Nga-Syria đại thắng Palmyra, IS thảm bại, Mỹ bẽ bàng

VietTimes -- Chiến thắng Palmyra là thất bại lớn nhất của IS và đồng thời gây ra vấn đề với Mỹ. Bởi lẽ trước nay Washington luôn cố mô tả cuộc chiến chống IS là của Mỹ và đồng minh, trong khi cáo buộc Moscow tấn công phiến quân “ôn hòa” thay vì IS.
Quân đội Syria mừng chiến thắng tại Palmyra
Quân đội Syria mừng chiến thắng tại Palmyra

Việc quân đội Syria với sự hỗ trợ của Nga giành lại được thành phố cổ Palmyra từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một cột mốc quan trọng về mặt chiến lược. Đây là bước đầu để Damascus giành lại hai thành trì trong tay quân thánh chiến, Deir Ezzor, Raqqa, đánh đuổi IS ra khỏi lãnh thổ Syria.

Trong cuộc chiến Syria, ngày 27/3 là một cột mốc quan trọng. Quân đội trung thành với tổng thống Bashar Al Assad chính thức chiếm lại được thành phố cổ hơn 2000 năm Palmyra. Trong 11 tháng chiếm đóng, Daech đã đốt phá nhiều di tích khảo cổ vô cùng quý giá của nhân loại tại khu vực từng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học Và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO công nhân là di sản văn hóa thế giới.

Khi được giải phóng, sau một chiến dịch quân sự kéo dài trong ba tuần lễ, Palmyra là một thành phố không người. Hầu hết dân cư chạy trốn đạn, bom và các chiến dịch oanh kích dữ dội của quân đội chính phủ Syria cùng với đồng minh Hezbolla Libanon và nhất là của không quân Nga.

Về mặt quân sự, chiến dịch tái chiếm Palmyra được Damas khởi động ngày 7/3 là một thắng lợi của Damas, tiêu diệt được ít nhất bốn trăm chiến binh của Daech, trong lúc thiệt hại bên quân đội chính thống chỉ bằng phân nửa. Theo thẩm định của tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH), từ khi nhập cuộc vào xung đột Syria, đây là lần đầu tiên tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo bị thiệt hại nặng nề trong một trận đánh.

Theo RT, một trong những chiến thuật quan trọng trong chiến dịch giải phóng Palmyra được Nga sử dụng là tác chiến điện tử, gây nhiễu các thiết bị điện từ xung quanh thành phố. IS đã gài đặt nhiều thiết bị nổ trong Palmyra nhưng không thể kích nổ từ xa do bị Nga phá sóng điều khiển.

Không những thế, việc đánh bại IS tại Palmyra cũng dẹp tan cáo buộc lâu nay của phương Tây, chủ yếu là Mỹ và Anh rằng Nga và Syria thông đồng với IS, chỉ tấn công phe đối lập chống chính quyền Assad chứ không đánh IS. Chiến thắng Palmyra là thất bại lớn nhất của IS và đồng thời gây ra vấn đề với Mỹ. Bởi lẽ trước nay Washington luôn cố mô tả cuộc chiến chống IS là của Mỹ và đồng minh, trong khi luôn cáo buộc Moscow tấn công phiến quân “ôn hòa” thay vì IS. Palmyra dường như là một câu trả lời rất hùng hồn.

Mất Palmyra là thất bại thứ hai của IS tại Syria sau khi nhóm khủng bố này thua trận tại Kobani, miền bắc Syria hồi tháng 1/2015. Khi đó, lực lượng người Kurd tại Syria, nhờ có sự yểm trợ của của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, đã giành lại được Kobani. Cùng lúc quân đội Iraq với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế cũng đang siết chặt vòng vây IS tại Mossul, thành phố lớn thứ hai của Iraq và là một trong những giếng dầu quan trọng của quốc gia này.

Về mặt chiến lược, với thắng lợi ngày 27/3, tư lệnh quân đội Syria tuyên bố, Pamlyra sẽ là địa bàn để từ đó quân đội tiếp tục tiếp tục hướng tới hai thành trì của IS khác là Deir Ezzor ở phía đông và Raqqa ở phía bắc. Cũng sau khi tái chiếm Palmyra, Damas đề ra mục tiêu giành lại Al Aianiyi, nằm cách thành cổ 60 km về phía nam và đây được coi là cánh cổng mở ra vùng sa mạc thẳng hướng về phía biên giới giữa Syria với Iraq.

Iran và nhất là Nga, hai điểm tựa chính trị, quân sự chính của Damas đã có lời chúc mừng «chiến thắng đáng khâm phục» của quân đội Syria và cam kết tiếp tục hỗ trợ chính quyền của ông Al Assad đẩy lui khủng bố ở bất cứ nơi nào. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng vui mừng thấy Palmyra thoát khỏi ách IS.

Quân đội Syria giải phóng Pamyra sau những trận đánh ác liệt
Quân đội Syria giải phóng Pamyra sau những trận đánh ác liệt

Đáng nói là thắng lợi tại Palmyra tạo thế mạnh cho Damascus trong tiến trình đàm phán chấm dứt khủng hoảng Syria. Vòng thương thuyết sắp tới được dự trù mở ra tại Genève ngày 15/04/2013. Đại diện của tổng thống Bashar Al Assad sẽ tự tin hơn và có thể cứng rắn hơn khi ngồi vào bàn đàm phán bên cạnh hai siêu cường là Mỹ và Nga.

Cả Washington lẫn Moscow đều chủ trương giải quyết khủng hoảng Syria bằng con đường chính trị, nhưng hai siêu cường còn bất đồng về một số chi tiết trong lộ trình vãn hồi hòa bình cho Syria. Đối với Damascus giải pháp chính trị cho Syria không có nghĩa là trao quyền lực lại cho đối lập, mà đó chỉ là một sự chia sẻ quyền lực.Thắng lợi tại Palmyra lại càng chứng minh rằng vẫn cần phải đàm phán với Bashar Al Assad về một giải pháp cho tương lai chính trị tại Syria.