Điện máy Trần Anh: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận đáng bao?

Với hàng loạt chi nhánh tại các tỉnh thành trong năm qua, thực hiện nhiều đợt khuyến mại, doanh số của Công ty CP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) năm 2014 đạt 2.415 tỷ đồng nhưng chi phí phát sinh khiến lợi nhuận chỉ khiêm tốn 3,9 tỷ đồng.
Chi phí phát sinh lớn khiến lợi nhuận của Trần Anh chỉ còn 3,9 tỷ đồng
Chi phí phát sinh lớn khiến lợi nhuận của Trần Anh chỉ còn 3,9 tỷ đồng

Mới đây, Công ty CP Thế giới số Trần Anh (HNX: TAG) là một trong những đơn vị đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý IV/2014, theo đó, các chỉ tiêu kinh doanh năm 2014 đều tăng trưởng so với năm trước nhưng  lợi nhuận đem lại cho cổ đông chỉ đạt ở mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Trong quý IV/2014, Trần Anh đạt 694 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 22% so với cùng kỳ 2013. Kể từ quý đầu tiên năm 2013, mức lợi nhuận sau thuế 7,7 tỷ đồng mà TAG đạt được trong quý IV là mức cao nhất. Điều này được Trần Anh đưa ra giải trình: “do các siêu thị mới mở nửa cuối năm 2013 mới đi vào hoạt động ổn định”.

Theo đó, lũy kế cả năm 2014, Trần Anh đạt 2.415 tỷ đồng doanh thu, tăng gần 550 tỷ, tương ứng tăng 29% so với năm 2013.

Do đặc thù ngành kinh doanh thương mại bán lẻ sản phẩm điện tử dân dụng và đặc biệt trên thị trường điện máy xuất hiện rất nhiều đối thủ cạnh tranh, các chi phí của TAG phát sinh là không hề nhỏ. Riêng giá vốn hàng bán cũng tăng 547 tỷ đồng lên 2.414 tỷ đồng, tốc độ tăng gần đúng bằng tốc độ tăng doanh thu. 

Các chi phí liên quan cũng tăng đột biến. Chi phí bán hàng tăng 33% từ 162 tỷ lên 216 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng tương đối lớn.

Chính những lý do trên khiến con số lợi nhuận của Trần Anh bị co hẹp lại đến bất ngờ, lợi nhuận lũy kế năm 2014 chỉ còn 3,9 tỷ đồng. Các chỉ số tỷ suất lợi nhuận mã TAG rơi vào tình trạng đáng báo động – thậm chí chưa đạt 1%, ROA (tỷ suất lợi nhuận/doanh thu) chỉ đạt 0,16%, ROE (tỷ suất lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu) đạt 1,34%.

Trên thực tế, chiến lược tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị để thúc đẩy doanh thu và mở rộng thị phần vốn là hướng đi chủ đạo được Trần Anh kiên trì thực hiện trong các năm qua. Năm vừa rồi, Trần Anh đã liên tiếp mở thêm tới 7 siêu thị mới. Tuy nhiên, đây lại được xem là bước đi khá mạo hiểm trong bối cảnh sức mua chung của nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nào đáng kể.

Trong năm 2013 Trần Anh đã mở thêm 07 siêu thị mới tại Hà Nội nâng tổng số lượng siêu thị lên gấp 2,5 lần so với năm 2012. Trên đà phát triển, năm 2014 Trần Anh tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị tại Hà Nội và vươn ra tại các tỉnh thành khác. Theo website của Trần Anh, công ty hiện đang có 16 siêu thị điện máy tại miền Bắc, trong đó có 9 trung tâm tại Hà Nội.

Theo kế hoạch mở rộng hệ thống, năm 2015, Trần Anh Chuyên gia Điện máy sẽ phủ kín các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với chuỗi 20 siêu thị Điện máy – Máy tính – Điện thoại trước khi thực hiện kế hoạch phát triển kinh doanh tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam bộ vào những năm tiếp theo.

Sự kiện khai trương chi nhánh mới của Trần Anh thu hút lượng khách hàng khổng lồ với những chiêu khuyến mại "khủng"

Với mỗi sự kiện mở rộng, phát triển chi nhánh của Trần Anh đều nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng. Cuối năm 2014, Trần Anh liên tục khai trương siêu thị điện máy như 23/12 lấn sân vào thị trường miền Trung với Trần Anh Nghệ An hay 27/12/2014 đồng khai trương 2 siêu thị mới Trần Anh Hải Dương Trần Anh Hải Phòng .

Có thể nói, chiến lược thâm nhập sâu hơn vào thị trường các tỉnh của Trần Anh có thể xem là phù hợp, hướng đến tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn tại những địa phương này khi cạnh tranh ở thành thị đang quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, chi phí mở một siêu thị mới ở tỉnh cũng là không hề nhỏ, với độ trễ hơn 1 năm để một chi nhánh của Trần Anh đi vào hoạt động, tạo ra lợi nhuận cho công ty, thì dự kiến tình hình kinh doanh năm tới của TAG vẫn sẽ tiếp tục “dập dềnh” chờ đợi cơ hội đột phá.

Theo: An ninh tiền tệ