Tập Cận Bình “cắt dạ dày”, quân đội Trung Quốc bất mãn?

Theo báo South China Morning Post (Hong Kong) một số sỹ quan Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã công khai thể hiện sự thất vọng hiếm hoi trước mức tăng ngân sách quốc phòng “khiêm tốn” của nước này trong năm 2016.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc luyện tập
Binh sĩ quân đội Trung Quốc luyện tập

Theo South China Morning Post, các sỹ quan quân đội và các nhà phân tích cho biết mức tăng ngân sách “thấp một cách ngạc nhiên” đã cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không sợ xúc phạm đến các sĩ quan quân đội cấp cao, đồng thời chứng tỏ khả năng kiểm soát quân đội của nhà lãnh đạo này thông qua các công cụ tài chính. Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc hôm 6/2 tuyên bố ngân sách quốc phòng của nước này trong năm 2016 sẽ tăng 7,6%, lên 954 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 150 tỷ USD), thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,1% của năm 2015 và là lần đầu tiên ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 1 con số kể từ năm 2010, thời điểm ngân sách quốc phòng Trung Quốc chỉ tăng 7,5%.

South China Morning Post cho biết, phát biểu tại kỳ họp của Chính Hiệp nhân dân diễn ra song song với kỳ họp Quốc hội, nguyên Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tiền Lợi Hoa cho rằng mức tăng ngân sách năm nay là một sự “sụt giảm lớn”. Ông Tiền Lợi Hoa nói: “Trước khi diễn ra kỳ họp Lưỡng hội 2016, một số phương tiện truyền thông phương Tây dự đoán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể tăng lên 20%. Kết quả là mức tăng ngân sách không chỉ thấp hơn nhiều so với dự đoán của truyền thông phương Tây mà còn kém xa dự đoán ban đầu của tôi”.

Ngoài ra, thiếu tướng hải quân về hưu Doãn Trác, đồng thời cũng là một cố vấn chính trị nhà nước giống ông Tiền Lợi Hoa, cho rằng mức tăng chi phí quốc phòng nên tương xứng với kinh tế đất nước, tuy nhiên nó cũng cần tương ứng với nhu cầu an ninh của đất nước. Phát biểu với Đài Phát thanh quốc gia Trung Quốc, viên tướng này cho biết: “Chúng ta không nên kìm hãm sự phát triển quân sự… bởi vì các thách thức an ninh ở xung quanh chúng ta, đặc biệt là trên biển, đang ngày càng gia tăng”.

Theo Doãn Trác: “Trung Quốc sẽ không cạnh tranh với Mỹ trong việc xây dựng vũ trang hay tình trạng năng lực, nhưng tỷ lệ hiện tại của chi phí quốc phòng so với GDP (1,5%) là quá thấp, tôi nghĩ từ 2-2,5% là tối ưu nhất”. Doãn Trác cho biết thêm: “Chúng ta đang cắt giảm 300.000 binh lính – chúng ta cần thêm nguồn lực để giúp những cựu quân nhân này tái định cư”. Trong khi đó, tại phiên khai mạc Hội nghị Chính hiệp hôm 3/3, nguyên Phó tư lệnh Quân khu Nam Kinh Vương Hồng Quang cho rằng PLA cần tăng ngân sách quốc phòng 20% để đáp ứng tình trạng hiện đại hóa của lực lượng này cũng như những thách thức ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tập Cận Bình vừa
Tập Cận Bình vừa "đả hổ" trong quân đội vừa cắt giảm quân số và ngân sách quốc phòng, động thái có thể gây sự bất mãn

Trước đó, hồi tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc đồng thời là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình tuyên bố cắt giảm 300.000 binh lính, phần lớn là lực lượng không trực tiếp chiến đấu, một phần nỗ lực nhằm tái cơ cấu lực lượng quân đội lớn nhất thế giới trở thành lực lượng tinh nhuệ, hiện đại. Tuyên bố này diễn ra tiếp theo sau cú “ngã ngựa” của hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, cùng cựu Phó Chủ nhiệm Tổng Cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn trong cuộc chiến chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Một nguồn tin cho biết: “Đó là một động thái thông minh khi tiến hành chiến dịch chống tham nhũng trước khi cắt giảm quân đội, bởi vì một số sĩ quan quân đội cấp cao cảm thấy lo sợ sau cú “ngã ngựa” của quá nhiều “hổ lớn””.

Nguồn tin cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thể hiện với quân đội rằng ông đang kiểm soát kế sinh nhai của họ. Theo nguồn tin trên: “Không giống như Đặng Tiểu Bình, người cắt giảm 1 triệu quân số vào những năm 80 của thế kỷ trước, Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo quân đội với nền tảng dân sự, vì vậy ông ta phải sử dụng chiến dịch chống tham nhũng, vấn đề vốn được quần chúng ủng hộ, và các biện pháp tài chính để xây dựng uy tín cá nhân của ông ta”. Mức tăng ngân sách quốc phòng thấp hơn mong đợi đã phát đi một thông điệp, trong bối cảnh kinh tế đang giảm tốc, ông Tập Cận Bình sẽ không còn trao cho quân đội “những viên kẹo bọc đường”.

Cả Vương Hồng Quang và Tiền Lợi Hoa đều chỉ ra những thách thức đối với quân đội tiếp sau cuộc cải tổ từ 7 quân khu thành 5 vùng tác chiến, và những thách thức ở biển Hoa Đông và Nam Hải, nơi Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng và Mỹ đang thể hiện sự can dự ngày càng gia tăng. Nhà quan sát quân sự có trụ sở ở Macau Hoàng Đông cho rằng cách tiếp cận của Chủ tịch Tập Cận Bình là “rủi ro cao”. Chuyên gia Hoàng Đông nói: “Ông Tập đang trao cho PLA nhiều nhiệm vụ hơn, nhưng mặt khác, ông lại cung cấp cho họ ít nguồn lực hơn… Đây có thể là một động thái phản tác dụng nếu ông Tập Cận Bình thất bại trong việc hối thúc các sĩ quan cấp cao trong quân đội nghe theo ông ta”.

Quan sát báo chí Trung Quốc sau thông báo về ngân sách quốc phòng 2016 có thể thấy nước này trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường hành động quân sự trong các vùng biển xung quanh nhằm chiếm quyền kiểm soát, đồng thời ngăn chặn Mỹ và đồng minh. Trong đó, tàu sân bay được cho là sẽ đóng vai trò chủ lực. Tuy nhiên, theo nhận định của Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) thuộc Lầu Năm Góc, các tàu sân bay của quân đội Trung Quốc sẽ không thể cạnh tranh với khí tài cùng loại của Mỹ.