Doanh nghiệp nội: Dù giao thương nhưng vẫn lo

VietTimes -- Dù doanh nghiệp nội có kết nối giao thương với nhau nhưng vẫn phải ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, bởi hiện hàng hóa, sản phẩm Việt đang dư thừa nhưng chất lượng lại kém sức cạnh tranh đối với các hàng hóa ngoại nhập.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo tỉnh, thành và các doanh nghiệp.
Hội nghị có sự tham dự của nhiều lãnh đạo tỉnh, thành và các doanh nghiệp.

Đó là nhận định được đưa ra tại hội nghị “Giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố năm 2016”, vừa diễn ra vào chiều 1/12, do Bộ Công thương phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức.

Hà Nội đã giao thương với hơn 50 tỉnh, thành

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, thành phố Hà Nội đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương, kết nối cung cầu với hơn 50 tỉnh thành trên cả nước. Riêng trong năm 2016, đã có trên 350 hợp đồng kinh tế, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ doanh nghiệp của các tỉnh thành phố, quảng bá giới thiệu sản phẩm đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh ở các địa phương vào hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, theo báo cáo của Hà Nội, năm 2016 Hà Nội đã chỉ đạo các hội, hiệp hội, doanh nghiệp Hà Nội chủ động tổ chức giao thương với các doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang. Kết quả, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Bắc Giang tổ chức Hội nghị giao thương, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; Hệ thống siêu thị Hapro phối hợp với các doanh nghiệp Hà Nội và tỉnh Bắc Giang tổ chức thành công lễ khai mạc sự kiện “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang tại Hà Nội”.

Hà Nội cùng Hà Giang bàn biện pháp triển khai, quảng bá xúc tiến tiêu thụ sản phẩm Cam sành Hà Giang vào thị trường Hà Nội, trong đó giao thương với 06 hệ thống phân phối lớn như: Hapro, BigC, Metro, Fivimart, Intimex, Coopmart.

Vào tháng 8/2016, Hà Nội đã phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức tuần hàng Sơn La tại Hà Nội, với sự tham gia trưng bày, bán nhiều mặt hàng: các loại rau củ, chè, hoa, rượu táo mèo, cà phê, các loại quả,... Qua đó giới thiệu sản phẩm tới doanh nghiệp, hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm và người tiêu dùng Thủ đô. 

Ngoài ra, Hà Nội cũng phối hợp với tỉnh Hưng Yên tổ chức Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên vào thị trường Hà Nội, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã Hưng Yên và nhiều hệ thống siêu thị Hà Nội.

Rau củ quả sạch của tỉnh Hải Dương

Bảo nhau nâng cao chất lượng

Theo quan điểm của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc kết nối cung cầu trong hoàn cảnh hiện nay không nhằm cung cấp hàng hóa cho Hà Nội vì nguồn cung hiện nay rất dồi dào, có mặt tại mọi kênh, mọi nguồn. Vấn đề hiện nay quan trọng nhất là kết nối làm sao cho hàng hóa, sản phẩm phải đảm bảo an toàn về chất lượng, đảm bảo sức cạnh tranh. Bởi 100% công chúng quan tâm nhất đến vấn đề an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, kết nối giao thương không chỉ là cung cầu, bởi kết nối cung cầu mới chỉ là kết nối phần ngọn phải nghĩ đến việc kết nối giá trị từ khâu đầu đến khâu cuối. Kết nối phải thu hút sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp từ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả các hộ gia đình, nuôi trồng, kinh doanh cá thể tạo thành một chuỗi giao thương phát huy tiềm năng của các loại hình. Thiết lập các chuỗi giá trị sản phẩm từ nuôi trồng, thu hoạch, tổ chức thương mại góp phần đa dạng sản phẩm, đảm bảo chất lượng, cũng như giảm giá thành sản phẩm.

Về phía các tỉnh, thành, ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, việc giao thương cần xây dựng cơ chế, trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến nhu cầu cung cầu của các tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các địa phương chủ động sản xuất, xây dựng quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa để nâng cao cạnh tranh kể cả về chất lượng và giá cả với hàng hóa ngoại nhập. Bởi hàng hóa, sản phẩm Việt Nam hiện nay đang dư thừa nhưng chất lượng đang kém sức cạnh tranh đối với các hàng hóa ngoại nhập.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ cũng cho rằng: "Hiện nay hàng hóa không thiếu, quan trọng chất lượng như thế nào? Cần có sự hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp với nhau và vai trò của những doanh nghiệp lớn phân phối của Hà Nội là rất lớn”.

Thực tế, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng đánh giá, các hộ, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản hiện nay vẫn theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì, bảo quản,... cũng là một trong những tồn tại, vướng mắc trong việc kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp.