Điệp viên phản bội hay tội phạm chạy trốn? Đâu là sự thật trong vụ án “điệp viên Bắc Kinh chạy sang Australia tị nạn” đang gây chấn động dư luận?

VietTimes -- Mấy ngày nay, sự kiện một người đàn ông Trung Quốc tự nhận là điệp viên đào ngũ chạy sang xin tị nạn tại Australia mang theo những thông tin cơ mật về việc bản thân tham gia các vụ hoạt động của gián điệp Bắc Kinh ở Hồng Kông, can dự vào cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan sắp diễn ra cũng như can thiệp vào tình hình chính trị Australia.v.v... đang trở thành tin “nóng” trên các cơ quan truyền thông quốc tế lớn.
Vụ "điệp viên Trung Quốc" Vương Lập Cường chạy sang Australia đang gây chấn động dư luận quốc tế những ngày qua.
Vụ "điệp viên Trung Quốc" Vương Lập Cường chạy sang Australia đang gây chấn động dư luận quốc tế những ngày qua.

Phía Trung Quốc đã ra tuyên bố người này không phải là điệp viên của cơ quan tình báo nước này mà chỉ là một kẻ phạm tội hình sự bỏ trốn... Đáp lại, “kẻ chạy trốn” đã ra tuyên bố khẳng định thân phận của mình và nói sẵn sàng nhận mọi sự trừng phạt nếu có sự gian dối về nhân thân cũng như những thông tin đã tiết lộ...

Theo trang mạng Deutsche Welle tiếng Trung, các cơ quan truyền thông lớn của Australia như The Sydney Morning Herald, ABC News... ngày 23/11 đều đưa nổi bật tin điệp viên Trung Quốc 27 tuổi Vương Lập Cường (Wang “William” Liqiang), người vừa chạy trốn từ Trung Quốc đại lục tới, đã thừa nhận với Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) rằng anh ta là một quan chức cơ quan tình báo quân sự tại Hồng Kông đã tham gia vào một số hoạt động gián điệp của Trung Quốc, trong đó có vụ án nổi tiếng bắt cóc nhà xuất bản sách Hồng Kông Lý Ba (Li Bo) ở Đồng La Loan (Causeway Bay) đưa về lục địa Trung Quốc, tổ chức đội quân mạng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ở Đài Loan và tham gia chiến dịch lôi kéo sinh viên đại lục trong các trường đại học của Hồng Kông.

Vương Lập Cường khai nhận đã tham gia vào vụ bắt cóc thương gia Hồng Kông Lý Ba (ảnh nhỏ) đưa về Trung Quốc.
Vương Lập Cường khai nhận đã tham gia vào vụ bắt cóc thương gia Hồng Kông Lý Ba (ảnh nhỏ) đưa về Trung Quốc.

Vương Lập Cường tự nhận, anh ta trước đây làm việc cho Công ty TNHH Đầu tư Đổi mới Trung Quốc (CIIL) và công ty có trụ sở tại Hồng Kông này được coi là một tổ chức quan trọng để Bắc Kinh thực hiện các hoạt động điệp báo chính trị và tình báo kinh tế ở Hồng Kông.

Cường cũng nói rằng năm 2018, anh ta cũng tham gia vào việc phối hợp các hành động can thiệp vào cuộc bầu cử cấp quận và thành phố của Đài Loan; triển khai xâm nhập, thẩm thấu vào các phương tiện truyền thông, mạng internet, đền thờ, chùa chiền.v.v., bằng mọi cách gây ảnh hưởng đến xu hướng các cuộc tranh luận chính trị ở Đài Loan và đã đạt được kết quả “không nhỏ”. Vương Lập Cường cho biết, đối với cuộc bầu cử người đứng đầu Đài Loan năm 2020, cơ quan tình báo của Bắc Kinh cũng đã xây dựng kế hoạch tương ứng để cố gắng hướng dư luận Đài Loan theo các thông tin tích cực hơn về ứng cử viên Quốc Dân Đảng - ông Hàn Quốc Dụ (Daniel Han Kuo-yu) được Bắc Kinh ủng hộ, từ đó ngăn cản bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) được bầu lại.

Vương Lập Cường sử dụng hộ chiếu Trung Quốc và Hàn Quốc.
Vương Lập Cường sử dụng hộ chiếu Trung Quốc và Hàn Quốc.

Vương Lập Cường nói, chính kế hoạch này của Bắc Kinh đã khiến anh ta có ý tưởng phản biến. Vào tháng 5 năm nay, khi đang đến Sydney thăm vợ và con nhỏ của mình, Cường nhận được mệnh lệnh mới: đi du lịch đến Đài Loan với tư cách là giả mạo một công dân Hàn Quốc và dựa một phần vào các tổ chức xã hội đen ở địa phương. Anh ta lo lắng rằng điều này sẽ khiến anh ta sẽ bị cơ quan tình báo Đài Loan bắt giữ. Vài tháng sau, Cường liền liên hệ với cơ quan tình báo Australia.

Xin tị nạn chính trị ở Australia

Tờ The Age (Thế kỷ) của Melbourne nói, Vương Lập Cường cũng tiết lộ cho phía Australia chi tiết về các hành động của Trung Quốc để gây ảnh hưởng chính trị ở nước này. Hiện tại, anh ta được tạm trú tại Australia với thị thực du lịch và đã nộp đơn xin tị nạn chính trị. Cường nói rằng nếu quay trở về Trung Quốc bây giờ, anh ta sẽ phải đối mặt với án tù hoặc thậm chí bị án tử hình.

Bộ trưởng Tài chính Australia, ông Josh Frydenberg nói với truyền thông hôm thứ Bảy (23/11) rằng tiết lộ của viên đặc vụ Trung Quốc về các nỗ lực của Bắc Kinh “nhằm phá vỡ nền dân chủ của Hồng Kông, Đài Loan và Australia là rất đáng lo ngại”. Ông kêu gọi các cơ quan thực thi pháp luật hãy chú ý đến điều này và nhấn mạnh rằng “bất kể chính sách đối ngoại và tình hình đầu tư nước ngoài như thế nào, chúng ta cũng luôn bảo vệ lợi ích quốc gia”.

Bộ trưởng Tài chính Australia, ông Josh Frydenber: những tiết lộ của Vương Lập Cường về hoạt động của Trung Quốc đối với Hồng Kông, Đài Loan và Australia rất đáng lo ngại.
Bộ trưởng Tài chính Australia, ông Josh Frydenber: những tiết lộ của Vương Lập Cường về hoạt động của Trung Quốc đối với Hồng Kông, Đài Loan và Australia rất đáng lo ngại.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại nước ngoài quan trọng nhất của Australia. Để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc vào tình hình trong nước, Quốc hội Australia trước đây đã thực hiện xây dựng luật pháp liên quan. Vào hôm thứ Sáu (22/11), ông Duncan Lewis, cựu chủ tịch Tổ chức Tình báo An ninh Australia, cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh đang tìm cách “tiếp quản” hệ thống chính trị của Australia. Thủ tướng Scott Morrison thì nhấn mạnh rằng các cơ quan tình báo Australia có khả năng chống lại mọi mối đe dọa.

Đảng Dân chủ Tiến bộ Đài Loan (DPP) tranh thủ cơ hội giành phiếu bầu

“Phủ Tổng thống Đài Loan” hôm thứ Bảy nói rằng họ đang điều tra về vụ việc này. Người phát ngôn của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) Lý Án Dung (Li Anrong) nhân đó lên tiếng kêu gọi người dân Đài Loan “hãy sử dụng lá phiếu để chấm dứt thế lực của Trung Quốc ở Đài Loan vì lối sống dân chủ và tự do ... Đừng để ứng cử viên của Trung Quốc tùy ý thay đổi cách sống của chúng ta”. Bản thân bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) khi vận động tranh cử hôm thứ Bảy (22/11) đã nói với truyền thông: ý định của Trung Quốc ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Đài Loan là rất rõ ràng và các cuộc bầu cử quan trọng trong quá khứ ở Đài Loan cũng đều thấy có bóng dáng sự can dự của Trung Quốc.

Ứng cử viên Quốc Dân Đảng Đài Loan Hà Quốc Dụ: "Nếu có cầm tiền của Trung Quốc Đại Lục, dù chỉ 1 tệ, tôi cũng sẽ ngay lập tức rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống".
Ứng cử viên Quốc Dân Đảng Đài Loan Hà Quốc Dụ: "Nếu có cầm tiền của Trung Quốc Đại Lục, dù chỉ 1 tệ, tôi cũng sẽ ngay lập tức rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống".

Ứng cử viên Quốc Dân Đảng (Kuomintang) được Trung Quốc hậu thuẫn, ông Hàn Quốc Dụ (Daniel Han Kuo-yu) đã phản bác lại thông tin của Vương Lập Cường nói Trung Quốc đã chuyển cho ông 20 triệu Nhân dân tệ (2,8 triệu USD) để vận động bầu cử, tuyên bố: “Nếu có cầm tiền của Trung Quốc Đại Lục, dù chỉ 1 tệ, tôi cũng sẽ ngay lập tức rút khỏi cuộc bầu cử tổng thống”. Ông yêu cầu các đơn vị liên quan “cần điều tra vụ việc ngay lập tức và nếu cần thiết, hãy đến Australia để kiểm tra các chứng cứ. Không nên để tái diễn tình trạng cứ đến kỳ bầu cử là xảy ra hành động bôi nhọ hoặc vu khống, gây tổn thương”.

Trung Quốc: Vương Lập Cường là tội phạm bỏ trốn!

Trong một động thái được coi là nhanh hiếm thấy, cảnh sát Thượng Hải ngay đêm khuya ngày 23/11 đã ra thông báo Vương Lập Cường “thực ra là một kẻ phạm tội lừa đảo chạy trốn”.

Theo trang tin Đông Phương, cảnh sát Thượng Hải thông báo: Vương Lập Cường 26 tuổi, quê Nam Bình, Phúc Kiến, không nghề nghiệp. Vào tháng 10 năm 2016, Cường bị Tòa án huyện Quảng Trạch, tỉnh Phúc Kiến kết án 1 năm 3 tháng tù giam vì tội lừa đảo, được hoãn thi hành án 1 năm rưỡi. Tháng 2 năm 2019, Vương Lập Cường giả mạo đầu tư vào dự án nhập khẩu ô tô và lừa đảo một thương gia họ Thúc số tiền 4,6 triệu Nhân dân tệ. Ngày 19 tháng 4, cảnh sát đã lập hồ sơ vụ án điều tra Cường vì nghi ngờ phạm tội lừa đảo. Thông báo cũng nói Vương Lập Cường đã đến Hồng Kông vào ngày 10 tháng 4 cùng năm. Tuy nhiên, sau khi xác minh, hộ chiếu Trung Quốc và giấy tờ quyền cư trú lâu dài ở Hồng Kông đều là giả mạo.

Công an Thượng Hải ra thông báo nói Vương Lập Cường là tội phạm lừa đảo bỏ trốn.
Công an Thượng Hải ra thông báo nói Vương Lập Cường là tội phạm lừa đảo bỏ trốn.

Ông Mã Hiểu Quang (Ma Xiaoguang), phát ngôn viên của Văn phòng Quan hệ Đài Loan của Trung Quốc, đã nói Trung Quốc đại lục chưa bao giờ can thiệp vào cuộc bầu cử Đài Loan. Các thông tin liên quan hoàn toàn là nực cười. Ông Mã nói: “Ai đã chế ra tin tức vào thời điểm này, ai là người có ý định can thiệp và ảnh hưởng vào cuộc bầu cử Đài Loan, ai có ý định mưu tìm lợi ích không chính đáng từ cuộc bầu cử , tin rằng đa số đồng bào Đài Loan có thể thấy rõ”.

Vương Lập Cường bác bỏ thông tin của Trung Quốc

Theo lời khai của Vương Lập Cường, anh ta năm nay 27 tuổi, trở thành một nhân viên tình báo Trung Quốc từ năm 2014. Anh ta hiện đang ở một nơi nhất định ở Sydney với thị thực du lịch và đang tìm kiếm sự bảo vệ khẩn cấp từ chính phủ Australia. Khi được hỏi lý do tại sao anh ta phản biến, Cường nói anh ta cảm thấy day dứt khi tới thăm vợ con ở Sydney hồi đầu năm. Sau vài tháng, anh ta quyết định gặp một thành viên của cơ quan an ninh Australia ASIO và trao các thông tin bí mật cho ASIO, thừa nhận trong suốt quãng đời còn lại sẽ phải sống trong sợ hãi.

Theo Đông Phương, trước những thông tin do phía Trung Quốc đưa ra, hôm Chủ nhật (24/11), Vương Lập Cường đã thông qua luật sư đưa ra tuyên bố phủ nhận anh ta là một kẻ lừa đảo. Cùng ngày, các cơ quan truyền thông Australia đã phát sóng chương trình truyền hình, trong đó Vương Lập Cường khẳng định những điều anh ta nói đều là sự thật.

Vụ án Vương Lập Cường có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia.
Vụ án Vương Lập Cường có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới quan hệ ngoại giao  giữa Trung Quốc và Australia.

Tuyên bố của Vương Lập Cường nhấn mạnh rằng bản thân anh ta không có tiền án hình sự và nói anh ta đã nộp một bản tuyên thệ cho chính phủ Australia. Anh ta sẽ tuân thủ vì biết rằng hậu quả của việc trình bày sai sẽ rất nghiêm trọng. Ông Andrew Hastie, Chủ tịch Ủy ban Tình báo và An ninh Quốc hội Australia, người trước đây đã bị Trung Quốc cấm nhập cảnh, nói rằng chính phủ Australia nên cho phép Vương Lập Cường ở lại Australia. Hiện Bộ Nội vụ Australia, chịu trách nhiệm về vấn đề nhập cư, chưa bình luận về vụ việc.

Trong chương trình “60 phút” Nine Network (Kênh 9) của Australia phát sóng vào tối Chủ nhật 24/11, Vương Lập Cường lần đầu tiên phát biểu trên TV kể lại vụ việc. Cường khẳng định lại việc mình thâm nhập vào các trường đại học của Hồng Kông, tham gia vào sự kiện Nhà sách Vịnh Causeway và giúp Thị trưởng Cao Hùng Hàn Quốc Dụ trở thành người đứng đầu Đài Loan đều là sự thật; nói Hướng Tâm, Chủ tịch Công ty “Đổi mới Trung Quốc” và “Xu thế Trung Quốc” đã tuyển mộ anh ta làm điệp viên. Cường cũng nhấn mạnh rằng nếu nói dối, chính phủ Australia sẽ không bảo vệ anh ta, “điều này không tốt cho tôi”.

Chương trình cũng phỏng vấn ông Từ Tư Kiểm (Xu Sijian), Phó Vụ trưởng Chính trị Bộ Ngoại giao Đài Loan. Ông nói rằng nếu ai hiểu về cách quản lý của chính quyền Bắc Kinh, thì sẽ không ngạc nhiên về việc họ sử dụng gián điệp để cố gắng thao túng cuộc bầu cử ở Đài Loan. Ông cũng nói, cộng đồng quốc tế nên chú ý đến Đài Loan, “bởi vì đây không phải là vấn đề giữa Đại lục và Đài Loan, mà là vấn đề của hai trận tuyến chính trị lớn trên thế giới”.

Theo Deutsche Welle, Đông Phương