Dùng "chùa” năng lượng điện để đào tiền ảo và cái giá phải trả

VietTimes – Việc khai thác tiền kỹ thuật số đang thu hút nhiều "thợ mỏ" trên toàn cầu. Nếu "thợ mỏ" có một siêu máy tính có khả năng tính toán cực nhanh và không phải trả tiền điện để siêu máy tính trên duy trì hoạt động thì sao?
Ảnh minh họa. Nguồn: The Verge
Ảnh minh họa. Nguồn: The Verge

Việc khai thác tiền mã hóa như Bitcoin tiêu thụ khối lượng điện khổng lồ. Nếu vẫn tiếp tục với tốc độ hiện tại, đến cuối năm nay, lượng điện năng tiêu thụ để khai thác tiền mã hóa  sẽ tăng gấp đôi năm ngoái. Đến cuối năm 2019, Bitcoin có thể tiêu thụ nhiều điện hơn tất cả các tấm pin mặt trời được sản xuất ra. Với chi phí đắt đỏ như vậy, rất nhiều người không cưỡng lại việc khai thác tiền mã hóa dựa trên nguồn tài nguyên của người khác, đặc biệt là của tổ chức hoặc công ty.

Có rất nhiều ví dụ về Cryptojacking - phương thức mà tin tặc tấn công vào các máy tính và bí mật sử dụng chúng để khai thác tiền điện tử. Khi bạn tải xuống một phần mềm nào đó hoặc truy cập các trang web có mã độc, hacker sẽ lạm dụng khai thác sử dụng ngay tài nguyên máy tính của người dùng. Dưới đây là những trường hợp điển hình cá nhân lợi dụng tài nguyên công để khai thác tiền ảo. 

1.  Các nhà khoa học hạt nhân Nga bị bắt vì cố gắng khai thác tiền điện tử trên máy tính của chính phủ

Nhà chức trách Nga đã bắt giữ một số nhà khoa học làm việc tại một cơ sở nghiên cứu hạt nhân bí mật vì họ dùng siêu máy tính tại đây để khai thác tiền kỹ thuật số. Siêu máy tính bị "tận dụng" đào tiền ảo nói trên được đặt tại Trung tâm Hạt nhân Liên bang ở Sarov - một cơ sở đặc biệt được chỉ định cho nghiên cứu hạt nhân có tính bí mật và an ninh cao tại Nga. Nó thậm chí không được đánh dấu trên bản đồ.

Thông thường, những chiếc siêu máy tính này không được nối mạng vì lý do an ninh. Một trong các nhà khoa học cố gắng kết nối máy tính chuyên dùng để tính toán các thí nghiệm hạt nhân vào mạng internet, lực lượng an ninh của trung tâm đã kịp thời phát hiện vụ việc. Nhóm các nhà khoa học đã bị chuyển sang Tổng cục An ninh Liên bang Nga để điều tra về vụ việc.

2.  Viên chức tại Florida bị bắt vì cáo buộc sử dụng máy tính trong sở để đào tiền điện tử

Theo tờ Tampa Bay Times, Matthew McDermott, quản lý công nghệ thông tin thuộc Sở Citrus – Florida’s Department of Citrus (FDoC) đã bị bắt vì khai thác Bitcoin và litecoin.

Không “tinh vi” như nhóm các nhà khoa học Nga ở trên, cách thức của Matthew khá đơn giản: Matthew đã mua 24 bộ xử lý đồ họa trên tài khoản của văn phòng với chi phí khoảng 22.000 USD (thường được sử dụng cho khai thác tiền điện tử vì khả năng xử lý vượt trội hơn là các chip thông thường trên bo mạch chủ). Dĩ nhiên, hành vi này sớm bị mọi người nghi ngờ và phát hiện khi hóa đơn điện của bộ đã tăng 825 USD trong một khoảng thời gian tháng.

3.  Một nhà nghiên cứu lạm dụng 150.000 USD của Chính phủ để khai thác tiền điện tử

Nếu bạn nghĩ rằng  các nhà khoa học - và đặc biệt là những người làm việc của các cơ quan chính phủ sẽ có đạo đức nghề nghiệp cao hơn thì bạn đã nhầm. Vào tháng 3/2014, một nhà nghiên cứu đã bị bắt vì sử dụng siêu máy tính của Quỹ Khoa học Quốc gia – thiết bị được sử dụng để chữa bệnh ung thư vào mục đích cá nhân.

Theo báo cáo đến Quốc hội Mỹ, nhà nghiên cứu đã lạm dụng hơn 150.000 USD trong việc sử dụng máy tính được Quỹ Khoa học Quốc gia hỗ trợ tại hai trường đại học để  khai thác bitcoin có giá trị từ 8.000 đến 10.000 USD. Nhà nghiên cứu khẳng định rằng ông đang tiến hành các thử nghiệm trên máy tính, nhưng cả hai trường đại học đều không cho phép ông tiến hành các cuộc kiểm tra như vậy. Theo điều tra từ hai trường đại học, nhà nghiên cứu đã truy cập hệ thống máy tính từ xa và có thể thực hiện các bước để che giấu hoạt động của mình,bao gồm truy cập một siêu máy tính thông qua Site nhân bản (Mirror Site) ở châu Âu.

4. Sinh viên Harvard sử dụng siêu máy tính để đào Dogecoin

Việc sinh viên sử dụng điện miễn phí trong khuôn viên trường để khai thác tiền điện tử là khá phổ biến. Đầu năm 2015, một sinh viên Harvard sử dụng siêu máy tính 14.000 nhân Odyssey để đào Dogecoin (một đồng tiền điện tử được ứng dụng và phát hành trên nền tảng của đồng tiền LiteCoin, sử dụng phổ biến và rộng rãi trên cộng đồng những yêu chó hoặc những thú cưng).

Không rõ chuyện gì đã xảy ra với học sinh, nhưng có lẽ họ không sao. Sự cố này đã khiến James Cuff, trưởng khoa nghiên cứu điện toán của Harvard gửi một email tới các sinh viên và kết thúc bằng “đừng để điều này xảy ra với bạn”. Nhưng thực tế thì chuyện này đã diễn ra và chắc chắn chưa thể dừng lại.

5. Nhân viên Dự trữ Liên bang đào tiền điện tử

Trường hợp này quả là “tuyệt vời” bởi vì, như nhiều người nhận thức, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phụ trách việc kiểm soát tiền tệ thực tế. Nhưng nhà phân tích truyền thông Nicholas đã khai thác tiền ảo được hai năm trước khi bị bắt. Sau đó, anh này bị kết án quản chế và phải trả 5.000 USD.

Có thể nói tham muốn tiền ảo là khá công bằng. Cho dù bạn là một thành viên trong cơ quan chính phủ, ngân hàng, nhà khoa học hay một sinh viên, nếu muốn khai thác tiền ảo dựa trên máy tính, bạn phải chấp nhận chi trả hóa đơn tiền điện khổng lồ, chẳng ai có thể dùng 'chùa” mãi tài nguyên của người khác được, nếu không, bạn sẽ phải trả giá cho lòng tham không đáy đó.

Theo The Verge