Dự án “băm nát” Sơn Trà: Chưa gửi báo cáo tác động môi trường đã thi công

VietTimes -- Đó là khẳng định của ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng liên quan đến Hồ sơ Báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Công ty CP Biển Tiên Sa đặt vấn đề trong văn bản "phản pháo" lại chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng.
Dù chưa gửi báo cáo tác động môi trường đến cơ quan chức năng, phía chủ đầu tư Dự án đã "băm nát" rừng Sơn Trà để xây biệt thự nghỉ dưỡng
Dù chưa gửi báo cáo tác động môi trường đến cơ quan chức năng, phía chủ đầu tư Dự án đã "băm nát" rừng Sơn Trà để xây biệt thự nghỉ dưỡng

Chưa đệ trình báo cáo tác động môi trường!

Chiều 3/4, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng cho biết, Chi Cục liên tục có văn bản đôn đốc, yêu cầu Công ty CP Biển Tiên Sa hoàn tất báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường đối với Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, nhưng đến nay Chi cục vẫn chưa nhận được báo cáo.

Cụ thể là sau khi có Thông báo đôn đốc số 21/TB-STNMT ngày 17/2 thì Chi cục Bảo vệ môi trường Đà Nẵng còn có thêm một lần nữa yêu cầu Công ty CP Biển Tiên Sa khẩn trương hoàn tất báo cáo điều chỉnh đánh giá tác động môi trường để Chi cục xem xét. Tuy nhiên, đến chiều ngày 3/4, Bộ phận văn thư của Tổ tiếp nhận một cửa vẫn chưa nhận được.

"Việc Công ty CP Biển Tiên Sa tự ý đi xin ý kiến các thành viên Hội đồng thẩm định là việc của họ, nhưng đến nay họ vẫn chưa nộp hồ sơ đầy đủ đến Chi cục thì họ vẫn chưa hoàn thành báo cáo tác động môi trường. Khi nào hồ sơ của họ được bổ sung đầy đủ, đạt yêu cầu và nộp lại tại Tổ một cửa thì khi đó Chi cục mới thụ lý”, ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Đà Nẵng nhấn mạnh.

Dự án, băm nát, Sơn Trà, chưa có báo cáo tác động môi trường, tháo đỡ, phản pháo, khu nghỉ dưỡng, Biển Tiên Sa
Mặc dù chưa có giấy phép đầy đủ, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng chủ đầu tư vẫn triển khai xây dựng các khu biệt thự tại Dự án Khu nghỉ dưỡng Biển Tiên Sa trên núi Sơn Trà

Trước đó, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng đã có văn bản 190-TB-TU thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 23/3 về công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng, thi công công trình trên địa bàn TP vào ngày 28/3. Trong đó, đề nghị Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty CP Biển Tiên Sa dừng ngay việc thi công đối với Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa. Đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng  tháo dỡ các hạng mục công trình chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng đã được thi công.

Ngay sau đó, cùng ngày 28/3, Công ty CP Biển Tiên Sa đã có văn bản số 17/CVGT-BTS gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Thành ủy Đà Nẵng và UBND TP Đà Nẵng với nội dung "phản bác" ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Nội dung phản bác dựa trên văn bản trả lời của Bộ Xây dựng có trích dẫn quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của UBND TP Đà Nẵng đối với dự án, tại điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 là được miễn giấy phép xây dựng phần công trình.  

Trích dẫn Luật cần chính xác!

Theo các chuyên gia ngành xây dựng, tại Điều 47; Mục 8 Quản Lý Xây dựng theo quy hoạch quy định rất rõ về thẩm quyền của UBND cấp tỉnh trong cấp phép cũng như các nội dung căn cứ cấp phép đối với các dự án xây dựng như: phạm vi, quy mô khu vực lập quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch xây dựng cho phép, các yêu cầu về khai thác sử dụng đất, tổ chức không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên mặt đất, dưới mặt đất, bảo vệ cảnh quan, môi trường đối với khu vực dự án, thời hạn của giấy phép quy hoạch xây dựng.

Không chỉ vậy, theo các kỹ sư dự án, việc Công ty CP Biển Tiên Sa trích dẫn điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 với nội dung công văn "phản pháo" cho rằng: "Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt các hạng mục nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500m2, nên theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, các công trình nhà ở, nhà biệt thự có quy mô 2 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng dưới 500m2 thuộc đối tượng được miễn giấy phép xây dựng phần công trình", để miễn giấy phép là chưa chính xác, vì Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa của Công ty CP Biển Tiên Sa không nằm trong danh mục được miễn giấy phép.

Dự án, băm nát, Sơn Trà, chưa có báo cáo tác động môi trường, tháo đỡ, phản pháo, khu nghỉ dưỡng, Biển Tiên Sa
Theo các chuyên gia dự án xây dựng, việc Công ty CP Biển Tiên Sa trích dẫn điểm e, khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 là thiếu chính xác, vì đây không phải là "Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở..." để miễn trừ giấy phép theo Luật định.

Hơn nữa, Dự án không phải là "Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nội dung của điểm e, khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 nêu rõ).

"Riêng trích dẫn điểm e, khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 mà chủ đầu tư đưa ra cũng đã không chính xác. Cần phải xác định đúng bản chất của dự án này là biệt thự khách sạn nghỉ dưỡng, chứ không phải là "Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở..." như điểm e, khoản 2 Điều 89 đã nêu để miễn trừ giấy phép. Trích dẫn văn bản Luật cần đảm bảo đúng, đủ và chính xác chứ không thể lập lờ như vậy", một chuyên gia quản lý dự án xây dựng chia sẻ.

Và trên thực tế, quy định đối với các dự án trước khi thi công, chủ đầu tư phải hoàn thành hồ sơ báo cáo tác động môi trường và báo cáo này phải được cơ quan chức năng chấp thuận như điều kiện cần và đủ cho việc thi công các hạng mục công trình. Trong khi đó, dù chưa có hồ sơ báo cáo tác động môi trường được cơ quan chức năng phê duyệt, Công ty CP Biển Tiên Sa vẫn tiến hành thi công, san ủi và xây dựng móng của 40 biệt thự tại đây.

Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 nêu rõ: "Công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm:

a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

b) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;

c) Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;

d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;

đ) Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;

e) Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500 m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;

h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;

i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;

k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa;

l) Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.