Doanh nghiệp 'tố' các bộ gây cản trở nhiều nhất

Khi có vướng mắc, địa phương đi hỏi các bộ nhưng không biết khi nào mới có câu trả lời nên đành thất hứa với doanh nghiệp.
DN than phiền nhiều về thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa
DN than phiền nhiều về thủ tục và thời gian thông quan hàng hóa

Đó là câu chuyện mà đại diện Sở KH-ĐT TP.HCM dẫn ra để minh họa cho thực tế các bộ vẫn chưa coi "doanh nghiệp là đối tượng phục vụ" như thông điệp của Thủ tướng.

Tại hội nghị triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, do Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức ngày 18.5, Phó giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết từ chỗ trước kia phải mất 15 ngày để cấp giấy đăng ký kinh doanh, nay việc cấp trong 15 phút là hoàn toàn có thể, thậm chí doanh nghiệp (DN) ngồi nhà cũng đăng ký được. Tuy nhiên, việc thiết kế thủ tục qua mạng còn rất nhiêu khê và có khi chỉ cán bộ chuyên viên chuyên thực hiện mới điền được những thông tin trong hồ sơ thủ tục. Còn một DN bình thường phải chạy đi chạy lại 2 - 3 lần mới xong.

Đặc biệt, theo ông Minh, một khi có vấn đề phát sinh cần xin ý kiến lên các bộ ngành thì các bộ rất chậm trả lời nên địa phương đành thất hẹn với DN vì không biết bao giờ mới được phản hồi. "Tôi kiến nghị tới đây, ngoài nỗ lực của địa phương, lãnh đạo bộ, ban ngành cần quan tâm, tích cực, ban hành văn bản thuận lợi nhất, gọn gàng nhất cho DN, giúp địa phương thực hiện nhanh chóng nhất", ông Minh nói.

“Bệnh kiểm tra”

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, chia sẻ, để nhập khẩu bông, công ty phải mất 7 ngày mới có giấy kiểm dịch thực vật từ Cục Thú y. Sau đó làm thủ tục mở tờ khai xin đăng ký kiểm dịch hun trùng tại cửa khẩu nhập mất thêm 2 ngày nữa. Rồi cũng phải 24 giờ sau khi nộp kết quả kiểm dịch, hàng mới được thông quan. “Như vậy, ít nhất phải mất 10 ngày DN mới xong thủ tục kiểm dịch hàng hóa”, ông Cẩm tỏ ra ngao ngán vì hiệp hội đã kiến nghị nhiều lần song tình trạng này vẫn tồn tại.

Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Sơn, Hiệp hội Bông sợi VN, cho biết mỗi năm các DN phải nhập tới 1 triệu tấn do trong nước chỉ sản xuất được khoảng 2.000 tấn. Cách đây 4 năm, Bộ NN-PTNT yêu cầu các lô hàng này phải được kiểm dịch. “Riêng năm ngoái, chúng tôi nhập trên 1 triệu tấn bông, tương đương 50.000 container và bình quân khoảng 17.000 - 18.000 container bị lấy mẫu kiểm tra. Với chi phí kiểm dịch 1 triệu đồng/container, mỗi năm ít nhất chi cho dịch vụ này 17 - 18 tỉ đồng. Điều này gây ra gánh nặng rất lớn”, ông Sơn nói và cho biết thêm, trước khi đến hội nghị này, thông tin từ các DN nói rằng dù bị kiểm tra suốt nhiều năm nay nhưng chưa thấy phát hiện sâu bọ trong các lô hàng nên kiến nghị giảm tỷ lệ kiểm tra hoặc tiến tới công nhận kết quả với lô hàng nào được một nước khác kiểm tra trước đó.

Đại diện Bộ NN-PTNT thừa nhận thực tế này và cho hay sẽ có bộ phận một cửa để nhanh chóng phản hồi kiến nghị của địa phương và DN.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư, dường như các cơ quan quả lý có bệnh nghiện kiểm tra. "Chắc phải hấp dẫn lắm người ta mới nghiện, mà nghiện rồi thì khó sửa lắm", ông Cung chua chát nói.

Khổ vì quản lý chồng chéo

Tại hội nghị, ông Văn Viết Tuấn (Công ty cổ phần Viettronics Tân Bình) nhìn nhận chủ trương dán nhãn năng lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường của Bộ Công thương là hoàn toàn hợp lý. Thế nhưng việc phải gửi hồ sơ đăng ký ra Hà Nội (Bộ Công thương) vì không có cơ quan đại diện hay văn phòng năng lượng tại TP.HCM khiến DN rất mất thời gian. Đó là chưa kể đến việc hiện tại chỉ có một nơi thử nghiệm là Trung tâm 3 (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nên xảy ra tình trạng quá tải khi nhiều mẫu đo kiểm cùng lúc.

Đại diện Công ty Ford VN dẫn chứng câu chuyện có đến 2 văn bản về quản lý mặt hàng thép. Một là Thông tư 12 của Bộ Công thương về cấp phép nhập khẩu thép, trong khi còn một thông tư liên tịch khác giữa cơ quan này với Bộ KH-CN. Vị này cho rằng, việc quản lý chất lượng là cần thiết, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng nhưng cách quản lý phải thay đổi để tránh chồng chéo, gây khó khăn cho DN.

"Vấn đề là việc gây cản trở nằm ở các bộ. Cách quản lý không thân thiện với thị trường, với DN và đầy rẫy xin cho. Nếu các bộ trưởng không thay đổi thì khó có thể giải quyết được", TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.

Theo Thanh Niên