Điểm danh 6 ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam

Hiện có 6 ngân hàng nước ngoài 100% vốn được Ngân hàng Nhà nước cho phép hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù hoạt động âm thầm, không công bố thông tin, nhưng nhiều người cho rằng các ngân hàng này thu lợi nhuận khủng nhờ việc chiếm lĩnh nhiều mảng béo bở.
Điểm danh 6 ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam

1. HSBC

Ngày 1/1/2009, HSBC trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên thành lập ngân hàng con tại Việt Nam. Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam là ngân hàng con thuộc sở hữu 100% của ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải.

Hiện tại, HSBC là một trong những ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.

Ngân hàng có 1 sở giao dịch chính, 1 chi nhánh và 5 phòng giao dịch tại TP. HCM, 1 chi nhánh, 3 phòng giao dịch và 1 quỹ tiết kiệm tại Hà Nội, 4 chi nhánh tại Bình Dương, Cần Thơ, Ðà Nẵng, và Ðồng Nai và 2 văn phòng đại diện tại Hải Phòng và Vũng Tàu.

Dù vốn điều lệ không lớn (3.000 tỷ đồng), song năm 2012, HSBC Việt Nam công bố mức lợi nhuận tới 1.900 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số của ngân hàng thương mại cổ phần lớn trong nước, cùng thời điểm đó. 

Đó cũng là số liệu lợi nhuận hiếm hoi mà HSBC công khai. Hiện chưa rõ lợi nhuận mà ngân hàng này đạt được trong năm 2013, 2014 là bao nhiêu.

Theo số liệu NHNN, vốn điều lệ của HSBC Việt Nam đang là 7.528 tỷ đồng.

2. ANZ

Năm 2009, Ngân hàng Australia and New Zealand Banking Group Limited (ANZ) được NHNN cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Với mạng lưới 8 chi nhánh và phòng giao dịch, 1 quỹ tiết kiệm tại 2 thành phố Hà Nội và TP. HCM cùng 2 văn phòng đại diện tại Cần Thơ và Bình Dương, ANZ Việt Nam hiện cung cấp các dịch vụ ngân hàng thương mại bao gồm Dịch vụ Ngân hàng Bán lẻ và Quản lý Tài sản, Dịch vụ Tài chính Tiêu dùng, Dịch vụ Tài chính Thương mại và Dịch vụ Ngân hàng Bán buôn.

Hiện nay, ANZ Việt Nam có hơn 750 nhân viên. Vốn điều lệ hiện tại của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính công bố mới nhất của ANZ Việt Nam là 2013, ngân hàng này có vốn chủ sở hữu tính đến 31/12/2013 là 3.803 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế 2013 đạt 407,508 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số năm 2012 là 279,053 tỷ đồng. 

3. Standard Chartered 

Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered Việt Nam - ngân hàng 100% vốn của Standard Chartered Anh quốc chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2009.

Ngân hàng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của ngân hàng thương mại và bán lẻ cho khách hàng là các doanh nghiệp, các định chế tài chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ và khách hàng cá nhân.

Hiện tại, Ngân hàng Standard Chartered có 3 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM với gần 850 nhân viên. Vốn điều lệ của ngân hàng hiện là 3.000 tỷ đồng.

Sau hơn 5 năm hoạt động tại Việt Nam, Standard Chartered Vietnam mới duy nhất một lần công bố tổng doanh thu và lợi nhuận của năm 2010, với mức lợi nhuận trước thuế 4,2 triệu USD. 

4. Shinhan Vietnam

Năm 2008, Ngân hàng Shinhan Việt Nam được cấp giấy phép thành lập ngân hàng 100% vốn đầu tư từ Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ngày 28/11/2011, Ngân hàng Shinhan đã mua 50% cổ phần của ngân hàng Shinhan Vina (ngân hàng liên doanh với 50% cổ phần của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank và 50% cổ phần của ngân hàng Shinhan) và chính thức đổi tên thành Ngân hàng Shinhan Việt Nam.

Shinhan Vietnam Bank có vốn điều lệ mới là 4.547 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 18.000 tỷ đồng.

Như vậy, Shinhan Vietnam Bank trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài có vốn điều lệ lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, mạng lưới hoạt động của ngân hàng Shinhan Việt Nam bao gồm 1 Hội sở, 9 chi nhánh và phòng giao dịch tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh.

Ông Heo Young Taeg, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam cho biết: “Khoảng 30% số khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng Shinhan hiện nay là các công ty của Việt Nam, số còn lại là các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam. Hiện có khoảng 40 lĩnh vực sản xuất kinh doanh của các công ty Việt Nam đang có quan hệ với ngân hàng chúng tôi”.
  
Ngân hàng Hàn Quốc này hiện đang mở rộng sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng cá nhân ở Việt Nam lấy tốc độ cấp vốn thông qua hệ thống công nghệ thông tin để làm chuẩn mực hoạt động.
 
Tổng dư nợ năm 2014 của ngân hàng Shinhan tại Việt Nam tăng 25,6% đạt 941 triệu USD, trong đó dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt 879 triệu USD, dư nợ cho vay cá nhân đạt 61 triệu USD tăng 83% so với năm 2013.

5. Hong Leong Bank

Hong Leong là ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được NHNN cấp giấy phép thành lập Ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Đi vào hoạt động từ ngày tháng 10/2009, Ngân hàng Hong Leong Việt Nam đã thành lập được 4 điểm giao dịch.

Điểm danh 6 ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam ảnh 5

Tính đến nay, ngân hàng đã kết nối hơn 16.000 ATM và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ trên toàn quốc, mang lại sự thuận tiện tối đa cho khách hàng.

Tính đến cuối năm 2013, tổng lãi trước thuế của ngân hàng đạt 103,8 tỷ đồng, giảm 29,4% so với năm 2012. Hiện vốn điều lệ của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng.

6. Public Bank Berhad

Ngày 23/3/2015, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc việc PBB được nhận toàn bộ phần vốn góp của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Ngân hàng liên doanh VID Public và tiến hành các thủ tục để chuyển đổi ngân hàng này thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam của PBB.

Ngân hàng VID Public Bank được thành lập ngày 30/9/1991 với tỷ lệ vốn góp 50:50 giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với ngân hàng Public Bank Berhad (Malaysia).

Ngân hàng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/1992 đến nay, sau 3 lần tăng vốn, VID Public Bank có 62,5 triệu USD vốn điều lệ.

Sau hơn 20 năm hoạt động, ngày 15/7/2014, BIDV đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (50%) của BIDV tại Ngân hàng liên doanh VID Public (VPB) cho Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia.

Ngoài 6 gương mặt kể trên, theo thống kê của NHNN tính đến ngày 30/6/2014, hiện có 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó, nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các ngân hàng lớn trên thế giới đã xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm qua như Commonwealth Bank (Australia), ING (Hà Lan), Sumitomo Mitsui Financial Group (Nhật Bản), Deutsche Bank (Đức)... 

Lợi nhuận lớn, nhưng "che giấu" thông tin

Trong khi các ngân hàng trong nước rầm rộ công bố lợi nhuận và kết quả hoạt động năm 2014 thì khối ngân hàng nước ngoài vẫn nằm im. 

Tuy không công bố, song nhiều người trong giới ngân hàng nhận định, lợi nhuận của khối ngân hàng nước ngoài những năm qua là rất khá. Theo các chuyên gia ngân hàng, lợi nhuận khủng mà các ngân hàng thu về một phần từ thương vụ tư vấn mua bán cổ phần, thu xếp các vụ phát hành trái phiếu, bán lẻ, kinh doanh ngoại tệ, hỗ trợ các DN FDI…

Riêng trong lĩnh vực thu xếp phát hành trái phiếu, mua bán cổ phần, khối ngân hàng ngoại hiện đang nắm giữ hầu hết các khách hàng lớn trong nước.

Đơn cử, hồi đầu tháng 11/2014, HSBC, Standard Chartered Bank và Deutsche Bank đóng vai trò là tổ hợp quản lý cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD cho Chính phủ Việt Nam, với lãi suất khá thấp.

Đầu tháng 12/2014, Standard Chartered và Ngân hàng Societe Generale Corporate and Investment cũng đã hỗ trợ Masan Consumer phát hành trái phiếu thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 10 năm lần đầu tiên với sự bảo lãnh từ tổ chức đầu tư và bảo lãnh tín dụng CGIF thuộc ADB.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vụ phát hành trái phiếu quốc tế của các tập đoàn lớn trong các năm trước đó như: Vinacomin, Vingroup, BIDV, HAG...cũng đều được các ngân hàng đầu tư lớn của thế giới đang hoạt động tại Việt Nam thu xếp.  

Trong lĩnh vực bán lẻ, đầu tư, tài trợ doanh nghiệp, lĩnh vực họat động của nhóm ngân hàng ngoại cũng rất mạnh. Cụ thể, trong khi ANZ, HSBC, CitiBank... đẩy mạnh bán lẻ thì  các ngân hàng như Standard Chartered Bank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Morgan Stanley (và cả HSBC)… đẩy mạnh đầu tư.    

Những miếng bánh béo bở trên thị trường Việt Nam đang được các ngân hàng ngoại âm thầm chiếm lĩnh, đây có thể là lý do các ngân hàng ngoại lãi lớn tại Việt Nam thời gian qua.

Theo Bizlive