Dự án sân bay Long Thành và “hội chứng mất lòng tin”

“Tại sao chúng ta không có những cơ quan tư vấn độc lập, có đủ sức thuyết phục cho người dân yên lòng. Các nhà khoa học có ý kiến khác nhau mới tâm phục, khẩu phục để chúng ta có sự đồng thuận cao.
Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai
Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai

Cứ kéo dài tình trạng này thì không phải dự án Long Thành mà rất nhiều dự án khác cũng rơi vào tình trạng mà không ai biết câu trả lời cuối cùng như thế nào?”, đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai nêu quan điểm.

Tại phiên thảo luận về chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành sáng nay ngày 4/6, đại biểu Dương Trung Quốc đã nêu lên một thực trạng xã hội, mà theo cách gọi của ông là "hội chứng mất lòng tin".

“Rõ ràng, với những gì đã trải qua từ Vinashin, Vinalines, những dự án rất lớn mà đắp chiếu, những lãng phí không nhỏ... Nên bất kỳ một dự án nào đưa ra thì câu hỏi đầu tiên của người dân là có thất thoát không? Có lãng phí không? Có lợi ích nhóm không? Cách nhìn ấy có yếu tố thực tế, có thể giúp cho chúng ta cảnh giác, chúng ta nghiêm túc, nghiêm khắc hơn để điều chỉnh lại. Nhưng đồng thời nó có thể tạo ra một lực cản để phát triển một cách bền vững”, đại biểu Quốc bình luận.

Điều khiến đại biểu Quốc băn khoăn đó là  sân bay Long Thành chỉ là một dự án thành phần của tổng thể quy hoạch ít nhất là miền Đông Nam Bộ hoặc toàn bộ Nam Bộ. Nó đã được triển khai 10 năm nay, qua 2 đời Thủ tướng.

“Trên thực tế, những dự án thành phần khác đã thực hiện, chỉ vì Nghị quyết 49 của Quốc hội do mức đầu tư chúng ta phải đưa ra Quốc hội để bàn, lẽ ra việc này phải bàn từ lâu, không phải đến bây giờ khi tất cả những dự án thành phần khác đã triển khai. Khi người dân đã gần 10 năm nay ở trong tình trạng bị treo. Chúng ta mới bàn gần như từ đầu là có làm hay không làm”, đại biểu Quốc bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Quốc đặt tình huống: “Tôi lấy giả dụ rằng chúng ta có đủ quyền năng nói rằng không làm sân bay Long Thành nữa, thì chúng ta có nghĩ đến cả một khối lượng rất lớn của cả quy hoạch bị vỡ không? Nó sẽ là một sự lãng phí như thế nào”.

Theo ông Quốc, đây là một vấn đề chúng ta cần nhìn nhận ở tầm nhìn quy hoạch. Lẽ ra việc làm này chúng ta phải triển khai từ lâu rồi chứ không phải đến thời điểm này mới triển khai để rồi chúng ta lại tiếp tục ngồi bàn.

Đại biểu Quốc cũng nói về một bài học lịch sử là bản thân sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là sân bay được người Pháp xây dựng và được người Mỹ phát triển trong thời kỳ chiến tranh, đã từng là một trong những sân bay lớn nhất ở khu vực, có năng lực sử dụng rất cao.

“Nhưng chỉ trong mấy chục năm qua chúng ta đã thu hẹp nó như thế nào? Chúng ta đã lấn đất của nó như thế nào? Chúng ta đã quy hoạch xây dựng một cách không phù hợp với không gian của hàng không như thế nào? Để ngày hôm nay chúng ta bị chật chội, chúng ta phải tìm những cách thức khác. Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng việc nhìn nhận dự án sân bay Long Thành phải được đặt trong tầm nhìn lâu dài, phải vượt qua được hiện thực trước mắt”, đại biểu Quốc bình luận.

Tại phiên thảo luận sáng nay, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều đồng ý thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhưng cần phải phân tích cho kỹ và tìm ra phương án tốt nhất để có thực hiện một cách có hiệu quả nhất, an dân nhất, làm người dân tin tưởng.

“Chúng ta sẽ phải trả giá theo cấp số nhân nếu chúng ta làm chậm. Những bước đi tiếp theo tôi mong Chính phủ, đặc biệt Bộ Giao thông, vận tải cố gắng đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch hóa, việc thu hút được ý kiến của người dân, đặc biệt chúng ta phải tìm được một tiếng nói về mặt chuyên môn xác đáng, đủ sức thuyết phục để mọi người yên lòng. Bởi vì những sai lầm, những thất bại đã từng trải nghiệm qua rất đau xót và người dân luôn luôn cảm thấy bất an”, đại biểu Quốc phân tích.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn TP Hải Phòng 

Cũng đồng ý thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, đoàn Quảng Bình, lưu ý cần phải tập trung quản lý chất lượng công trình, tiến độ thi công và không để thất thoát, lãng phí nguồn nhân sách.

“Liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, đây là một nội dung rất phức tạp và rất dễ thất thoát. Tránh hiện tượng trong dự kiến giải tỏa 5000 mà sẽ phát sinh ra nhiều do trục lợi và do luồn lách trong quá trình lợi ích của một số đối tượng”, đại biểu Phương nhắc nhở.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, đoàn TP Hải Phòng, cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu về mô hình đầu tư dự án theo hướng nên đưa ra một số phương án huy động vốn trên cơ sở phân tích sâu ưu, nhược điểm của từng phương án để các vị đại biểu cho ý kiến.

“Đồng thời, phải tính toán tới yếu tố trượt giá hàng năm cho từng phân kỳ đầu tư để đưa ra góc nhìn khái quát nhất về tổng mức vốn phải đầu tư”, đại biểu Phương lo ngại.

Theo đại biểu Phương, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình triển khai xây dựng dự án bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM 

“Nói như nhiều đại biểu, nếu như ta đầu tư mới sân bay Long Thành mà lãng phí là có tội với dân. Chúng ta phải làm sao để cử tri tin tưởng và thấy được chúng ta vay về để sử dụng đầu tư là có hiệu quả”, đại biểu Phương bình luận.

Cũng đồng ý thông qua đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn TP.HCM, nhấn mạnh chỉ đồng ý thông qua ở giai đoạn 1.

“Tôi nhắc lại tôi chỉ đồng ý ở giai đoạn 1, vì nếu chúng ta đồng ý cả giai đoạn, theo Điều 39 của Luật đầu tư công, sau này Quốc hội không biểu quyết mà chỉ có Thủ tướng quyết định. Cho nên đề nghị hãy để giai đoạn 2, giai đoạn 3 Quốc hội khóa XV, khóa XVI biểu quyết phù hợp hơn”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.

Theo: BizLive