Washington tuyên bố tiếp tục tuần tra biển Đông, Trung Quốc triệu đại sứ Mỹ

Ngày 27-10, quan chức Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục điều thêm tàu chiến tới gần những khu vực đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh Max Baucus để phản ứng về sự thách thức trực tiếp yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh...
Tàu khu trục USS Lassen - Ảnh:Reuters
Tàu khu trục USS Lassen - Ảnh:Reuters

Theo AFP, tuyên bố được đưa ra sau khi tàu khu trục USS Lassen của Mỹ kết thúc chuyến tuần tra đầu tiên trong khu vực 12 hải lý ở ít nhất một trong những đảo do Trung Quốc bồi đắp và đơn phương tuyên bố chủ quyền thuộc quần đảo Trường Sa vào sáng thứ ba (27-10).

Ngay lập tức Bắc Kinh có động thái phản ứng bằng việc triệu tập đại sứ Mỹ tới và chỉ trích cái mà Trung Quốc gọi là nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ nước này.

“Chúng tôi sẽ còn tuần tra nữa”, quan chức Mỹ không nêu tên nói với AFP. “Chúng tôi sẽ đưa tàu tới hoạt động trong các vùng biển quốc tế ở mọi khu vực cũng như thời điểm theo lựa chọn của chúng tôi”.  

Cũng theo vị quan chức này, tàu USS Lassen ngày 27-10 đã tuần tra qua các vùng biển ở gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Cuộc tuần tra kéo dài khoảng hai giờ.

Trung Quốc nói hai tàu của họ đã theo sát tàu USS Lassen. Một quan chức Mỹ cũng cho biết vẫn có liên lạc “như thông lệ” giữa các tàu của Mỹ và Trung Quốc.

Trước đó, điều trần trước Ủy ban quân vụ thượng viện Mỹ sau khi tàu USS Laissen đã hoàn tất cuộc tuần tra, Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter đề nghị triển khai thêm những hoạt động trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp.

Ông Carter nói: “Chúng tôi đang hành động trên cơ sở rằng chúng tôi sẽ bay, đi tàu và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép và bất cứ khi nào chúng tôi có nhu cầu hoạt động như vậy”.

Washington lặp lại quan điểm cho rằng Mỹ không thừa nhận chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố với các vùng biển xung quanh những đảo nhân tạo mà nước này tự ý bồi đắp và xây dựng thời gian qua.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết Trung Quốc đã triệu đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh Max Baucus để phản ứng sau khi Washington đưa ra thách thức quân sự trực tiếp với chính sách đòi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

CCTV dẫn lời Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại nói với đại sứ Baucus rằng Mỹ đã hành động “cực kỳ vô trách nhiệm” về việc tàu khu trục USS Lassen đã xuất hiện trong khu vực quần đảo Trường Sa vào khoảng 6g40 sáng 27-10 và đã lưu lại đó nhiều giờ.

Giới chức Mỹ cho biết khi triển khai nhiệm vụ cho tàu USS Lassen, Washington không thông báo cho Trung Quốc biết.

Tại buổi họp báo thông tin về vụ việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã cao giọng chỉ trích Mỹ và cho rằng Bắc Kinh vô cùng thất vọng về hạnh động của Mỹ.

“Đây là một hành động đe dọa chủ quyền Trung Quốc” - ông Lục nói mạnh miệng.

Song, người phát ngôn này từ chối trả lời câu hỏi liệu Trung Quốc có xem xét khả năng phản ứng quân sự hay không. Ông Lục đe dọa nếu “có thêm hành động khiêu khích” thì có thể dẫn đến việc Trung Quốc sẽ tăng tốc xây dựng ở Biển Đông.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy các phương tiện nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động ở bãi Đá Vành Khăn - Ảnh: Reuters
Hình ảnh vệ tinh cho thấy các phương tiện nạo vét của Trung Quốc đang hoạt động ở bãi Đá Vành Khăn - Ảnh: Reuters

Đang dự hội thảo khoa học ở Bắc Kinh nhưng Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng cảnh báo Washington hãy hành động thận trọng để tránh bị kích động.

“Tôi yêu cầu Mỹ hãy suy nghĩ thận trọng và không hành động vội vàng cũng như gây ra những rắc rối không đáng có” - Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời ông Vương nói. Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng động thái của Mỹ là nhằm vào Trung Quốc vì từ lâu Mỹ đã có những định kiến không hay về Bắc Kinh.

Giám đốc Viện nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc Ngô Sĩ Tồn tức tối phản ứng rằng: "Các người có thể thấy Mỹ có thành kiến như thế nào với Trung Quốc. Họ muốn phản đối Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”.

Tại diễn đàn Hiệp hội Các nhà báo nước ngoài (Focap) đang diễn ra ở thành phố Paranaque, Tổng thống Philippines Benigno Aquino bình luận ông thấy hành động của Mỹ không có gì sai trái.  

“Các cuộc tuần tra ở Biển Đông là sự cân bằng quyền lực. Tôi cho rằng mọi người sẽ hoan nghênh sự cân bằng quyền lực ở bất kỳ đâu trên thế giới” -  Nhật báo Inquirer dẫn lời Tổng thống Aquino nhấn mạnh.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng sân bay ở đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh:Reuters
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây dựng đường băng sân bay ở đảo Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh:Reuters

Hiệu trưởng Trường cao đẳng An ninh quốc gia Úc Rory Medcalf nhận định động thái của Mỹ là một lời cảnh báo Trung Quốc không được “quá lố” khi đưa ra tín hiệu rằng Mỹ không được chào đón ở Biển Đông.

Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne nhấn mạnh Canberra không liên quan đến sự kiện ngày 27-10 nhưng tỏ ý ủng hộ hành động của Washington. 

“Rất quan trọng để nhận ra rằng tất cả các quốc gia đều có quyền theo quy định của luật pháp quốc tế về tự do hàng hải và tự do hàng không, kể cả ở khu vực Biển Đông. Úc ủng hộ mạnh mẽ những quyền này” - Bộ trưởng Payne nhấn mạnh. 

 Theo Tuổi trẻ