Đòn không kích sấm sét trước ngày toàn thắng

Phi đội Quyết thắng đã đưa trận đánh đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam.
Phi đội Quyết thắng trước giờ lên đường làm nhiệm vụ
Phi đội Quyết thắng trước giờ lên đường làm nhiệm vụ

34 năm đã trôi qua, song kỷ niệm về chuyến bay nhiệm vụ ngày 28-4-1975 vẫn còn hằn in trong trí nhớ Đại tá Nguyễn Văn Lục-Phi đội trưởng Phi đội Quyết thắng. Với trận đánh đặc biệt, sử dụng máy bay địch tấn công địch tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông cùng đồng đội đã góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của cả dân tộc sớm đi đến thắng lợi cuối cùng…

Chuyển loại máy bay trong… hai ngày rưỡi

Trong căn nhà số 18, đường Nguyễn Viết Xuân, quận Thanh Xuân (Hà Nội), Đại tá Nguyễn Văn Lục-nguyên Trưởng Phòng Quân huấn-Nhà trường, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) vẫn dành vị trí trang trọng cho những tấm hình ghi lại những thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời ông. Những tấm hình ấy cũng phần nào khắc họa được thời khắc lịch sử của cả một dân tộc. Với giọng kể pha lẫn niềm xúc động, ông đưa chúng tôi trở lại 7 ngày đầy ắp những sự kiện của Phi đội Quyết thắng trong những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Khi đó ông đang là Phi đội trưởng Phi đội 4- Đơn vị Không quân C23- Đoàn Không quân B71 (Sau này Đơn vị C23 trực thuộc Đoàn Không quân B72).

Sáng ngày 22-4-1975, Phi đội 4 nhận lệnh cơ động vàoNam. Khoảng 14 giờ 30 phút, chiếc máy bay vận tải rời đường băng. Sau hơn một tiếng rưỡi, đoàn đáp xuống sân bay Đà Nẵng. Đại tá Trần Mạnh-Phó Tham mưu trưởng Quân chủng PK-KQ giao nhiệm vụ cho Phi đội: Tổ chức huấn luyện chuyển loại trên máy bay A-37 thu được của địch ngay ngày mai, chuẩn bị cho một trận đánh lớn bằng chính loại máy bay này.

Ngay sáng hôm sau, phi đội tổ chức học lý thuyết, tìm hiểu tính năng, tác dụng của máy bay A37 và các trang thiết bị trên máy bay… Giúp đỡ các phi công của ta trong quá trình chuyển loại có hai phi công Ngụy đã được ta giáo dục, cải tạo là Trần Văn On, Trần Văn Xanh và một số thợ máy. “Ngay trong giai đoạn này chúng tôi đã gặp phải khó khăn là toàn bộ các thiết bị trên máy bay đều thuyết minh bằng tiếng Anh. Trong khi đó tôi, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng đều không biết ngôn ngữ này. Song chúng tôi đã khắc phục bằng cách nhờ Nguyễn Thành Trung, Trần Văn On và Trần Văn Xanh dịch các chữ đó ra tiếng Việt, sau đó viết ra giấy và dán đè lên phần chữ tiếng Anh”-ông Lục cho biết.

Đòn không kích sấm sét trước ngày toàn thắng ảnh 1
Phi đội Quyết thắng trên đường làm nhiệm vụ ném bom Tân Sơn Nhất

Sáng ngày 24, việc bay thử được tiến hành trên 2 chiếc A37 đã được thợ máy khắc phục và vừa chuẩn bị bay xong. Cùng bay thử với hai phi công On và Xanh có phi công Từ Đễ. Ông Lục nhớ lại: “Sau bay thử, cả 2 máy bay đều tốt. Bởi thế chúng tôi ai cũng mong muốn được vào bay chuyển loại ngay”.

Trong thời gian huấn luyện chuyển loại, những khó khăn tiếp theo lại xuất hiện. Đơn cử là các thiết bị trên máy bay A37 bố trí hoàn toàn khác so với các máy bay mà các phi công của ta đã được bay trước đó như vị trí phanh, vị trí các công tắc…

“Thói quen không thể hình thành trong ngày một ngày hai. Để khắc phục những khó khăn trên, cả phi đội học ngày học đêm. Trước khi đi ngủ lại vắt tay lên trán hình dung vị trí các phím công tắc; trình tự một chuyến bay; lý giải nguyên nhân dẫn đến những sai sót mắc phải khi bay. Nhờ thế mà trình độ phi công được củng cố sau mỗi chuyến bay. Hết trưa ngày 27, kỳ huấn luyện chuyển loại vỏn vẹn trong hai ngày rưỡi đã hoàn thành. Toàn phi đội sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tiếp theo”.

Trước giờ xuất kích

Sau ban bay trưa ngày 27, khi cả phi đội đang tắm giặt thì nhận được lệnh cơ động vào sân bay Phù Cát (Bình Định). “Có anh em đang giặt dở quần áo, khi nhận được lệnh thì vắt vội rồi vứt vào xô. Bởi thế hành lý theo phi công lên máy bay AH-24 có cả xô quần áo ướt”- ông Lục vui vẻ cho biết.

16 giờ chiều, máy bay hạ cánh xuống sân bay Phù Cát. Ngay sau đó, Thiếu tướngLê Văn Tri- Tư lệnh Quân chủng đã giao nhiệm vụ cho hai phi công On và Xanh bay thử 5 chiếc A37. Theo ông Lục, những chiếc máy bay đó được lệnh chỉ nạp thùng dầu trong thân nên thời gian bay tối đa cũng chỉ được khoảng 30 phút và cự ly hoạt động cũng hạn chế. Ban bay thử đã thành công như mong đợi.

Trong buổi tối ngày 27, chi bộ tổ chức sinh hoạt xác định quyết tâm chiến đấu cho toàn phi đội, đồng thời thống nhất phương án bố trí lực lượng tham gia đội hình chiến đấu. Sáng ngày 28, phương án được Phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục báo cáo trước Tư lệnhLê Văn Tri và được Tư lệnh phê duyệt. Theo đó, Nguyễn Thành Trung sẽ bay số 1, có vai trò dẫn đường bởi anh thông thuộc địa hình khu vực tác chiến; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục bay số 3; Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On bay số 4 và Hán Văn Quảng bay số 5.

8 giờ 30 phút ngày 28, Phi đội nhận lệnh cơ động máy bay A-37 vào sân bay Phan Rang (Ninh Thuận) theo đúng đội hình đã xác định trong phương án trước đó. Sau hai giờ bay, các số 1, 2, 3, 5 hạ cánh xuống sân bay Phan Rang. Riêng số 4 hạ cánh sau đó ít phút do cất cánh muộn vì lý do kỹ thuật hàng không.

  Phi công Nguyễn Thành Trung trước khi cất cánh tấn công sân bay Tân Sơn Nhất

Tại sân bay, các đồng chí lãnh đạo Quân chủng PK-KQ như Tư lệnhLê Văn Tri, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Hoàng Ngọc Diêu…đã có mặt, chờ đón Phi đội. Trong nội dung giao nhiệm vụ cho Phi đội ngay sau đó, có phần nghiên cứu mục tiêu và xác định phương án chiến đấu. 6 mục tiêu đã được đưa ra để phi đội nghiên cứu, lựa chọn là: Bộ Tổng tham mưu Ngụy, Nha Cảnh sát, Đại sứ quán Mĩ, Kho xăng Nhà Bè, Sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn.

Sau khi thảo luận, phi đội đề nghị được đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất bởi đây là mục tiêu diện rộng, dễ nhận biết, dễ phát hiện từ xa, thuận lợi cho việc tấn công; quan trọng hơn, đánh mục tiêu này sẽ cắt đứt cầu hàng không của địch, làm địch thêm hoang mang, rối loạn.

Đại tá Nguyễn Văn Lục cười vui vẻ: “Thì ra sự lựa chọn mục tiêu của Phi đội Quyết thắng cũng rất trùng khớp với quyết định trước đó của Bộ chỉ huy chiến dịch là lấy máy bay địch phá huỷ sân bay Tân Sơn Nhất và tiêu diệt sinh lực địch”.

Một yêu cầu lớn được đặt ra với Phi đội khi tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất là phải bảo đảm an toàn cho trại Đa-vít, cách đường băng khoảng 300 mét, nơi có phái đoàn quân sự của ta. Phương án được vạch ra là phải đánh bom dọc đường băng, như vậy độ tản mát của bom ra hai bên đường băng sẽ hẹp hơn, bảo đảm cho trại Đa-vít được an toàn, mặc dù đánh như vậy hiệu quả tiêu diệt sân bay sẽ thấp hơn khi đánh bom cắt chéo sân bay một góc 30 độ. Xử lý tình huống khi gặp tiêm kích địch trên hành trình thực hiện nhiệm vụ cũng đã được xác định. Đó là số 4 và số 5 sẽ cắt bom và không chiến với tiêm kích địch; các số 1, 2, 3 bằng mọi giá phải tiếp cận và tiêu diệt được sân bay Tân Sơn Nhất.

Đòn sấm sét

16 giờ 05 phút ngày 28-4-1975, 5 chiếc A37 xuất kích từ sân bay Phan Rang. Mỗi máy bay mang 4 quả bom loại 250 bảng. Để bảo đảm bí mật, toàn bộ phi đội không sử dụng hệ thống thông tin liên lạc mà dùng ký tín hiệu trong quá trình bay. Do sân bay Phan Rang cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 400 km, căn cứ vào dầu liệu và vũ khí mang theo nên trước khi xuất kích, Phi đội xác định sẽ bay ở độ cao 1.000m, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa tránh sự phát hiện của ra đa địch. Tuy nhiên khi cất cánh, do đáy mây rất thấp, để quan sát được địa tiêu, Phi đội chỉ có thể bay ở độ cao từ 300 mét đến 500 mét.

Khi qua sân bay Biên Hoà, Phi đội phát hiện 2 chiếc AD6 của địch đang ném bom phá huỷ các mục tiêu trên sân bay. “Có lẽ ngụy quyền đã lường trước được ngày “tận thế” nên chúng sử dụng không quân phá huỷ cơ sở vật chất trên sân bay Biên Hoà để không rơi vào tay quân giải phóng”- ông Lục trầm ngâm suy luận.

Khi còn cách sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 20 km, toàn bộ phi đội đã phát hiện được sân bay. Các “số” thực hiện kéo dài đội hình, mỗi “số” cách nhau từ 600 mét đến 800 mét, đồng thời lấy độ cao lên 2.000 mét.

Vào đến cự ly thích hợp, số 1 bổ nhào cắt bom. Ngay sau đòn đầu tiên ấy, trên loa hệ thống đối không của 5 chiếc A-37 vang lên giọng nói dồn dập, hoảng hốt của địch từ dưới sân bay: “Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu! Máy bay của phi đoàn nào? Cho biết phiên hiệu!”.

Tiếp ngay sau số 1, các số còn lại lần lượt bổ nhào cắt bom. “Buồng lái kín và bay ở độ cao như vậy thì không thể nghe thấy tiếng nổ. Song ngay phía dưới bụng máy bay, chúng tôi thấy sân bay Tân Sơn Nhất như một biển lửa, khói bụi cũng bốc lên mù mịt”.

Khi 5 chiếc A-37 của Phi đội Quyết thắng về đến sân bay Phan Rang cũng là lúc trời đã chập choạng tối. Máy bay đã phải bật đèn pha khi lăn vào bãi đỗ. Tư lệnh Lê Văn Tri cùng các đồng chí lãnh đạo Quân chủng PK-KQ và anh em thợ máy đã chạy ùa ra. Mọi người ôm chầm lấy các phi công chúc mừng chiến thắng, những tiếng hoan hô, cười reo vang dậy cả sân bay. “Khó có lời nào có thể diễn tả hết cảm xúc của chúng tôi lúc bấy giờ”-ông Lục bồi hồi nhớ lại.

Với hai ngày rưỡi chuyển loại cho phi công trên máy bay thu được của địch và bằng đòn đánh táo bạo-sử dụng máy bay địch tấn công sâu vào hậu phương địch, Phi đội Quyết thắng đã đưa trận đánh đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Trong trận đánh ấy, 26 máy bay địch đã bị phá huỷ, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt. Từ đây, “phao cứu sinh” cầu hàng không Tân Sơn Nhất bị phá huỷ. Ngay ngày hôm sau, đế quốc Mĩ phải vội vàng sơ tán những người Mĩ và tay sai cuối cùng khỏi ViệtNam. Sau trận đánh của Phi đội Quyết thắng hai ngày, miền Namhoàn toàn giải phóng.

Theo QĐND Online