DN CNTT đang thiếu hiểu biết về hội nhập

VietTimes -- Theo Chủ tịch VINASA, với việc gia nhập TPP, doanh nghiệp Việt có điểm mạnh là nguồn nhân lực nhưng lại thiếu hiểu biết về thị trường quốc tế.
DN CNTT đang thiếu hiểu biết về hội nhập

Giờ G đã điểm

Sau bao năm tháng mong đợi, Hiệp định TPP đã mang đến niềm vui vỡ òa cho cả đất nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh các hiệp định thương mại quốc tế giữa các nước thì TPP được đánh giá sẽ tạo ra bộ quy tắc chung, tiêu chuẩn mới cho thương mại các quốc gia.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) nhận định: Trong xu hướng toàn cầu hóa, các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.

Hiện các doanh nghiệp CNTT Việt Nam đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Trong đó, điểm mạnh của doanh nghiệp Việt là nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam khá dồi dào, chất lượng tốt, có khả năng nắm bắt rất nhanh công nghệ mới. Chi phí nhân công cũng rất cạnh tranh so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ tốt cho phát triển của doanh nghiệp như chính sách ưu đãi về thuế, về R&D, về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ như: hỗ trợ doanh nghiệp lấy chứng chỉ CMMi, chứng chỉ bảo mật 27001…

Tuy nhiên, ông Bình cũng cho rằng, doanh nghiệp CNTT Việt Nam còn tồn tại những điểm yếu, có thể kể đến như: thiếu thông tin và hiểu biết về thị trường quốc tế; cách thức để tiếp cận thị trường nước ngoài chưa đem lại hiệu quả cao. Cùng với đó là hoạt động marketing vẫn chưa được chú trọng do khó khăn về nguồn kinh phí và hiểu biết cách thức tiếp cận thị trường. Rào cản ngôn ngữ và văn hoá kinh doanh cũng là một trong những điểm khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có nhiều chương trình xúc tiến thương mại mang tầm quốc gia về CNTT giúp nâng tầm thương hiệu của ngành CNTT trên bản đồ công nghệ số của thế giới.

TPP mở ra nhiều cơ hội

Tháng 10/2015, Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam thống nhất thông qua. Theo đại diện VINASA, TPP tạo ra cơ hội lớn khi dòng vốn đầu tư nước ngoài FDI sẽ chảy về Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ đi ra thế giới dễ dàng và thuận lợi hơn. Đại diện VINASA phân tích: Khi Việt Nam tham gia TPP, sẽ có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực CNTT bởi TPP sẽ tạo ra muôn vàn bài toán về công nghệ dành cho Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế. Khó khăn về xuất khẩu nhập khẩu, logistic, vận tải, thủ tục hải quan cho đến thuế, thanh toán điện tử… cần được Việt Nam tính đến trong quá trình mở cửa với thế giới.

Phân tích sâu về vấn đề nhân lực, ông Trương Gia Bình  cho rằng, bên cạnh việc Việt Nam có thể tiếp cận được những nhân sự quản lý chất lượng cao từ nước ngoài, TPP cũng sẽ tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có lĩnh vực CNTT. Muốn giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần phải nhanh chóng chứng tỏ năng lực của mình để tạo ra những giá trị gia tăng cao hơn nữa chứ không thể hài lòng với hiện tại.

“Một vấn đề quan trọng nữa cũng cần nhắc đến, đó là sự liên kết, hợp tác giữa chính các doanh nghiệp CNTT Việt Nam. Để có thể vươn ra rộng khắp, doanh nghiệp Việt không thể đơn thương độc mã. Ngoài ra, sự giúp sức mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có yếu tố quyết định cho sự thành công của doanh nghiệp Việt trên bước đường hội nhập”, ông Bình nhấn mạnh.

Tổng hợp