Kilo, Bastion… và chiến lược chống tiếp cận của Việt Nam ở Biển Đông

Nhiều học giả hiện nay quốc tế nhận định, Việt Nam đang xây dựng cho mình một chiến lược răn đe “bất đối xứng” trên Biển Đông. Việc mua sáu chiếc tàu ngầm Kilo từ Nga chính là minh chứng rõ ràng nhất...
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam trên vịnh Cam Ranh
Tàu ngầm Kilo của Việt Nam trên vịnh Cam Ranh

Chuyên gia Rod Thomton trong cuốn sách Asymmetric Warfare: Threat and Response in the 21st Century đã nêu ra 4 “vũ khí” tác chiến phi đối xứng mà các lực lượng hải quân nhỏ hơn có thể sử dụng. Thứ nhất chính là sử dụng các loại tên lửa bờ và pháo bờ biển. Thứ hai là sử dụng tàu ngầm, loại vũ khí “bất đối xứng” nổi tiếng. Thứ ba là các loại mìn dưới nước. Và thứ tư là các loại tàu tấn công nhanh gần bờ.

Nhiều học giả hiện nay quốc tế nhận định, Việt Nam đang xây dựng cho mình một chiến lược răn đe “bất đối xứng” trên Biển Đông. Việc mua sáu chiếc tàu ngầm Kilo từ Nga chính là minh chứng rõ ràng nhất. Các đặc tính kỹ thuật của loại tàu ngầm “hố đen đại dương” này cho phép chúng có thể di chuyển mà ít gây ra tiếng ồn nhất khi so sánh với các loại tàu ngầm cũng loại khác, đem lại lợi thế cho hải quân Việt Nam trong một vùng biển nông như Biển Đông.

Theo các chuyên gia an ninh và quân sự, các tàu ngầm Kilo của Việt Nam có khả năng tấn công mạnh mẽ với ngư lôi hay tên lửa đối đất Club S, một đặc trưng mà các tàu Kilo của Trung Quốc không hề có. Club S có khả năng tấn công các mục tiêu trên mặt đất ở khoảng cách 275 km, phóng từ độ sâu khoảng 35-40m với tốc độ 240 m/s.

Tàu Kilo Việt Nam sẽ là lực lượng răn đe hữu hiệu đối với những kẻ mạnh động
Tàu Kilo Việt Nam sẽ là lực lượng răn đe hữu hiệu đối với những kẻ manh động

Với độ chính xác cao, tốc độ lớn cũng với khả năng được phóng tại bất cứ địa điểm nào trên Biển Đông khiến cho các căn cứ tại quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa và cả căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam trở thành các mục tiêu khả dĩ. Đó là chưa kể, lực lượng hải quân Trung Quốc hiện tại đang bị đánh giá là yếu kém trong khả năng chống ngầm.

Chuyên gia Gary Li từ London (Anh) cho rằng, đặc điểm địa lý khiến cho vùng bờ biển của Việt Nam trở thành một “bệ phóng” hoàn hảo cho pháo binh bờ biển và cả các hệ thống tên lửa bờ. Lực lượng tên lửa bờ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh hàng hải của Việt Nam khi là lực lượng đóng vai trò phòng thủ bờ biển và chống tiếp cận bờ biển. Hải quân Việt Nam đã có thể tự sản xuất tên lửa chống hạm P5 Pyatyorka/Shaddock với tầm bắn lên tới 550 km (sau khi được nâng cấp).

Trước đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất được Liên Xô chuyển giao loại tên lửa này. Bước hiện đại hóa quan trọng nhất của lực lượng tên lửa bờ là việc đưa vào hoạt động hai hệ thống phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P với tầm bắn 300 km, có thể bảo vệ một vùng bờ biển rộng 600 km. Đã có thông tin về việc hải quân Việt Nam được trang bị loại radar CW-100 được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển của Tập đoàn Thales, có khả năng tác chiến vượt “giới hạn đường chân trời”.

Một trong những thành tố khác của chiến lược “bất đối xứng” chính là các tàu lớp Molniya mà Việt Nam đang sở hữu, hiện đang có trong biên chế chính thức là 10 chiếc (gồm 6 chiếc lớp Molniya và 4 chiếc lớp Tarantul). Molniya có tốc độ cao, trang bị mạnh, thích hợp với chiến thuật bầy sói kiểu “hit and run” tấn công nhanh, bất ngờ từ nhiều hướng khiến đối thủ không kịp trở tay.

Chiến thuật này rất hữu dụng với lực lượng hải quân của quốc gia có bờ biển dài, nhiều đảo và cửa sông dễ ẩn nấp, thuận lợi cho việc phục kích ra đòn bất ngờ. Vũ khí trang bị chính của các tàu lớp Molniya là 16 tên lửa chống tàu Kh-35 Ural-E với tầm bắn 130 km mà Việt Nam đã nội địa hoá thành công với mã hiệu trong nước là KCT-15.

Chiến hạm Molniya
Chiến hạm Molniya "tia chớp" Việt Nam bắn thử tên lửa

Hiện tại, theo như  giáo sư Úc Carl Thayer, chiến thuật bất đối xứng của Việt Nam nhằm ngăn chặn không cho kẻ địch triển khai các tàu chiến của mình trong trường hợp có xung đột cường độ thấp xảy ra. Ở đây có nghĩa là việc triển khai tàu chiến để bảo vệ các tàu bán vũ trang bao vây các đảo của Việt Nam.

Các hệ thống vũ khí “bất đối xứng” khiến cho các hoạt động của hải quân đối phương sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm trong khoảng cách 200-300 hải lý tính từ đường bờ biển dài của Việt Nam.

Theo QPAN