Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng: Bắt nhầm hơn bỏ sót!?

VietTimes -- Đó là ý kiến của LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, Trưởng Ban Tư vấn & Phản biện Chính sách, Hội Các nhà quản trị Doanh nghiệp VN (VACD,) khi phân tích về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi mà Thanh tra Chính phủ đang lấy ý kiến nhân dân.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khác cơ bản với trước đây là không chỉ xử phạt hình sự về các tội tham nhũng đối với khu vực nhà nước, mà mở rộng sang cả khu vực ngoài nhà nước.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khác cơ bản với trước đây là không chỉ xử phạt hình sự về các tội tham nhũng đối với khu vực nhà nước, mà mở rộng sang cả khu vực ngoài nhà nước.

Thiếu thực tế, vừa bất khả thi

Một trong những vấn đề đang được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm là việc Thanh tra Chính phủ công bố lấy ý kiến về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã bổ sung Điều 112 “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp”, trong đó quy định: “Người giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Trưởng Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng của Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập”. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Quy định như thế là không hợp lý, vì chỉ có người liên quan đến việc sử dụng vốn, tài sản của nhà nước mới phải kê khai tài sản, thu nhập, chứ không thể mở rộng hơn. Điều luật trên của Dự thảo Luật đã mắc phải nhiều lỗi về nội dung và kỹ thuật soạn thảo như sau:

Thứ nhất, nếu doanh nghiệp dân doanh phải kê khai tài sản, thu nhập, thì phải là tất cả, chứ không chỉ dừng lại ở 3 loại là công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư. Nhất là 3 loại này đã phải thực hiện theo nhiều quy định riêng về công khai, chặt chẽ đối với quản trị, điều hành và chế độ thông tin, báo cáo,…

Thứ hai, tên gọi Điều 112 là “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp”, nhưng lại không bao gồm doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là, việc kê khai tài sản, thu nhập của người quản lý doanh nghiệp nhà nước lại được quy định tại Điều 43 về “Đối tượng kê khai tài sản, thu nhập” (lại không có 3 loại trên).

Thứ ba, cũng tên gọi Điều 112 là “Kiểm soát tài sản, thu nhập của người lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp”, nhưng trong đó lại quy định đối với cả Trưởng ban kiểm soát. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2015, thì Trưởng ban kiểm soát là người kiểm soát, chứ không phải là người lãnh đạo hay người quản lý doanh nghiệp. Và khoản 5 của điều luật này lại quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm ban hành quy định về việc kiểm soát tài sản, thu nhập “của người giữ chức vụ quản lý trong doanh nghiệp của mình.” Như vậy, thì lại loại bỏ việc kiểm soát tài sản, thu nhập đối với Trưởng ban kiểm soát.

Thứ tư, Dự thảo quy định “Ban kiểm soát trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập”. Như vậy, Trưởng ban kiểm soát trờ thành vừa đá bóng, vừa thổi cỏi, vì vừa là người phải kê khai, đồng thời lại vừa là người chịu trách nhiệm kiếm soát chính việc kê khai.

Thứ năm, Dự thảo chỉ quy định “Chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị” phải kê khai tài sản, thu nhập. Vậy những người quản lý tương tự khác như Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên hay Chủ tịch công ty trách nhiệm hữu hạn (theo Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng) hay Chủ tịch và thành viên Ban đại diện quỹ đầu tư chứng khoán (theo Luật Chứng khoán), lại không phải kê khai? 

Thứ sáu, Dự thảo quy định “Tổng giám đốc, Giám đốc”, thì sẽ bị hiểu là yêu cầu đồng thời đối với cả Tổng giám đốc và một hoặc nhiều Giám đốc trong mỗi doanh nghiệp. Viết đúng phải là Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc. Ngoài ra, nếu đã quy định thành viên Hội đồng quản trị của doanh nghiệp dân doanh phải kê khai, thì còn phải yêu cầu đối với cả Phó giám đốc hoặc Phó tổng giám đốc, vì còn dễ liên quan đến tham nhũng hơn.

Thanh tra mà không giải quyết tận gốc vấn đề thì chỉ như
Thanh tra mà không giải quyết tận gốc vấn đề thì chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa" (tranh minh họa).

Không nên có tư tưởng “bắt nhầm”còn hơn “bỏ sót”

Theo Ban soạn thảo dự luật, mục đích của việc này là để ngăn ngừa hành vi tham nhũng đối với các tổ chức ngoài khu vực nhà nước đã được thể hiện trong Bộ luật Hình sự 2015 (tội tham ô tài sản, hối lộ) và các hành vi khác như đưa hối lộ, môi giới hối lộ... Đồng thời Ban soạn thảo cũng cho rằng, cơ chế quản trị và điều hành của nhóm ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư, công ty đại chúng có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích và đây chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý. Thưa ông, lập luận như vậy đã đủ sức thuyết phục chưa?

- Đúng là Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khác cơ bản với trước đây là không chỉ xử phạt hình sự về các tội tham nhũng đối với khu vực nhà nước, mà mở rộng sang cả khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, lập luận như trên đã sai lầm ở ít nhất 4 điểm như sau:

Thứ nhất, đã có sự nhầm lẫn khi đánh đồng giữa pháp luật hình sự và pháp luật PCTN. Mở rộng khu vực PCTN và các đối tượng có thể bị xử phạt hình sự về tội tham nhũng, không đồng nghĩa với việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Nếu thế thì giải thích làm sao trước việc xử phạt tội tham nhũng được áp dụng đối với toàn bộ nửa triệu doanh nghiệp, nhưng lại chỉ bắt buộc phải kê khai đối với khoảng 3 ngàn trong số đó?

Thứ hai, công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư là những tổ chức kinh tế đã được quản lý chặt chẽ và minh bạch hơn hẳn các doanh nghiệp khác theo quy định của Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, nếu 3 nhóm tổ chức kinh tế nói trên phải kê khai, thì tại sao công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và một số định chế tài chính khác (chưa phải là công ty đại chúng) lại không phải kê khai?

Thứ tư, nếu đã có “sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích”, thì điều đó càng khách quan, khoa học, công khai và minh bạch, chứ không phải “chính là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý” như lý giải của Ban soạn thảo.

Cứ cho là việc thực thi Khoản 3, Điều 112 của Dự thảo luật sẽ được áp dụng thì việc kê khai tài sản của một Chủ tịch, Giám đốc là người nước ngoài của các Công ty liên doanh, 100% vốn nước ngoài có khả thi không? Chẳng nhẽ bắt họ khai ở quê nhà họ có những tài sản riêng gì, có bao nhiêu xe, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu đất… ?

- Đúng là việc quy định như vậy là bất hợp lý, không cần thiết và bất khả thi. Nếu vậy, thì nhiều nhà quản lý và nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất e ngại và thậm chí sẽ rút khỏi Việt Nam. Không thể bắt người nước ngoài phải kê khai tài sản của họ ở nước ngoài. Như vậy, hoặc là không phải kê khai hoặc chỉ kê khai được một phần nhỏ tài sản, thì lại tạo ra sự không công bằng giữa những người quản lý là người nước ngoài và người ở trong nước (trong khi người Việt Nam phải kê khai cả tài sản, tài khoản ở nước ngoài). Nhất là người nước ngoài không chỉ là người quản lý của công ty 100% vốn nước ngoài và công ty liên doanh với nước ngoài, mà còn có thể là người quản lý tại bất kỳ công ty nào khác, không có yếu tố nước ngoài.

Ngoài ra, khoản 2 của Điều luật thì không quy định những người quản lý khác của doanh nghiệp phải kê khai, nhưng ngay tại khoản 3 dưới đó thì lại quy định, doanh nghiệp phải ban hành quy định việc kê khai tài sản, thu nhập và kiểm soát tài sản, thu nhập của những người giữ chức vụ quản lý khác của doanh nghiệp ngoài các đối tượng được quy định tại khoản 2.

“Vòng kim cô” siết cổ doanh nghiệp

Nhiều doanh nhân cho rằng, nếu quy định này được luật hóa trong Luật PCTN thì, rất có thể, sẽ quàng thêm một cái “vòng kim cô” nữa vào cổ doanh nghiệp và có thể sẽ được sử dụng như “đèn xanh” để cơ quan thanh tra, công an nhũng nhiễu doanh nghiệp. Theo ông nỗi lo này là có cơ sở không?

- Đương nhiên việc kê khai sẽ đi đôi với việc phải công khai và nhiều yêu cầu khác về việc kiểm soát, theo dõi, xác minh giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra về tài sản và thu nhập. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc nhiều cơ quan, kể cả có hay không có trách nhiệm trực tiếp, có thể có thêm cơ sở hay tạo cớ soi lỗi, bắt bẻ, đe doạ, gây khó dễ cho người kê khai.

Khoản 1, Điều 72 của Dự thảo về “Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực” quy định, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có một trong các trách nhiệm là “Khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án cấp có thẩm quyền để phán quyết về quyền sở hữu đối với phần tài sản, thu nhập chênh lệch nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý.” Đây là một quy định vô lý, vì không phài là quan hệ hay tranh chấp dân sự, thì không thể áp dụng cơ chế khởi kiện vụ án dân sự.

Những cái đó thực sự là điều đáng ngại, khi yêu cầu đối với doanh nghiệp, với công dân phải thực hiện nghĩa vụ công khai, minh bạch như đối với lãnh đạo và người quản lý là cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Những quy định đó giống với một thời Nhà nước đã ra quyết định hành chính tịch thu tài sản vì cho rằng đó là tài sản bất chính.

Dự thảo cũng quy định, khi có biến động về tài sản, thu nhập (tăng thêm) có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì phải kê khai bổ sung. Trên thực tế, có khá nhiều người quản lý doanh nghiệp có thu nhập tiền lương, cổ tức, cho thuê tài sản và các khoản hợp pháp khác trên 200 triệu đồng/tháng. Như vậy, thì không lẽ tháng nào họ cũng phải kê khai bổ sung một lần? Chưa kể số chứng khoán niêm yết mà họ sở hữu có thể tăng giá trên 200 triệu đồng/ngày, thì cũng phải kê khai bổ sung? Trong khi, theo quy định của pháp luật, thì những thông tin này đã được kê khai nộp thuế hay công khai trên sàn giao dịch.

Cần phải quan tâm đến sự khác nhau giữa những người quản lý, chi tiêu tài sản của nhà nước với người quản lý doanh nghiệp dân doanh. Đa số người của Nhà nước phải kê khai tài sản, thu nhập đều không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (vì thu nhập tiền lương và phụ cấp dưới mức khởi điểm phải nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, chưa kể còn ít hơn nếu khấu trừ gia cảnh). Ngược lại, người phải kê khai của doanh nghiệp thì đa số là phải nộp thuế thu nhập cá nhân. 

Thưa ông, cũng có một thực tế là đa phần các doanh nhiệp (Tổng công ty, tập đoàn) tư nhân hiện nay đều phát triển và đi lên từ việc “kinh doanh” đất đai để xây dựng hạ tầng, chứ chưa thấy một tập đoàn lớn nào phát triển lấy nền tảng là CNTT. Trong số đó có không ít doanh nghiệp “cấu kết” với một bộ phận cán bộ trong bộ máy công quyền để cùng nhau trục lợi, hình thành “lợi ích nhóm” (như TBT Nguyễn Phú Trọng từng nói). Phải chăng dự thảo luật PCTN muốn “đánh” vào “nhóm lợi ích” này?

- Luật PCTN đương nhiên cần “đánh” và phải “đánh” vào những hành vi tham nhũng, trong đó có các nhóm lợi ích trục lợi, phạm pháp. Tuy nhiên, không thể quy định theo kiểu “đánh” nhầm hơn bỏ sót.

Đừng vì chuyện không kiểm soát được gần 1 triệu đối tượng thuộc khu vực Nhà nước phải kê khai tài sản, mà phải mở rộng việc kiểm soát đối với các đối tượng thuộc khu vực phi nhà nước bằng quy định bắt buộc phải kê khai tài sản và thu nhập.

Xin cám ơn ông!