cá nhân, công ty khởi nghiệp thì có đến 20% thất bại. Có rất nhiều nguyên nhân thất bại nhưng có một vấn đề hết sức quan trọng mà nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ hết là họ chưa định hình được là sở trường, năng lực của mình có kinh doanh được hay không.

Theo ông Kiên, để khởi nghiệp thành công, mỗi người cần tìm ra thế mạnh của mình và chuyên tâm vào thế mạnh đó vì không phải ai cũng giỏi mọi thứ. Tổng thống Mỹ Barack Obama rất giỏi nhưng không thể đá bóng như cầu thủ David Beckham. Điều này nhắc nhở các bạn trẻ là muốn thành công trong công việc thì phải tập trung vào phát huy thế mạnh của mình.

Ban đầu, nhiều thanh niên có tinh thần, nghị lực khởi nghiệp rất hào hứng nhưng mới thất bại khi làm một cái gì đó thì sự nhiệt tình lại bị tắt ngấm. Thành công sẽ không đến với những người như vậy. Việc kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro, nhiều khi “họa nhiều hơn phúc. Tuy nhiên, các bạn phải chiến đấu đến cùng giống như người dân miền Trung chống chọi với bão lũ. 

Các bạn trẻ đừng bao giờ để cái nghèo đến, đeo đuổi chúng ta hay tự bằng lòng với nghèo khó. Chúng ta phải thấy được cái nghèo là sự sợ hãi, tủi nhục mà hãy luôn nuôi dưỡng lý trí, tinh thần khởi nghiệp để đi đến thành công.

Ông Vũ Hữu Kiên đưa ra ví dụ, năm 71 tuổi, người chế biến ra gà rán KFC Harland Sanders mới bán được mặt hàng của mình. Trước đó, ông đã tìm đến các cửa hàng và bị từ chối nhưng rồi ông vẫn thành công, tạo ra một thương hiệu gà rán có mặt khắp nơi trên thế giới.

Khi bắt đầu khởi nghiệp, các bạn trẻ phải xác định được ý tưởng độc đáo cho riêng mình. Ví dụ một thanh niên ở TP HCM đã có ý tưởng làm dưa xoài rất đặc biệt nên đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động và mỗi năm thu được vài tỷ đồng.

Một đạo diễn, người viết kịch bản, họa sĩ phim hoạt hình người Mỹ luôn đi tìm những ý tưởng độc đáo cho những bộ phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ. Ví dụ như đang ngồi uống cà phê, người đạo diễn này đã nhìn thấy hình ảnh con mèo đuổi con chuột và ngay lập tức có ý tưởng mới là trong nhiều hoạt động thì con chuột vẫn thắng con mèo. Từ đó, người đạo diễn này và các đồng nghiệp đã cho ra đời bộ phim Tom & Jerry, thu hút sự yêu thích đông đảo người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là các em thiếu nhi.

Tuổi khởi nghiệp là không giới hạn

Chia sẻ với các bạn sinh viên về độ tuổi khởi nghiệp, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Nexttech cho rằng, độ tuổi để khởi nghiệp trải rộng từ 18 đến 72 và thậm chí là hơn thế.

Mặc dù rất thành công trong kinh doanh nhưng tân Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tham gia chính trị ở tuổi 70 và thắng cử. Như vậy có thể thấy rằng, tuổi tác không phải là rào cản nếu con người có quyết tâm đối với một công việc cụ thể.

Độ tuổi để khởi nghiệp rất rộng nhưng thời điểm thích hợp nhất lại phụ thuộc vào hoàn cảnh từng cá nhân và ngành nghề mà mỗi người theo đuổi. 

Ông Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại trong khởi nghiệp là mọi người quá tự tin vào ý tưởng của mình, để rồi lao vào làm những thứ xã hội không cần.

Lãnh đạo của một doanh nghiệp bây giờ không phải là người làm ra sản phẩm tốt nhất mà phải là người bán hàng tốt nhất. Trước khi khởi nghiệp, nếu chúng ta không khảo sát, nghiên cứu thị trường, tham khảo ý kiến các chuyên gia thì ý tưởng có hay đến mấy cũng không thành công.

Cùng với đó, việc không xây dựng được kênh bán hàng phù hợp, không nhanh nhạy với thị trường, không có vốn để kinh doanh hay dùng sai người cũng là những nguyên nhân dẫn đến khởi nghiệp thất bại.