Hai tuần báo Pháp L’Express và L’Obs đều quan tâm đến thời sự Syria. «Bashar al-Assad phục thù» là tít lớn trên trang bìa của L’Express. Nếu như mới hôm qua gần như hấp hối, thì hôm nay chế độ Damascus hô vang chiến thắng. Iran cứu họ thoát khỏi bị đắm, nước Nga tặng họ một cơ hội tái chinh phục, nhưng chưa hẳn là một sự đảm bảo suốt đời.
Bên cạnh đó, cuộc chiến tại Syria còn cho thấy uy lực của các loại vũ khí: yểm trợ không kích, trực thăng tấn công, lực lượng đặc nhiệm … Khi đến hỗ trợ đội quân của Damas vốn đã bị suy yếu, nước Nga đã làm thay đổi cục diện dòng chiến sự.
Trên địa bàn, chiến lược của Nga không mấy gì khác so với chiến lược của liên quân quốc tế, do Hoa Kỳ dẫn đầu tại Iraq: Đó là hỗ trợ các lực lượng địa phương, không can thiệp trực tiếp trên bộ, theo như khẳng định của đại tá Michel Goya.
Có khác chăng là quân nhân Mỹ hay Pháp chỉ đóng vai trò cố vấn luôn đứng ở phía sau, còn các «sĩ quan huấn luyện» Nga, vốn có khả năng điều khiển cả chiến xa, thì tiếp xúc nhiều hơn với các đội quân trên tuyến đầu. Bên cạnh đó, Matxcơva triển khai cả đội quân hùng hậu: máy bay không người lái, trực thăng và chiến đấu cơ, các lực lượng đặc nhiệm, còn có cả những đội lính đánh thuê được trang bị các loại vũ khí đời mới nhất cũng như là các khẩu đại pháo.
Syria không chỉ là nơi để phô trương sức mạnh quân sự mà còn là «sàn diễn của những ông lớn», L’Express nhận xét. Nói một cách chính xác là giữa Washington và Matxcơva. Có ai tin rằng Mỹ và Nga phối hợp ăn ý trên chiến trường Syria?
Bằng chứng cụ thể là trên bình diện quân sự, kể từ khi Nga tham chiến, chưa có một sự cố nào xảy ra giữa các chiến đấu cơ của Nga và liên quân. Đôi bên cùng nhau trao đổi thông tin các kế hoạch bay và sử dụng chung một tần số radio cho những cuộc gọi viện binh.
Sự cẩn trọng này còn được áp dụng trong việc chọn lựa các mục tiêu tấn công. Nếu như IS nằm trong tầm ngắm của liên quân quốc tế, thì quân nổi dậy chống ông al-Assad, mặt trận al-Nusra lại là mục tiêu tấn công của Nga.
Về mặt ngoại giao, Washington và Matxcơva cuối cùng cũng đã đưa ra được một lệnh ngừng bắn vào ngày 27/2/2016. Như vậy, 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, Nga và Mỹ một lần nữa xuất hiện như là những cường quốc duy nhất có khả năng áp đặt luật chơi với các bên tham gia.
Một bước tiến ngoài sự mong đợi của Matxcơva, hiện vẫn đang nằm dưới các lệnh trừng phạt của quốc tế do việc sáp nhập vùng Crimea vào lãnh thổ Nga hồi tháng 3/2014 và vai trò tích cực của Nga bên cạnh phe ly khai đông Ukraine.
Vấn đề còn lại là phải tránh khỏi bị sa lầy. Vì điều này, mỗi bên gây áp lực lên phe cánh của mình : Washington dường như đã thuyết phục được phe đối lập tham gia đàm phán hòa bình tại Geneve, diễn ra từ ngày 13/4. Trong khi đó Nga đứng ra bảo đảm việc Damascus tôn trọng lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry liên tục đến gặp đồng nhiệm Nga, Serguei Lavrov, cứ như bạn bè thuở hàn vi vậy, báo Pháp nhận xét.