Đột nhập “lò” sản xuất máy bay không người lái Viettel (video)

QĐND - Những năm gần đây, trong mỗi đợt tổ chức diễn tập bắn đạn thật cho các loại pháo cao xạ và tên lửa của Quân chủng Phòng không-Không quân tại Trường Bắn Quốc gia TB1, những chiếc máy bay không người lái màu cam đã trở nên quen thuộc với các xạ thủ. 
Đại tá Đoàn Hồng Việt (bên phải), Trưởng phòng và Đại úy Phạm Đình Hưng, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu phương tiện bay không người lái, kiểm tra một chiếc máy bay không người lái.
Đại tá Đoàn Hồng Việt (bên phải), Trưởng phòng và Đại úy Phạm Đình Hưng, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu phương tiện bay không người lái, kiểm tra một chiếc máy bay không người lái.

uất hiện bất ngờ, đột nhập trận địa với vai trò là “mục tiêu” - máy bay địch, theo nhiều tình huống, thoắt ẩn thoắt hiện sau những dãy núi mờ xa, những chiếc máy bay không người lái ấy gợi cho nhiều người không ít tò mò… Đến nay, đã có gần 40 mẫu phương tiện bay không người lái, trong đó phần lớn là máy bay không người lái đã “ra lò” và được đưa vào ứng dụng hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng...

Những “bước đi” đầu tiên

Những ngày đầu năm 2017 ở Viện Kỹ thuật Phòng không-Không quân (PK-KQ), hoạt động nghiên cứu, sản xuất các mẫu máy bay không người lái vẫn đang được đội ngũ cán bộ, nghiên cứu viên, nhân viên kỹ thuật triển khai đúng tiến độ. Đại tá Bế Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Viện chia sẻ: Phát triển máy bay không người lái phục vụ nhiệm vụ huấn luyện của quân đội và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục được viện coi là một trong những sản phẩm mũi nhọn, được ưu tiên trong chiến lược phát triển.

Đến thăm nơi sản xuất, trò chuyện với các nghiên cứu viên, “phi công mặt đất”-những người điều khiển máy bay không người lái đã gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu, chế tạo sản phẩm này suốt 20 năm qua mới thấy nhiều điều thú vị, và những tò mò trong chúng tôi nảy sinh ở Trường Bắn Quốc gia TB1 ngày nào dần được “giải tỏa”.

Trước đây, khi phục vụ pháo phòng không bắn đạn thật, tên lửa M5 do Viện Kỹ thuật PK-KQ sản xuất được đưa vào làm mục tiêu. Tuy nhiên, đây là loại tên lửa có tốc độ lớn, thời gian hoạt động ngắn, nên gây ra nhiều khó khăn cho các xạ thủ ngắm bắn. Sau đó, một bộ máy bay không người lái nhập ngoại được đưa vào thay thế tên lửa M5. Vậy nhưng, vẫn còn những trở ngại phát sinh khi sử dụng chiếc máy bay này như: Kích thước lớn, trọng lượng lên tới 120kg. Quan trọng hơn là chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ máy bay không người lái của bạn.

Phải nghiên cứu, chế tạo sản phẩm máy bay không người lái! Quyết tâm ấy hình thành trong suy nghĩ của lãnh đạo, chỉ huy Viện Kỹ thuật PK-KQ ngày ấy. Lứa cán bộ nghiên cứu lúc bấy giờ như Đại tá Trịnh Xuân Đạt, Thượng tá Nguyễn Thanh Tịnh (nguyên cán bộ của Ban Nghiên cứu mục tiêu bay, tiền thân của Phòng Nghiên cứu phương tiện bay không người lái hiện nay) đã khẳng định rằng nhiệm vụ này tuy khó nhưng sẽ thành công. Dám khẳng định như vậy bởi các anh được đào tạo cơ bản về khí động lực học, tự động điều khiển, vô tuyến điện tử… là những lĩnh vực quan trọng cốt yếu trong ngành kỹ thuật hàng không. Thêm nữa, các anh đã có rất nhiều kinh nghiệm tích lũy qua thực tế.

Không internet, có rất ít thông tin tham khảo… là những khó khăn vô cùng lớn của các cán bộ nghiên cứu sản xuất máy bay không người lái trong những ngày đầu. Nguồn thông tin tham khảo chủ yếu khi ấy là tài liệu các chuyên ngành kỹ thuật hàng không dùng cho máy bay thật và qua một ít sách, báo, bài viết hiếm hoi… Trong những ngày ấy, để thử nghiệm thành công một bộ điều khiển mới, một buổi có tới hàng chục chiếc máy bay rơi do mất điều khiển. Có thể nói đó là những “gạch đầu dòng” chứa đựng nhiều kinh nghiệm vô cùng quý báu cho những lứa cán bộ tiếp sau.

Đại úy Phạm Đình Hưng, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu phương tiện bay không người lái (Viện Kỹ thuật PK-KQ) cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu tích cực, những chiếc máy bay không người lái đầu tiên đã “ra lò” năm 2004, mang tên M-96CT, M-100CT, M-400CT làm mục tiêu cho tên lửa Vonga, Petrora và pháo cao xạ. Những mẫu máy bay này được đánh giá vừa có tính cơ động, vừa có tính ổn định hơn chiếc máy bay không người lái nhập ngoại trước đó. Điều đáng nói nữa là mẫu M-400CT chỉ có trọng lượng khoảng 65-80kg (tùy thuộc vào tải trọng mang theo). Cùng được nghiên cứu, phát triển song song với M-400CT, mẫu máy bay không người lái M-400ST cũng được viện cho ra đời sau đó ít lâu, với trọng lượng nhỏ hơn M-400CT, làm mục tiêu cho bắn kiểm tra huấn luyện các lực lượng phòng không hàng năm.

Các mẫu máy bay không người lái đầu tiên ấy chính là “cú hích thần kỳ”, tạo nền tảng bước đầu hết sức quan trọng để các nhà khoa học Viện Kỹ thuật PK-KQ lần lượt cho ra đời gần 40 mẫu phương tiện bay không người lái ngày càng hiện đại hơn…

Phát triển công nghệ chuyên sâu

Hiện nay, trong đội hình máy bay không người lái của Viện Kỹ thuật PK-KQ có các loại như mục tiêu bay cho máy bay và pháo, tên lửa (kể cả mục tiêu cho tên lửa S-300); mục tiêu giả tên lửa hành trình; máy bay trinh sát không người lái… Nhiều mẫu máy bay không người lái đã thực hiện “đơn hàng” với các bộ, ngành như Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ… trong nhiệm vụ nghiên cứu, phục vụ phát triển kinh tế quốc dân.

Trước mỗi mẫu máy bay được “đặt hàng”, thành viên của các nhóm như khí động lực học, kết cấu, điều khiển, sản xuất… lại chụm đầu tính toán, xác định thông số cần thiết của từng nhóm; tiếp đó là “khớp nối” các thông số ấy để định hình lên một chiếc máy bay giả định; rồi lại tiếp tục cân chỉnh để có được mẫu máy bay đúng như “đơn hàng”. Cơ sở cho việc thi công sản xuất các mẫu máy bay không người lái bắt đầu từ những công việc cơ bản như vậy.

Từ năm 2013 đến 2016, Viện Kỹ thuật PK-KQ đã sản xuất thành công các mẫu máy bay làm mục tiêu cho máy bay tiêm kích đa năng SU-30MK2 huấn luyện chặn kích. Trong thời gian tới, viện sẽ tiếp tục cải tiến mẫu máy bay nói trên theo hướng nâng cao thời gian, trần bay và bán kính hoạt động, đồng thời tăng khả năng cơ động, giúp SU-30MK2 có mục tiêu sát hơn với thực tế huấn luyện và chiến đấu.

Không bằng lòng với những thành quả đã đạt được, hằng năm, quy trình, công nghệ sản xuất các mẫu phương tiện bay không người lái đều được Viện Kỹ thuật PK-KQ nâng cấp theo hướng chuyên sâu, bảo đảm thời gian chế tạo ngắn hơn, kết cấu khung thân vững chắc hơn, dễ thao tác sử dụng hơn, phần mềm điều khiển tối ưu hơn, đặc biệt là độ tin cậy cao hơn...

Chuyện của “phi công mặt đất”

Tuy không ngồi trên khoang lái điều khiển máy bay thực hiện các động tác ở trên không, song họ vẫn được gọi là phi công, bởi là những người trực tiếp điều khiển máy bay không người lái thực hiện hoàn hảo nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Những chiếc máy bay không người lái chính là “con đẻ” của các phi công đặc biệt này, bởi họ là những người trực tiếp nghiên cứu, sản xuất, chuẩn bị và kiểm tra máy bay trước mỗi chuyến bay. Tuy hiểu rõ về cấu tạo, tính năng, tác dụng của từng mẫu máy bay, song để điều khiển máy bay an toàn, hiệu quả lại là cả một quá trình khổ luyện của các phi công. Họ phải được “bay kèm”, tức là được giáo viên hướng dẫn cách điều khiển máy bay từ lúc cất cánh, thực hiện các nhiệm vụ, cho đến khi về hạ cánh an toàn. Chỉ khi nào thầy đánh giá đủ điều kiện độc lập điều khiển máy bay, họ mới được phê chuẩn “bay đơn”.

Theo Trung úy QNCN Nguyễn Xuân Quỳnh (Phòng Nghiên cứu phương tiện bay không người lái), một trong những “bí quyết” để có những chuyến bay an toàn, hiệu quả là phi công phải biết được trạng thái máy bay bằng chính cảm nhận của mình. Bởi, chỉ trong giai đoạn cất, hạ cánh, người điều khiển mới có thể nhìn rõ máy bay, còn khi máy bay đã bay theo hành trình, nó chỉ còn là một chấm nhỏ, nên không thể biết nó đang bay bằng hay bổ nhào… Và nhiều khi, máy bay hoàn toàn thoát khỏi tầm nhìn của mình, lúc đó phi công lại phải hiệp đồng chặt chẽ với nhân viên quan sát máy bay bằng kính ngắm TZK để điều khiển máy bay.

Từng lái chiếc máy bay không người lái nhập ngoại, rồi đến những chiếc đầu tiên do Viện Kỹ thuật PK-KQ nghiên cứu, chế tạo, đến nay, Nguyễn Xuân Quỳnh có thể điều khiển được toàn bộ số máy bay không người lái có trong biên chế của viện. Gần 20 năm gắn bó với hoạt động này, anh có khá nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tháng 7-2003, sau khi được thả đơn, Quỳnh trực tiếp điều khiển chiếc M-96D tại Miếu Môn. Mặc dù biết có bão, nhưng anh không nghĩ bão về nhanh và sức gió lớn như vậy. Khi điều khiển máy bay về hạ cánh, tốc độ máy bay có biểu hiện không thắng được gió ngược. Máy bay đang “khựng” dần và có thể rơi trước khi về đường băng. Như vậy máy bay sẽ bị hư hỏng nặng. Sau vài giây cân nhắc, Quỳnh quyết định cho máy bay hạ cánh xuống… ruộng sắn. Với động tác điều khiển tinh tế của anh, máy bay lướt trên ruộng và nằm trên ngọn sắn.

Cú hạ cánh hoàn hảo ấy đã bảo toàn được chiếc máy bay. Bài học trong lần xử lý bất trắc đầu tiên được Quỳnh rút ra đó là phải bình tĩnh trước mọi tình huống, tiếp đó là xử lý nhanh và quyết đoán. Theo các cán bộ, kỹ sư và “phi công mặt đất” ở Viện Kỹ thuật PK-KQ, thì chuẩn bị tốt từ mặt đất sẽ bảo đảm 70% thắng lợi cho mỗi chuyến bay máy bay không người lái. Tận dụng từng chuyến bay thử, bay huấn luyện, bay phục vụ diễn tập để nâng cao trình độ, đến nay, các phi công đặc biệt ở Viện Kỹ thuật PK-KQ thường xuyên bay đội hình 3 chiếc, và có thể bay đội hình 10 chiếc.

Đến xưởng sản xuất máy bay không người lái của Viện Kỹ thuật PK-KQ, chúng tôi lại nhớ đến một đoạn đường băng chuyên dụng tại Trường Bắn Quốc gia TB1. Dưới sự điều hành của chỉ huy bay, các thành phần như phi công, tổ điện, tổ cơ khí, tổ bảo hiểm đường băng hoạt động hết sức ăn ý và nhuần nhuyễn, để khi thì từng chiếc, lúc thì biên đội máy bay không người lái cất cánh, vận dụng kỹ thuật bay điêu luyện, chiến thuật xâm nhập trận địa linh hoạt theo ý định của Ban chỉ đạo diễn tập bắn đạn thật. Những chiếc máy bay không người lái ấy thực sự tạo ra thử thách cam go đối với các chiến sĩ pháo cao xạ và tên lửa, qua đó không ngừng nâng cao khả năng xử lý tình huống và chất lượng huấn luyện, SSCĐ của các chiến sĩ canh trời Tổ quốc.

Theo QĐND

http://ct.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/tham-lo-san-xuat-may-bay-khong-nguoi-lai-519875