Điện lực Miền Bắc báo lỗ 372 tỷ đồng trong nửa đầu 2016

VietTimes -- Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVN NPC) vừa công bố Báo cáo tài chính 6 tháng năm 2016. Dù khá muộn song đây cũng có thể coi là một nỗ lực của EVN NPC trong việc thực hiện quy định về việc công bố thông tin về hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP ngày 18/09/2015 của Chính phủ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cập nhật tại thời điểm cuối quý II/2016, EVN NPC có tổng tài sản là 53.375 tỷ đồng, tăng 9,9% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả là 35.279 tỷ đồng, chiếm 66,1%; Vốn chủ sở hữu là 18.096 tỷ đồng, chiếm 33,9%.

Thông tin trong báo cáo cho thấy, kết quả hoạt động kinh doanh của EVN NPC không khả quan, mặc dù đã có sự cải thiện so với một năm trước đó.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, tổng công ty này đã lỗ 369 tỷ đồng trước thuế, sau thuế lỗ 372 tỷ đồng. Cùng kỳ 2015, thậm chí mức lỗ còn cao gấp đôi, 733 tỷ đồng.

Việc kiểm soát chi phí có thể là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến kết quả hoạt động không tốt ở EVN NPC.

Trích BCTC Quý II/2016 của EVN NPC. (Báo cáo đã được TGĐ EVN NPC ký duyệt, nhưng không thấy đề ngày tháng)

Được biết, sau khi trừ giá vốn hàng bán (35.012 tỷ đồng), tổng công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận gộp ở mức 1.435 tỷ đồng.

Song khoản lợi nhuận gộp này lại chẳng đủ để cân đối chi phí bán hàng (749 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (724 tỷ đồng).

Chưa kể doanh nghiệp còn phải gánh theo khoản chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) lên đến 432 tỷ đồng. Cập nhật đến thời điểm 30/06/2016, tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính của EVN NPC là 22.592 tỷ đồng, gồm 21.459 tỷ đồng dài hạn và 1.133 tỷ đồng ngắn hạn.

Báo cáo cũng cho thấy, dù đang vay nợ khá nhiều và phải tốn một khoản đáng kể để chi trả lãi nhưng Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc cũng có không ít “tiền gửi ngân hàng”. Không chỉ dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn (3.083 tỷ đồng) – thường được hiểu như dòng tiền lưu động cho sản xuất kinh doanh; mà còn cả tiền gửi có kỳ hạn (1.300 tỷ đồng) – khoản đầu tư tiền nhàn rỗi cho mục đích lấy lãi.

Thực tế, EVN NPC không phải là trường hợp cá biệt. Hầu hết các tổng công ty nhà EVN đều rất “sẵn tiền”, phần vì đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành.

Có thể kể đến một số cái tên như Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (6.732 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền); Tổng Công ty Phát điện 3 (2.199 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, cộng thêm 854 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn); Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (2.447 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền); Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (3.309 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền);…

Nên biết, các doanh nghiệp ngành điện luôn là đích đến của rất nhiều các khoản vốn ODA, cũng như vay nợ nước ngoài. Trong không ít trường hợp, chi phí vay vốn của các khoản này (bao gồm của trượt giá ngoại tệ vay) còn thấp hơn cả lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Việt Nam.

Thậm chí, kết quả điều tra về một số đại án ngân hàng gần đây còn hé lộ, vì "khát vốn" nhiều nhà băng yếu kém còn sẵn sàng trả "lãi ngoài" để có thể huy động được những khoản tiền gửi lớn. 

Thông tin trên Thuyết minh không đồng nhất với Bảng Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Trở lại với báo cáo tài chính mà EVN NPC công bố, theo quan sát, các dữ liệu trong bảng báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (trang 2) không cho thấy sự đồng nhất với các dữ liệu được thể hiện trong phần thuyết minh (từ trang 30 đến trang 34).

Chẳng hạn, bảng báo cáo ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ lũy kế từ đầu năm đến cuối quý II là 36.447 tỷ đồng, nhưng tại phần thuyết minh, giá trị thuyết minh lại là 56.381 tỷ đồng.

Trao đổi với VietTimes, đại diện EVN NPC ghi nhận nội dung thiếu thống nhất nêu trên. Đồng thời lý giải: Số liệu trên bảng báo cáo là số liệu chính thức, sau khi đã đối trừ đầy đủ các giao dịch nội bộ; còn các số liệu dưới phần thuyết minh là các số liệu ban đầu, chưa loại công nợ nội bộ giữa các đơn vị thành viên trực thuộc tổng công ty. Do đó, có sự khác biệt.

“Sau đây, bộ phận tài chính kế toán sẽ xem xét. Trên cơ sở đó, liên hệ với Cục Phát triển Doanh nghiệp để công bố một bản báo cáo tài chính với các số liệu thống nhất và dễ hiểu hơn cho người sử dụng”- vị này thông tin.

Được biết, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tiền thân là Công ty Điện lực 1 được thành lập theo Quyết định số 0789/QĐ-BCT ngày 05/2/2010 của Bộ Công thương về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng Công ty Điện lực miền Bắc trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại Công ty Điện lực 1 và tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước của tập đoàn Điện lực Việt Nam tại các công ty TNHH MTC Điện lực Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, hoạt động theo hình thức Công ty mẹ - Công ty con.

Hiện, EVN NPC hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh và phân phối điện năng, kinh doanh công nghệ thông tin và một số lĩnh vực kinh doanh sản xuất khác trên địa bàn 27 tỉnh, thành phố miền Bắc./.

Thu nhập tốt ở EVN NPC

Báo cáo chế độ, tiền lương, tiền thưởng mà EVN NPC công bố cho thấy, đãi ngộ đối với người lao động tại tổng công ty này là khá tốt, với mức tiền lương bình quân cho kế hoạch 2016 là 12,54 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,482 triệu đồng/người/tháng so với giá trị thực hiện trong năm 2015.

Sau khi tính thêm tiền thưởng cũng như các khoản phúc lợi khác, thu nhập bình quân cho lao động tại EVN NPC dự kiến là 13,802 triệu đồng/người/tháng.

Điện lực Miền Bắc báo lỗ 372 tỷ đồng trong nửa đầu 2016 ảnh 3

Tất nhiên, cũng phải nhận thức rằng, con số nêu trên chỉ là kết quả của một phép tính bình quân gia quyền, sau khi đã "cào bằng" thu nhập giữa 25.215 lao động ở doanh nghiệp, không phân biệt vị trí, chức vụ.

Cũng theo báo cáo, EVN NPC hiện có 27 viên chức quản lý, với mức lương cơ bản bình quân là 24,45 triệu đồng/người/tháng. Sau khi cộng thêm các khoản khác, mức thu nhập bình quân của mỗi viên chức quản lý tại đây là 38 triệu đồng/người/tháng./.