Cuối tuần qua, Lầu Năm Góc thông báo họ đã đạt được thỏa thuận triển khai lực lượng tại 5 căn cứ quân sự ở Philippines. Đây là một phần của Hiệp định Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA) mà Washington và Manila đã ký cuối năm ngoái. Nó cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở các cơ sở cũ tại Philippines, với các loại tàu và máy bay để phục vụ các hoạt động đảm bảo an ninh hàng hải và nhân đạo.
Theo đó, 5 căn cứ quân sự mà Mỹ được sử dụng là căn cứ không quân Antonio Bautista, căn cứ không quân Basa, căn cứ Fort Magsaysay, căn cứ không quân Lumbia và căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen. Thỏa thuận được thông báo trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở Biển Đông, như đưa tên lửa và máy bay trái phép đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, lắp đặt trạm radar ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam...
5 căn cứ quân sự đầu tiên mà Philippines cho phép Mỹ triển khai lực lượng. Đồ họa:CNN
Vị trí sát nơi Trung Quốc tiến hành hoạt động phi pháp
Căn cứ không quân Antonio Bautista là một trong những cơ sở chiến lược ở đảo Palawan. Báo PhilStar cho biết, nơi này cách Đá Vành khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khoảng 300 km về hướng đông. Hồi tháng 9/2015, ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây đường băng trên bãi đá này. Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cảnh báo những bãi đất phía bắc, tây và nam ở Vành Khăn sau khi cải tạo đã được nối liền và gia cố bằng kè bờ. Trung Quốc cũng mở rộng lối vào ở phía nam, nên nước này có thể sẽ biến nơi đây trở thành một căn cứ hải quân.
Do vậy, qua việc được triển khai lực lượng đến căn cứ Antonio Bautista, nhà phân tích Jan van Tol, cựu đại úy hải quân Mỹ, nói vị trí này "giúp quân đội Mỹ tiến gần hơn đến khu vực mà Trung Quốc đang thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền sai trái của họ, điều mà chúng ta khẳng định là những hoạt động bất hợp pháp".
Trong khi đó, căn cứ không quân Basa vốn là nơi do Lục quân Mỹ xây dựng trước giai đoạn Thế chiến 2, vị trí hướng ra Biển Đông. Nơi này nằm cách bãi cạn Scarborough khoảng 330 km. Trung Quốc đã chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ Philippines hồi năm 2012 sau một đụng độ căng thẳng. Ngày 18/3, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, cho hay một số tàu Trung Quốc đã hoạt động quanh bãi cạn Scarborough của Philippines, có thể là tiền đề cho việc bồi lấp mới ở Biển Đông.
Giới quan sát từng dự báo động thái kế tiếp của Trung Quốc sẽ diễn ra ở bãi cạn Scarborough. Đây là bãi cạn duy nhất ở phần phía đông Biển Đông gần Philippines mà không bị chìm hoàn toàn. Trung Quốc vẫn thiếu căn cứ để kiểm soát phía đông Biển Đông, nên rất có thể Bắc Kinh sẽ sớm tiến hành cải tạo bãi Scarborough để phục vụ ý đồ quân sự.
Quân đội Mỹ sẽ tiến sát đến khu vực gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang xây dựng đường băng trái phép. Ảnh:AMTI
Căn cứ Fort Magsaysay nằm ở phía bắc đảo Luzon và chính là cơ sở quân sự lớn nhất của Philippines. Đây cũng là một trong những điểm huấn luyện quân sự của quân đội Philippines và có một đường băng lớn để máy bay quân sự hoạt động.
Trong khi đó, căn cứ không quân Lumbia nằm ở phía nam đảo Mindanao, kết nối với một sân bay dân dụng. Báo chí Philippines cho biết Mỹ sẽ sớm thiết lập một cơ sở tại đây. Còn căn cứ không quân Mactan-Benito Ebuen nằm trên đảo Mactan ở miền trung Philippines. Đây vốn là nơi do không quân Mỹ xây dựng, trước khi lực lượng Mỹ rút hoàn toàn vào đầu thập niên 1990.
Trung Quốc tức giận
Qua thỏa thuận mới nhất với Philippines, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định "Mỹ rất nghiêm túc với chính sách tái cân bằng, hướng về châu Á - Thái Bình Dương".
Ông Kirby cũng nhấn mạnh rằng việc Lầu Năm Góc triển khai lực lượng đến khu vực "không khiêu khích hay công kích" bên nào. "Đây không phải là hành động nhắm vào Trung Quốc hay bất kỳ ai, mà là việc Mỹ thực hiện các cam kết an ninh đối với đồng minh Philippines", ông nói.
Đối với Philippines, thỏa thuận bước đầu này sẽ giúp xây dựng năng lực quân sự cho quân đội Philippines, vốn bị đánh giá là một trong những lực lượng yếu nhất ở châu Á. Đây cũng là vấn đề then chốt với Philippines để phát triển khả năng mà giới hoạch định quốc phòng gọi là "sự răn đe tối thiểu", trong bối cảnh nước này đối diện nhiều mối đe dọa, bao gồm các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trung Quốc hiển nhiên không thể làm ngơ trước việc Mỹ sắp đưa quân đến rất gần nơi mà Bắc Kinh tiến hành các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 21/3 yêu cầu hợp tác Mỹ - Philippines không nên nhằm vào bên thứ ba nào, hay gây tổn hại đến chủ quyền, lợi ích an ninh của quốc gia khác.
Bà Hoa cũng chỉ trích ngược Washington rằng: "Mỹ luôn nói về các hoạt động quân sự hóa, vậy họ sẽ giải thích thế nào khi muốn đưa lực lượng đến khu vực?".
Giới quan sát nhận định, để tránh gây phản ứng dữ dội từ phía Trung Quốc, Mỹ sẽ tiến hành triển khai lực lượng đến căn cứ ở Philippines một cách chậm rãi. "Bởi nếu quân đội Mỹ bất ngờ hiện diện với quy mô lớn, dù là theo cơ chế luân phiên, Bắc Kinh chắc chắn cho rằng nó góp phần vào sự đối đầu Trung - Mỹ trên Biển Đông", ông Jan van Tol nói với báo Military Times.
Theo Zing