Địa phương ‘đua’ xin ngân sách

Tại hội nghị trực tuyến ngành tài chính với các địa phương chiều 30.12, không chỉ các tỉnh hụt thu xin bù đắp, một số tỉnh tăng thu vượt dự toán cũng muốn được giữ lại ngân sách với lý do quá nhiều thứ cần phải chi.
Địa phương ‘đua’ xin ngân sách

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết dù gặp nhiều khó khăn nhưng thu ngân sách (NS) cả nước ước tính đến 28.12 vượt dự toán Quốc hội giao hơn 5%, ước đạt 957.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, chi NS vẫn quá lớn, mức bội chi lên tới 226.000 tỉ đồng, tương đương 5% GDP. Bộ đánh giá nhiều địa phương tăng thu, tiết kiệm chi nhưng cũng có không ít địa phương chi tiêu còn lãng phí, dàn trải; kỷ luật tài chính không nghiêm.

Tỉnh nào cũng than khó

Thảo luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Sửu cho biết thành phố năm nay vượt thu nhưng nhiệm vụ chi cũng quá nhiều, trong khi lại phải điều tiết về NS T.Ư lớn. “Đối với Quỹ bảo trì đường bộ, theo quy định hiện hành, phí thu được từ ô tô phân chia cho T.Ư 65%, địa phương giữ lại 35%. Từ năm 2013 - 2015, TP.HCM thu được 2.733 tỉ đồng, nếu để lại 35% được khoảng 956 tỉ đồng, nhưng thực tế chỉ được nhận hơn 151 tỉ đồng, không đủ để duy tu, bảo dưỡng đường bộ trên địa bàn”, ông Sửu dẫn chứng và đề nghị: “Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ thực hiện đúng quy định phân bổ tỷ lệ 35% cho thành phố”.

Cũng theo ông Sửu, tỷ lệ điều tiết 23% cho NS thành phố từ nguồn thu được theo phân cấp, sau khi đảm bảo nhiệm vụ chi thường xuyên, phần còn lại quá hạn hẹp nên thành phố gặp khó khăn trong cân đối NS. Do đó, TP.HCM mong muốn được tăng tỷ lệ này lên trong thời kỳ ổn định NS mới.

Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, than phiền qua tính toán năm 2015, tỉnh bị hụt thu 781 tỉ đồng do thực hiện chính sách miễn giảm 100% thuế giá trị gia tăng cho nông sản. T.Ư đã ứng 600 tỉ đồng để bù đắp và tỉnh đã phân bổ chi 362 tỉ đồng. “Còn 248 tỉ đồng tỉnh xin được giữ lại do NS rất khó khăn, toàn tỉnh chỉ dựa vào các cây chủ lực như cà phê, cao su nhưng năm qua cả giá và sản lượng sụt giảm mạnh”, ông Ninh nói và đề nghị thêm với vị trí là tỉnh biên giới, NS đang rất eo hẹp lại phải bố trí chi nhiều nhiệm vụ thì Chính phủ xem xét hỗ trợ tỉnh thêm theo diện “đặc thù” của cả nước.

Lãnh đạo Đồng Nai cũng trình bày từ năm 2011 - 2015, nguồn vốn đầu tư phát triển của địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu nên tỉnh phải đi vay nợ. Do đó, từ năm 2016 - 2020 tỉnh mong muốn được giữ lại 70% NS thu được để bù đắp, đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ các dự án trọng điểm. Đặc biệt, vừa qua tỉnh cổ phần hóa Tổng công ty phát triển khu công nghiệp (Sonadezi), bán vốn sở hữu của nhà nước thu về 1.380 tỉ đồng, Đồng Nai xin được giữ lại khoản này. Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng mong muốn tiền thu cổ phần hóa theo quy định phải nộp về Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp (DN) do T.Ư quản lý, có thể xem xét để lại cho tỉnh nhà tái đầu tư cho các DN sau cổ phần hóa.

Trong khi đó, đại diện TP.Cần Thơ đề nghị Bộ Tài chính xem xét đối với các đơn vị gặp khó khăn không có khả năng trả nợ một lần được cam kết trả nợ làm nhiều tháng trong năm, không cần bảo lãnh của các tổ chức tín dụng. Thứ hai, cho phép khoanh hoặc xóa nợ đối với DN đã phá sản, giải thể, mất tích, bỏ địa chỉ kinh doanh. Hiện Cần Thơ còn 500 DN thuộc đối tượng trên không còn khả năng thu hồi thuế.

“Giật mình” vì chi thường xuyên quá lớn

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá năm nay ngành tài chính thu vượt dự toán là cố gắng lớn, qua đó không phải dùng 10.000 tỉ đồng tiền bán vốn của DN nhà nước để bù đắp.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng vẫn cho rằng cân đối NS rất khó khăn, bội chi cao, chưa đạt được mục tiêu giai đoạn 2011 - 2015. “Hôm trước tôi giật mình chi thường xuyên tăng nhanh quá, tăng cao hơn cả tăng thu nên NS khó là đúng thôi. Phải cơ cấu lại khoản chi này”, Phó thủ tướng nói.

Đối với những áp lực nợ công, Phó thủ tướng yêu cầu cần đặt ra bài toán để giải quyết, không chỉ 2015 mà cả nhiệm kỳ phải cơ cấu lại cho nợ công quay về tình trạng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý thực trạng đáng lo ngại hiện nay là NS chi lương quá lớn cho các đơn vị sự nghiệp. Tính đến cuối năm 2014, tỷ trọng chi lương cho đơn vị sự nghiệp chiếm gần 39% tổng chi lương toàn hệ thống, trong khi đó cơ quan hành chính từ T.Ư đến xã chưa đến 9%. Với hơn 55.800 đơn vị sự nghiệp công, theo Phó thủ tướng là “quá nhiều, quá lớn” khiến mấy năm nay không tăng được lương, trong khi chất lượng và dịch vụ vẫn chưa tốt, người dân còn than phiền nhiều.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định năm tới sẽ quán triệt tinh thần tiết kiệm triệt để, đặc biệt chi thường xuyên. “Đào tạo ở nước ngoài, hội nghị hội thảo, mua sắm xe công… phải cắt giảm để dành tiền tăng lương”, ông Dũng nói. Bên cạnh đó, cần siết lại kỷ luật chi tiêu trước tình trạng nhiều tỉnh, thành còn buông lỏng để nợ đọng nhiều; chi tiêu vượt định mức, giới hạn. “Lực lượng tài chính từ T.Ư đến địa phương phải gương mẫu, kiểm tra kiểm soát làm sao chuyển biến mạnh, quản lý đồng tiền hiệu quả và tiết kiệm hơn”, ông Dũng chỉ đạo.

Theo Thanh Niên