Trung Quốc nhiều khả năng lập ADIZ trên Biển Đông

Các chuyên gia quốc tế đều nhận định rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông sau các động thái gần đây đưa tên lửa và các chiến đấu cơ đến các đảo họ chiếm đóng trái phép trên các quần đảo của Việt Nam ở Biển Đông. 

Trung Quốc nhiều khả năng lập ADIZ trên Biển Đông

Tiến sĩ William Choong, chuyên gia về châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế - nhận định chắc chắn có khả năng Trung Quốc sẽ thành lập ADIZ trên biển Đông.

Tuy nhiên, ông Choong cho rằng chiến lược của Trung Quốc không phải cắt đường tiếp cận với tuyến giao thương hàng hải ở Biển Đông mà chủ yếu để đối phó với các tàu và máy bay quân sự của Mỹ và đồng minh đi vào các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) thậm chí còn nhận định rằng Trung Quốcđã thiết lập “ADIZ mới” ở Trường Sa bởi vì khiTrung Quốc “nắn gân” máy bay quân sự của Mỹ, Úc và Philippines, nước này đã yêu cầu những máy bay này đi ra khỏi “vùng báo động quân sự”.

Hiện tại Trung Quốc chưa có năng lực để thực thi các yêu cầu của họ nhưng khi phát triển mạng lưới nhận thức về các vấn đề hàng hải, họ sẽ thực hiện các biện pháp kế tiếp tiến đến thành lập ADIZ thực thụ.

Trong khi đó, ông Jonathan London - giáo sư tại ĐH Thành thị Hong Kong - nhận định nếu Trung Quốc tuyên bố thành lập ADIZ thì đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng của nước này. Nó sẽ là một bước lùi về mặt ngoại giao của Bắc Kinh

ASEAN quan ngại sâu sắc về căng thẳng ở Biển Đông

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, ngày 27-2 tại thủ đô Vientiane (Lào) đã diễn ra Hội nghị hẹp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị này.

Với chủ đề hợp tác “Đưa tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động”, hội nghị lần này tập trung bàn việc triển khai kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN lần 27 (tháng 11-2015), trao đổi các ưu tiên trong Năm chủ tịch ASEAN của Lào, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Các nước đều ủng hộ tám ưu tiên do Lào đề xuất, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2016 là năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN, nhất trí sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác và liên kết ASEAN; củng cố đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, tăng cường lòng tin, hiểu biết và sự tin cậy giữa các nước, nâng cao năng lực của ASEAN nhằm ứng phó kịp thời và hữu hiệu với các thách thức đang và sẽ đặt ra...

Về vấn đề Biển Đông, các bộ trưởng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, trong đó có các hoạt động bồi đắp và các hành động khác, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; không quân sự hóa; kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bên lề hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith.

Theo Reuters, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cho biết các bộ trưởng của khối ASEAN đồng ý tiến hành cuộc đối thoại các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc về vấn đề biển Đông cũng như các vấn đề cùng lưu tâm khác.

Vấn đề Trung Quốc dùng sức mạnh lấn át ở Biển Đông, theo lời một nhà ngoại giao phương Tây nói với Reuters, sẽ “là vụ nhức đầu” cho Lào trong vai trò chủ tịch luân phiên năm nay.

Phó thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nói với Reuters: “Chúng tôi thân thiết với Việt Nam lẫn Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết các vấn đề theo con đường hữu nghị”.

Trong khi đó, phía Mỹ tiếp tục hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra phạm vi toàn bộ Biển Đông, chứ không chỉ ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo báo Economic Times, phát biểu trong một cuộc hội thảo ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington, ông Daniel Kritenbrink, giám đốc cấp cao về vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nêu rõ: “Chúng tôi cho rằng thật tốt nếu Chủ tịch Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa đối với toàn bộ Biển Đông.

Chúng tôi khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực không có những bước đi làm leo thang căng thẳng”.

Ông Kritenbrink, người được xem là cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng nhấn mạnh việc Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết dự kiến được Tòa án trọng tài thường trực ở The Hague đưa ra cuối năm nay liên quan tới vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông

Theo Tuổi trẻ