'Điện thoại BlackBerry sẽ không biến mất'

Trưởng bộ phận phát triển thiết bị của BlackBerry - Ralph Pini - khẳng định và cho biết sẽ chỉ hợp tác với các hãng di động "hạng hai, hạng ba" để phát triển smartphone mới.
BlackBerry dừng phát triển phần cứng nhưng sẽ hợp tác với nhiều đối tác để tung ra những chiếc di động mới. Ảnh: Techcrunch.
BlackBerry dừng phát triển phần cứng nhưng sẽ hợp tác với nhiều đối tác để tung ra những chiếc di động mới. Ảnh: Techcrunch.

Hồi tháng 5, Ralph Pini nhận một nhiệm vụ đặc biệt: lãnh đạo nhóm phát triển thiết bị BlackBerry. Việc bổ nhiệm này được đưa ra một tháng sau khi Dâu đen công bố tình trạng khó khăn với doanh thu từ mảng thiết bị sụt giảm 30% trong quý trước.

5 tháng sau, BlackBerry đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài mang tên nhóm phát triển phần cứng, chính thức chuyển mình từ một hãng sản xuất phần cứng sang một thứ gì đó trừu tượng hơn.

BlackBerry của tương lại sẽ một phần là công ty phần mềm, một phần bán ý tưởng bằng cách cấp phép cho đơn vị khác sử dụng thương hiệu Dâu đen trên smartphone của họ.

Pini – người gia nhập BlackBerry từ năm 2012 – cho biết công bố mới đây đã có hiệu lực tại công ty từ trước khi ông được bổ nhiệm nắm giữ mảng phần cứng.

DTEK 50 là một trong những sản phẩm thuộc diện liên doanh như vậy. Sắp tới hãng sẽ cho ra mắt DTEK 60 và một smartphone dùng bàn phím QWERTY vào năm sau.
DTEK 50 là một trong những sản phẩm thuộc diện liên doanh như vậy. Sắp tới hãng sẽ cho ra mắt DTEK 60 và một smartphone dùng bàn phím QWERTY vào năm sau.

“Chúng tôi đã làm việc này được một thời gian”, Pini nói với TechCrunch. “Chúng tôi đã dừng kỷ nguyên phát triển phần cứng, thứ mà phải nói thật là có lợi nhuận thấp và cực khó cạnh tranh”.

Tháng trước, công ty này phát hành chiếc DTEK50 – thực chất là bản tùy biến của chiếc Alcatel Idol 4, đi kèm phần mềm độc quyền của công ty. “Nó được sản xuất bởi một trong những đối tác của chúng tôi”, Pini giải thích.

“Chúng tôi đảm nhận việc bán hàng và phân phối thông qua các kênh truyền thống. Bước tiếp theo sẽ là tìm kiếm thỏa thuận để mở rộng thêm các đối tác cấp phép thương hiệu và phần mềm”.

Thiết bị BlackBerry, vì thế, sẽ không bị khai tử nhưng việc thiết kế, marketing, phân phối sản phẩm có thể được đảm nhận bởi một đối tác chưa rõ danh tính nào đó.

Tháng 9 năm ngoái, CEO John Chen tự đưa ra kỳ hạn một năm để thu về lợi nhuận cho mảng di động. Nói với CNBC, ông này cho biêt: “Nếu trong tháng 9, tôi không thể tìm ra cách kiếm lời, tôi sẽ phải xem xét nghiêm túc việc đưa BlackBerry trở thành một công ty phần mềm đơn thuần”. Về phần mình, Pini gọi quyết định của công ty là “hợp lý”.

Về sự tụt dốc của BlackBerry, Pini đổ trách nhiệm cho sự dịch chuyển của thị trường: “Bạn phải đầu tư lớn vào sáng tạo và phải làm mới thị trường sau mỗi chu kỳ vài năm”.

Ông nói thêm: “Rất khó khăn để làm việc đó, trừ khi bạn kiểm soát chipset và các linh kiện bên trong để thực sự đạt được mức độ khác biệt bạn cần. Tất cả các thiết bị trên thị trường đều sử dụng chung nền tảng chipset. Và tất cả chúng đều không có khả năng tạo khác biệt về mặt phần cứng đơn thuần. Yếu tố khác biệt người dùng mong đợi sẽ đến từ phần mềm”.

Pini cũng thừa nhận họ khó có thể hợp tác với các tên tuổi lơn nhất làng điện thoại Android. Công ty đang nhắm đến các hãng thiết bị mà ông gọi là “hạng hai, hạng ba”.

Sau công bố dừng phát triển phần cứng, thỏa thuận đầu tiên họ đạt được là với BB Merah Putih – một liên doanh tại Indonesia. “BlackBerry sẽ tiếp tục hiện diện trên thị trường”, Pini cho hay. Công ty này cũng sẽ tích cực cấp phép bằng sáng chế 38.000 bằng sáng chế của họ cho những đơn vị nào cần.

Theo Zing