Donald Trump chỉ gay gắt với Trung Quốc thời gian đầu như chính quyền Reagan, Bush?

VietTimes -- Chủ nghĩa cô lập cùng những lời nói và hành động không thể dự đoán của ông Donald Trump là nhân tố rủi ro lớn nhất trong năm 2017. Ông Donald Trump sẽ lấy đầu óc thương mại để "giao dịch" với Trung Quốc.
Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ảnh: Sputnik
Ngày 20/1/2017, ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ảnh: Sputnik

Quan hệ với Nhật Bản

Tờ tuần san Thời đại Nhật Bản ngày 16 tháng 1 đăng bài viết của chuyên gia Michael Green đến từ Trung tâm nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế Mỹ cho rằng đối với Nhật Bản, chính quyền Donald Trump rất có khả năng trở thành một chính quyền cực kì hữu nghị.

Trong thời gian tranh cử, những phát biểu mang tính động chạm đối với Nhật Bản có nguồn gốc từ ấn tượng đối với Nhật Bản vào thập niên 1980 của cá nhân ông Donald Trump, khi đó Nhật Bản đã có được lợi ích "không chính đáng" về thương mại, ông Donald Trump đã nhìn thấy sự va chạm thương mại giữa Nhật - Mỹ. Cách phát biểu của ông Donald Trump là điều rất bình thường.

Ông Donald Trump từng nói rằng chủ nghĩa dân chủ của toàn thế giới luôn đánh lừa nước Mỹ. Hiện nay, ông Donald Trump có thể đã nhanh chóng nhận thức được, trong bối cảnh Mỹ đối mặt với các mối đe dọa thực sự, Nhật Bản có thể trở thành một nước thân cận đáng tin cậy nhất.

Mặc dù ông Donald Trump yêu cầu Nhật Bản chi trả nhiều kinh phí hơn cho lực lượng quân Mỹ đóng ở Nhật Bản, nhưng Thủ tướng Shinzo Abe - người coi việc tăng cường đồng minh Nhật - Mỹ là nền tảng chính sách ngoại giao - có lẽ sẽ không coi việc này là vấn đề nan giải.

Nhìn vào các thành viên trong nội các của ông Donald Trump, không có nhiều chuyên gia về các vấn đề của châu Á, nhưng trong đó có những người theo chủ nghĩa quốc tế, người từng lãnh đạo Mỹ và đồng minh ở tuyến 1.

Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 17/11/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Mỹ gặp ông Donald Trump. Ảnh: Ipresstv
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 17/11/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến Mỹ gặp ông Donald Trump. Ảnh: Ipresstv

Quốc hội và người dân Mỹ đều thân Nhật. Trong tương lai phương châm ngoại giao của Mỹ chắc chắn sẽ gây tranh cãi hoặc xung đột to lớn, nhưng chỉ riêng về Nhật Bản, họ chắc chắn sẽ trở thành một trong những đối tác đáng được chính quyền mới của ông Donald Trump cảm ơn.

Quan hệ với Trung Quốc

Trong năm đầu tiên cầm quyền của ông Donald Trump có thể sẽ xuất hiện sóng gió. Quyết định phát đi tín hiệu rất "cứng rắn" với Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan đến từ "trung ương" của đội ngũ chuyển tiếp ông Donald Trump.

Ngoài ra, đội ngũ kinh tế của ông Donald Trump sẽ bắt đầu từ vấn đề Trung Quốc phá giá hàng sắt thép không chính đáng, áp dụng thái độ cứng rắn với Trung Quốc trong nhiều tranh chấp thương mại.

Điều cần chú ý là giai đoạn đầu cầm quyền của chính quyền Ronald Reagan cũng đã thực hiện chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, chính quyền "Bush con" cũng làm như vậy. Kết quả là, quan hệ Mỹ - Trung dưới thời của hai chính quyền này đều có thể nói là tốt đẹp và giàu tính xây dựng.

Bài viết trên tờ tuần san Thời đại Nhật Bản không cho rằng ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ tìm phiền phức làm vấn đề ưu tiên nhất.

Trong chính quyền mới của ông Donald Trump cũng tồn tại sự bất đồng nội bộ ở mức độ nhất định. Điều này cũng giống như thời kỳ chính quyền Ronald Reagan, nhưng đây chỉ là vấn đề tạm thời.

Quan hệ với Nga

Mặt khác, cá nhân ông Donald Trump rõ ràng có thái độ "gần gũi" với Nga. Nhưng, Quốc hội, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và cử tri Đảng Cộng hòa có thể không cho là như vậy.

Bởi vì, những vấn đề như Nga sáp nhập Crimea, sử dụng vũ lực ở Syria, cáo buộc tấn công mạng can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ... đã làm cho người Mỹ rất cảnh giác với Nga. Chỉ cần Tổng thống Nga Vladimir Putin không thay đổi thái độ đối với Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga sẽ không được cải thiện. Thậm chí, sẽ tiếp tục xấu đi như thời kỳ chính quyền Barack Obama.

Nga không kích IS ở Syria (ảnh tư liệu)
Nga không kích IS ở Syria (ảnh tư liệu)

Hiệp định TPP

Trong bối cảnh này, chính quyền Nhật Bản Shinzo Abe đã nỗ lực để Mỹ quay trở lại với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), kiên trì chiến lược lâu dài. Điều này có thể cần thời gian vài năm. Trên thực tế, trước đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng từng phản đối TPP.

Hiện nay, vấn đề thương mại đang gây "hỗn loạn" chính trị nội bộ nước Mỹ. Nếu không thể tiếp tục khơi dậy mối quan tâm của người dân đối với thương mại tự do, sẽ không có chính trị gia tiếp tục chủ trương ủng hộ TPP.

Mặc dù vậy, vẫn có cuộc thăm dò dư luận cho thấy đến nay ở cấp địa phương vẫn có dư luận mạnh mẽ ủng hộ thương mại tự do. Thực hiện phục hưng cả nước Mỹ có lẽ cần có thời gian, nhưng vẫn có giá trị hành động vì điều này.

Vấn đề Triều Tiên

Ngoài việc ông Donald Trump trong thời gian tranh cử từng nói gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul là điều không tồi, không có chứng cứ nào cho thấy các cố vấn chính sách hay trợ lý của ông đã từng bày tỏ ủng hộ ngoại giao với Triều Tiên.

Điều đáng lo ngại không phải là điểm này, mà là tình hình chính trị ở Hàn Quốc. Tình hình chính trị bất ổn hiện nay ở Hàn Quốc sẽ dẫn tới xuất hiện một Chính phủ phái cải cách áp dụng chính sách "mềm yếu" trong vấn đề Triều Tiên.

Nếu thực sự như vậy thì tính nhịp nhàng giữa Nhật - Mỹ - Hàn sẽ đối mặt với thách thức, vai trò ảnh hưởng đối với Triều Tiên cũng sẽ bị suy yếu.

“Rủi ro Donald Trump”

Theo tờ Yomiuri Shimbun Nhật Bản ngày 16 tháng 1, trật tự quốc tế dựa trên tự do, dân chủ và pháp trị đang bị lung lay. Đúng vào lúc chính quyền Mỹ thay đổi, Trung Quốc và Nga tìm cách thay đổi trật tự, điều này Nhật Bản cần phải "cảnh giác".

Mỹ triển khai máy bay chiến đấu F-35B ở Nhật Bản. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu
Mỹ triển khai máy bay chiến đấu F-35B ở Nhật Bản. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Hòa bình và phồn vinh sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai dựa vào đồng minh lấy Mỹ làm trung tâm và dựa vào sự ủng hộ đối với thương mại tự do. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thiếu nhận thức cơ bản này. Chủ nghĩa cô lập cùng những lời nói và hành động không thể dự đoán của ông Donald Trump là nhân tố rủi ro lớn nhất trong năm 2017.

Điểm quan tâm của ông Donald Trump tập trung ở lĩnh vực thương mại, không chú trọng đến sự ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điểm này gây lo ngại. Ngày càng nhiều người lo ngại, ông Donald Trump sẽ lấy đầu óc thương mại để tiến hành "giao dịch" với Trung Quốc.

Đặc trưng nổi bật trong việc bổ nhiệm quan chức cấp cao chính phủ là ông Donald Trump đã sử dụng các nhân vật cựu quân nhân và kinh tế. Hầu như không có chuyên gia ngoại giao. Ông Donald Trump đề cử ông trùm dầu khí từng có quan hệ khá sâu với Tổng thống Nga Vladimir Putin làm Ngoại trưởng, rõ ràng có hi vọng cải thiện quan hệ với Nga.

Về thông tin bê bối liên quan giữa Nga và ông Donald Trump cùng với tính chính đáng của việc xích lại gần nhau giữa Mỹ và Nga, ông Donald Trump không hề đưa ra những giải thích mang tính thuyết phục.

Đối với Trung Quốc và Nga, Mỹ cần thực hiện chiến lược ngoại giao như thế nào? Ông Donald Trump sẽ nhanh chóng thể hiện điều này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tìm cách tiến hành tái cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018. Ông tích cực tuyên truyền "quan hệ đối đẳng" giữa Nga và Mỹ, nhằm thực hiện ngoại giao tích cực và tái thiết kinh tế phù hợp.

Syria, Trung Đông

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Economic Times
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Economic Times

Chính quyền Syria Bashar Assad và phe đối lập xảy ra nội chiến trong nhiều năm qua. Cuối năm 2016, Nga - nước ủng hộ chính quyền Bashar Assad - tiến hành hòa giải, đã thúc đẩy thành công việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ - nước có vai trò ảnh hưởng đối với phe chống chính phủ - đã tiến hành phối hợp. Nhưng chính quyền Mỹ Barack Obama không thể tiến hành can thiệp.

Nga rõ ràng thừa dịp Mỹ thay đổi chính quyền, tìm cách nắm quyền chủ đạo trên phương diện tham vấn hòa bình Syria.

Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) có các cứ điểm ở Syria và Iraq, đang làm lan rộng mối đe dọa khủng bố. Nga có thể lấy tấn công liên hợp tổ chức IS làm điều kiện trao đổi, đề xuất với chính quyền Donald Trump để cho chính quyền Bashar Assad tiếp tục tồn tại.

Bản đồ quyền lực ở Trung Đông lấy đồng minh giữa Mỹ với các nước như Saudi Arabia làm trung tâm đang thay đổi. Lấy Syria làm điểm đứng chân, Nga gia tăng hợp tác với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, vai trò ảnh hưởng của họ ở khu vực Trung Đông chắc chắn tăng lên.

3 điểm nóng ở châu Á

Trung Quốc muốn làm rõ cách thức ông Donald Trump biến tư thế "cứng rắn" về kinh tế và bảo đảm an ninh thành hành động. Nếu Tân Chính phủ Mỹ giảm can thiệp vào vấn đề Biển Đông thì Trung Quốc có thể dựa vào sức mạnh quân sự tăng cường kiểm soát Biển Đông.

Do ông Donald Trump bày tỏ nghi ngờ đối với nguyên tắc "một Trung Quốc", Trung Quốc đã tăng cường gây sức ép với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Có thể thấy, quan hệ căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục gia tăng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-ul tuyên bố việc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chuẩn bị "bước vào giai đoạn cuối cùng". Triều Tiên đẩy nhanh phát triển tên lửa hạt nhân đưa lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn, phương châm này sẽ không thay đổi.

Triều Tiên còn có thể tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân mới và tiến hành “khiêu khích” quân sự cục bộ trong thời điểm tình hình chính trị Hàn Quốc bất ổn. Điều này đòi hỏi ông Donald Trump tiếp tục nỗ lực tăng cường khả năng ngăn chặn.