Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đang cạn kiệt nhanh chóng

4.000 tỷ USD trong dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc thu hẹp 1/5 kể từ mùa hè năm 2014 và hơn 1/3 trong số đó được sử dụng trong vòng 3 tháng qua.
Tình trạng sụt giảm trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc làm giảm khả năng kiểm soát giá đồng nhân dân tệ của quốc gia này. Ảnh: Reuters
Tình trạng sụt giảm trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc làm giảm khả năng kiểm soát giá đồng nhân dân tệ của quốc gia này. Ảnh: Reuters

Từ lâu, Trung Quốc đã là một trong những cứu tinh của giới tài chính khi các thị trường trên thế giới bất ổn. Cách đây hơn một năm, số tiền dự trữ ngoại hối của quốc gia này là 4.000 USD. Tuy nhiên, hiện tại, tăng trưởng của Trung Quốc chững bước và các dấu hiệu của suy giảm sức mạnh quốc gia đã xuất hiện.

Khi tình trạng di cư vốn ngày càng gia tăng, Bắc Kinh dùng ngoại tệ để chống đỡ cho nội tệ. Dự trữ ngoại tệ của đất nước thu hẹp 1/5 kể từ mùa hè năm 2014. Theo The New York Times, hơn 1/3 trong số đó được sử dụng trong vòng 3 tháng qua. Cuối tháng 1, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc là 3.230 tỷ USD.

Với nguồn dự trữ ngoại tệ ít hơn, Bắc Kinh sẽ bị hạn chế về khả năng điều động, tạo ra cú sốc đối với nền kinh tế. Tình hình này làm suy yếu sự kiểm soát về giá nội tệ.

Tình trạng sụt giảm trong dự trữ ngoại tệ cũng có thể ảnh hưởng tới nỗ lực trong việc nâng cao hình ảnh quốc tế của Trung Quốc bởi họ không đủ tiền để đầu tư vào những dự án cao cấp ở các nước đang phát triển.

"Sau 700 tỷ USD sẽ là bao nhiêu? Đó là vấn đề", Guntram Wolf, Giám đốc của Bruegel – một viện nghiên cứu kinh tế phi lợi nhuận tại Brussels (Bỉ), nói.

Dự trữ ngoại tệ cạn kiệt là một trong những yếu tố làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu, do tác độc trượt dốc có thể xảy ra trên hệ thống tài chính của Trung Quốc. Một số người đang đánh cược rằng Bắc Kinh có thể phải để cho đồng nhân dân tệ mất giá còn hơn tiếp tục rút nguồn dự trữ. 

Giới chức nước này đang cố gắng điều khiển tình hình. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được công bố bởi Cai Xin, một tạp chí Trung Quốc, Zhou Xiao Chuan, Thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho hay: "Chúng tôi sở hữu nguồn dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Và chúng tôi không cho phép các lực lượng đầu cơ chiếm ưu thế tâm lý thị trường".

Dự trữ ngoại tệ là một phần của con đường quản lý tiền tệ.

Nỗ lực kiểm soát

Suốt những năm Trung Quốc phát triển phi mã, đồng nhân dân tệ đáng nhẽ có thể tăng giá trị so với đồng đô la, euro và yen. Tuy nhiên, Bắc Kinh kiểm soát chặt giá nội tệ, mua lại phần lớn ngoại tệ chảy vào nước này và đưa chúng vào quỹ dự trữ. Động thái này khiến Mỹ và EU giận dữ. Họ cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng tiền để tạo lợi thế cho xuất khẩu của nước này và tăng sức cạnh tranh ở nước ngoài.

Hiện tại, đồng nhân dân tệ phải đối mặt với vấn đề mất giá. Bắc Kinh đang rút nguồn dự trữ ngoại tệ nhằm chống giá cho đồng tiền này. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp và các ứng viên tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc đang tiếp tục khiến đồng tiền của họ suy yếu. Dự trữ của quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn còn khá lớn, gấp đôi của Nhật Bản - đất nước có nguồn dự trữ ngoại tệ lớn thứ 2 thế giới.

Theo người đứng đầu ngân hàng trung ương Trung Quốc, các công ty và gia đình người Trung Quốc đầu tư tiền của họ ra nước ngoài ngày càng nhiều. Chỉ tính trong những tháng gần đây, luồng di cư vốn lớn khiến chính quyền lúng túng.

Bắc Kinh áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này. Mùa đông vừa qua, giới chức nước này yêu cầu sự hợp tác từ phía lãnh đạo các ngân hàng ngầm - nơi đang đổi hàng tỷ nhân dân tệ sang USD và euro. Họ khiến các công dân gặp nhiều khó khăn hơn khi sử dụng nội tệ để mua bảo hiểm trả bằng USD.

Bên cạnh đó, những nhà điều tiết ở Bắc Kinh tạm dừng các hoạt động trong phạm vi quỹ đầu tư được tính bằng USD.

Tình trạng xói mòn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể dẫn đến việc nước này đầu tư ít hơn vào các dự án ở các nước đang phát triển. Ảnh:Reuters.

Tình trạng xói mòn dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thể dẫn đến việc nước này đầu tư ít hơn vào các dự án ở các nước đang phát triển. Ảnh:Reuters.

Ngoài ra, chính phủ cũng chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng ở Hong Kong hạn chế cho vay nhân dân tệ, khiến quá trình này trở nên khó khăn hơn đối với các nhà đầu tư và thương nhân.

"Chúng tôi đã nhận được thông báo từ Bắc Kinh trong những ngày đầu tháng 1, yêu cầu thắt chặt việc phê duyệt các khoản vay bằng đồng nhân dân tệ", một giám đốc ngân hàng Trung Quốc tại Hong Kong giấu tên nói.

Thâm hụt dự trữ cũng gây ra nhiều rắc rối khác và chính phủ đã tiến hành các biện pháp giải quyết.

Một động thái có thể giữ lại dự trữ ngoại tệ là dựa vào những cam kết dài hạn. Hiện tại, ngân hàng trung ương Trung Quốc đòi hỏi một số nhà quản lý ngoại tệ phải cam kết đạt lợi tức hàng năm là 26% hoặc mức phản lý của họ sẽ bị giảm, một chuyên gia về dự trữ ngoại hối của Trung Quốc nói.

Tương lai bấp bênh

Sàn Trung Quốc khởi sắc trong tuần này, khi một số nhà đầu tư đánh cược rằng quốc gia này có thể làm chậm quá trình xói mòn và trở nên hấp dẫn hơn. Trung Quốc đang ở trong tình trạng thặng dư thương mại khổng lồ, mang về dòng ngoại tệ ổn định.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế trong và ngoài nước lại dự đoán mức dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc sẽ xuống thấp đến mức quốc gia này có thể sẽ cân nhắc việc để cho đồng nhân dân tệ mất giá mạnh. Mô hình của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, một nền kinh tế với quy mô như của Trung Quốc cần 1.500 tỷ USD trong vòng kiểm soát chặt và 2.700 USD có thể lưu động.

Brad Setser, một cựu quan chức Kho bạc Mỹ và hiện đang công tác tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định, Bắc Kinh có thể vẫn ổn với lượng dự trữ ngoại hối ít hơn vì mô hình này không được thiết kế cho một quốc gia với số tiền gửi tại ngân hàng trong nước lớn như ở Trung Quốc.

J. Kyle Bass, người quản lý quỹ đầu tư ở Texas, nói với các khách hàng rằng công ty của ông tin Trung Quốc thậm chí không có khả năng để khai thác toàn bộ số tiền dự trữ ngoại tệ bởi họ đã cam kết sử dụng 1.000 tỷ USD vào đầu tư lâu dài. Tuy nhiên, các nhà kinh kế không đồng ý và nói rằng, Bắc Kinh không dành nhiều hơn 300 tỷ USD để cam kết các dự án khác nhau và chưa giải ngân, trong khi phần còn lại của 3.230 tỷ USD trong dự trữ ngoại tệ dễ dàng sử dụng.

Về dài hạn, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ít khả năng sẽ cam kết dùng dự trữ ngoại tệ để đầu tư vào các dự án lớn - thứ xây dựng hình ảnh của quốc gia này ở nước ngoài, Victor Shih, một chuyên gia về tài chính Trung Quốc tại Đại học California ở thành phố San Diego, nói.

“Khi đang mất 100 tỷ USD trong một tháng, bạn sẽ không đủ khả năng đầu tư vào một đường cao tốc tại một nơi nào đó hẻo lánh hay đường sắt ở Pakistan", ông nhận định.

Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Trung Quốc có thể cung cấp 50 tỷ USD để thành lập một Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á và sau đó nói rằng một tháng sau đó, Bắc Kinh cũng có thể thiết lập một khoản 40 tỷ USD để đầu tư vào các nước khác.

Tháng trước, ông Tập tuyên bố thành lập một quỹ khác dành cho những dự án cơ sở hạ tầng tại các nước nghèo nhất thế giới. Tổng số tiền là 50 triệu USD, chỉ đủ để xây vài con đường ở một quốc gia nghèo khó.

Theo Zing