Thổ Nhĩ Kỳ động binh Syria ắt “gặp Việt Nam“

VietTimes -- Thường người ta dễ dàng dấn vào các cuộc xung đột phức tạp như vậy, nhưng lại cực kỳ khó thoát ra như kinh nghiệm cay đắng của Mỹ và Liên Xô tại Việt Nam và Afghanistan trước đây. Đó là nhận định của International Policy Digest, cho rằng điều quân vào Syria sẽ là sai lầm chết người của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ tập trung binh lực, tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào Syria
Thổ Nhĩ Kỳ tập trung binh lực, tuyên bố sẵn sàng can thiệp vào Syria

Cuộc chiến Syria có thể sẽ có thêm hai bên nữa trực tiếp tham chiến trong những ngày sắp tới là Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Tuần trước, ngoại trưởng Thổ Mevlut Cavusoglu đã nói về khả năng cả hai quốc gia sẽ triển khai lực lượng bộ binh tại Syria để chiến đấu chống IS. Ngay sau thông báo trên, Thổ đã pháo kích nhiều vị trí của người Kurd ở miền bắc Syria.

Thông tin này làm dấy lên những câu hỏi nghiêm túc về những ý đồ của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh quân đội Syria bắt đầu giành lại nhiều khu vực lãnh thổ chính phủ từng bị mất tại tỉnh Aleppo và phiến quân đang tháo lui. Thổ Nhĩ Kỳ có thể nghĩ rằng một động thái như vậy có thể đạt được các mục đích địa chính trị của họ. Tuy nhiên Ankara có thể dính đòn hồi mã thương và cần phải phân tích kỹ lưỡng.

Vấn đề trước tiên liên quan việc Thổ không có khả năng quyết định ai là kẻ thù thực sự. Họ là đảng công nhân người Kurd (PKK) và người Kurd Syria do PYD lãnh đạo hay những nhóm Hồi giáo khác như IS, Jabhat al-Nusra và Ahrar al-Sham? Năm ngoái, sau khi đồng ý cho liên quân do Mỹ dẫn đầu sử dụng căn cứ không quân Incirlik để chống IS, Thổ bắt đầu pháo kích cả IS và PKK, nhưng sau đó sớm chuyển sự tập trung vào PKK.

Thậm chí hiện nay, chỉ sau khi thông báo ý định điều quân vào Syria chống IS, hành động đầu tiên của Thổ là nã pháo vào các vị trí người Kurd ở miền bắc Syria. Do đó, không rõ thực sự Thổ Nhĩ Kỳ muốn chiến đấu với PKK, PYD hay IS.

Mặt khác, Thổ có thể muốn đương đầu IS, lực lượng được cho là phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công khủng bố gần đây tại Istanbul. Và không giống như các vụ đánh bom tại Diyarbakir và Suruc năm ngoái chủ yếu nhằm vào người Kurd, vụ khủng bố ở Istanbul tấn công một trung tâm du lịch và giết chết nhiều công dân Đức. Hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy hoại hơn nữa như một điểm du lịch an toàn, vốn đã tuột dốc thê thảm từ năm ngoái.

Ngoài ra, điều có vẻ dễ lý giải hơn là Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn chặn người Kurd Syria thành lập một khu lãnh địa riêng ngay phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ và Syria có chung 822km đường biên và người Kurd Syria định chiếm 90km chiều dài lãnh thổ từ Jarablus tới Azaz. Việc này sẽ kết nối khu người Kurd ở Kobane và Afrin và hoàn tất một khu tự trị người Kurd ở biên giới phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Nó cũng cắt đứt các tuyến đường tiếp tế dùng để cung cấp vũ khí, đạn dược cho các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia  hậu thuẫn chống chế độ Assad. Tổng thống Thổ Erdogan liên tục cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của người Kurd nhằm tiến sang phía tây sông Euphrates sẽ vượt qua lằn ranh đỏ mà ông ta tin rằng PYD sẽ liên thủ với PKK.

Do đó, theo kịch bản này, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ động thủ để bảo vệ lợi ích của mình và mở chiếc hộp Pandora khiến phải hối tiếc sau đó.

Vấn đề trước tiên Thổ phải đối mặt sẽ là tính hợp pháp của chiến dịch mà Liên hợp quốc khả năng không cho phép. Lực lượng người Kurd Syria do PYD lãnh đạo hiện nhận được ủng hộ của cả Mỹ và Nga. Thậm chí kể cả khi Thổ thắng lợi với việc bảo đảm phái đoàn PYD không được mời tham gia hoà đàm tại Geneva, Ankara vẫn thua cuộc khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nhắc đi nhắc lại rằng Mỹ ủng hộ PYD và xem lực lượng này là “đối tác” trong cuộc chiến chống IS.

Một tuyên bố như vậy về phía Mỹ có vẻ hợp lý trong bối cảnh YPG (cánh quân sự của PYD) đã nổi lên như một trong những lực lượng chiến đấu tốt nhất chống IS. Nga cũng nhắc nhở rằng sẽ không thể có giải pháp cho Syria nếu không có sự tham gia của PYD. Với PYD nhận được sự ủng hộ rộng rãi như thế, Thổ Nhĩ Kỳ và Erdogan sẽ gặp khó khi ra tay chống người Kurd mà không vấp phải chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Việc liều lĩnh động binh cũng sẽ khiến Thổ trả giá đắt trên chiến trường và dẫn tới thương vong lớn. Thổ đã tiến hành cuộc chiến chống PKK và nếu như nước này quyết định điều quân vào Syria, PKK sẽ lợi dụng tình thế để tăng cường chống quân Thổ. YPG cũng đã nổi lên là lực lượng rất hiệu quả sau nhiều năm chiến đấu chống IS và các nhóm phiến quân khác và sẽ có ưu thế và gây khó khăn lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Song thách thức lớn nhất, không hồ nghi gì chính là xung khắc Nga-Thổ.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tự bắn vào chân mình khi bắn hạ máy bay Su-24 Nga vào ngày 24/11/2015 vì cáo buộc vi phạm không phận nước này. Sự kiện trên đã khơi bùng căng thẳng giữa hai phía và vẫn chưa hề lắng dịu kể từ đó tới nay. Thực tế, Thổ lại cáo buộc Nga xâm phạm không phận vào ngày 30/1 vừa qua và thậm chí còn la lối đó là sự “vi phạm không phận NATO”. Tuy nhiên, NATO là một liên minh phòng thủ tập thể và trong trường hợp một cuộc xâm lược không được phép nhằm cứu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây leo thang căng thẳng thêm với Nga.

Tuy nhiên, Nga dường như đang đợi Thổ phạm một sai lầm như vậy để có thể trả thù vụ bắn hạ máy bay Su-24. Bất cứ động thái tiến quân nào của bộ binh cũng đòi hỏi phải có hỗ trợ không quân và Nga đã thiết lập một vùng cấm bay trên thực tế tại miền bắc Syria.

Bất cứ nỗ lực nào thách thức Nga đều có thể trả giá đắt với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Moscow cũng đã triển khai các chiến đấu cơ Su-34 và Su-35 vượt trội về công nghệ kỹ thuật so với các chiến đấu cơ F-16 của Thổ và Su-24 từng bị bắn hạ.

Siêu tiêm kích Su-35S của Nga đã trực chiến tại Syria
Siêu tiêm kích Su-35S của Nga đã trực chiến tại Syria

Nên nhớ tất cả các nhân tố trên, Thổ Nhĩ Kỳ tốt nhất được khuyên đôi khi hãy quên mục tiêu địa chính trị hẹp hòi của họ và tập trung vào một giải pháp mang tính xây dựng cho cuộc xung đột Syria. Tổng thống Thổ Erdogan và thủ tướng Davutoglu nên nhớ rằng một động thái như vậy có thể giúp họ gia tăng ủng hộ của một số thành phần dân tộc chủ nghĩa cho mục đích chính trị, nhưng về dài hạn sẽ chỉ dẫn tới sụp đổ.

Khi con số thương vong tăng lên, sẽ chỉ khiến vị thế của Erdogan càng lung lay hơn. Trên thực tế, nó cũng gây phản kháng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng vốn nổi tiếng với những vụ lật đổ chế độ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thường người ta dễ dàng dấn vào các cuộc xung đột phức tạp như vậy, nhưng lại cực kỳ khó thoát ra như kinh nghiệm cay đắng của Mỹ và Liên Xô tại Việt Nam và Afghanistan trước đây.

T.N