Bắc Kinh quân sự hóa đảo ở mức chưa từng có

 Trước cuộc gặp của lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, vấn đề tranh chấp ở biển Đông lại được đề cập qua góc nhìn của chính trị gia và giáo sư Mỹ.
Giáo sư Peter Dutton trên màn hình trong buổi trao đổi trực tuyến ở TP.HCM sáng 29-3 - Ảnh: Việt Toàn
Giáo sư Peter Dutton trên màn hình trong buổi trao đổi trực tuyến ở TP.HCM sáng 29-3 - Ảnh: Việt Toàn

Sáng 29-3 (giờ Việt Nam), bà Colin Willett, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, đã có buổi trao đổi với các phóng viên ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có báo Tuổi Trẻ, về các diễn biến mới, tình hình tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở Biển Đông.

Tiếp tục thách thức tự do hàng hải

Tại cuộc họp báo, bà Colin Willett cho biết trong những tháng gần đây, thế giới đã chứng kiến những “chiến dịch” cải tạo đất và quân sự hóa chưa từng có tiền lệ của Trung Quốc ở Biển Đông, làm dấy lên nhiều lo ngại trong khu vực và quốc tế.

Bà tiết lộ Washington đã bàn các vấn đề này trong cuộc gặp với các lãnh đạo của Bắc Kinh gần đây nhưng phía Bắc Kinh biện minh rằng các đồn bốt mà nước này xây dựng trên các đảo ở Biển Đông chỉ dùng để phục vụ mục đích dân sự. Điều đó đã không thuyết phục được ai cả.

Bà Willett cho biết thêm Washington cũng bày tỏ lo ngại khi Bắc Kinh tiếp tục thực hiện các hành động thách thức các tàu và máy bay nước ngoài đang hoạt động đúng theo luật pháp quốc tế ở Biển Đông. “Tất cả quốc gia trên thế giới đều có quyền tự do hàng hải theo quy định của luật pháp quốc tế. Mỹ đã và đang củng cố thực thi quyền này" - bà Willett khẳng định.

Bà Willett tiết lộ với báo giới rằng trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân tổ chức tại Mỹ tuần này, phía Mỹ cũng sẽ bày tỏ quan ngại về các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông gần đây. Bà Willett khẳng định Mỹ coi trọng quan hệ với cả ASEAN và Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo, trước câu hỏi liệu Washington có dùng các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) mà Trung Quốc là một thành viên để kiềm chế các hoạt động của nước này ở Biển Đông, bà Willett giải thích rằng chiến lược hiện tại của Mỹ đối với vấn đề này là đối thoại qua kênh ngoại giao, xây dựng năng lực an ninh hàng hải cho các đồng minh và đối tác, các công cụ quản lý khủng hoảng.

BàCOLIN WILLETT(phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương) Hãy nhìn các sân bay của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng được thiết kế để tiếp nhận các máy bay đánh bom chứ không phải các loại máy bay vận tải dùng cho việc cứu trợ nhân đạo
BàCOLIN WILLETT(phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương)
Hãy nhìn các sân bay của Trung Quốc ở Biển Đông. Chúng được thiết kế để tiếp nhận các máy bay đánh bom chứ không phải các loại máy bay vận tải dùng cho việc cứu trợ nhân đạo

Phải tôn trọng tòa The Hague

Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng hoan nghênh phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc xung quanh yêu sách “đường lưỡi bò” đòi chủ quyền đến 90% diện tích Biển Đông.

Bà Willette cho biết phán quyết của PCA sẽ là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ làm rõ hơn về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông mà mở rộng ra là quy định về một trật tự khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương. Bà Willett nói phán quyết này sẽ là cách hữu hiệu để giảm nguy cơ xung đột, đụng độ quân sự trên biển.

Bà Willett cho rằng Trung Quốc không cần thiết xem phán quyết của PCA là mối đe dọa mà nên coi nó như là cơ hội cho một giải pháp ngoại giao thật sự. Bà nói Mỹ hi vọng Trung Quốc và các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông tham gia tiến trình đối thoại thông qua kênh ngoại giao để giải quyết tranh chấp, xung đột ở Biển Đông.

“Chúng tôi hi vọng phán quyết của PCA sẽ tạo ra một nơi tốt hơn, nơi mà các bên có thể tiến tới những mối quan hệ hợp tác tốt đẹp hơn” - bà Willett nhận định.

Phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ cũng tóm gọn quan điểm của Mỹ về phán quyết của PCA, dự kiến được công bố vào tháng 5 năm nay, trong ba ý chính. Một là, Trung Quốc và Philippines sẽ phải tuân thủ phán quyết của tòa án.

Hai là, quyết định của PCA có thể giúp thu hẹp các khu vực hàng hải đang trong tình trạng tranh chấp. Ba là, bằng cách làm rõ “quyền có vùng biển” ở Biển Đông, tạo ra một tiền đề quan trọng cho một tiến trình ngoại giao mang tính chất xây dựng hơn, qua đó giúp giảm căng thẳng và mở ra những mối quan hệ hợp tác lớn hơn.

Nhưng “Mỹ, ASEAN và các nước khác có thể làm gì trong trường hợp Trung Quốc từ chối chấp nhận phán quyết của tòa trọng tài?”, một phóng viên Philippines nêu câu hỏi. Bà Willett khẳng định Mỹ tin tưởng tòa trọng tài có thông điệp rất rõ khi đưa ra phán quyết.

“Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế đều hưởng lợi từ một trật tự dựa trên tính pháp quyền ở Biển Đông. Luật pháp quốc tế không chỉ mang lại lợi ích cho khu vực mà còn cả cho chính Trung Quốc” - bà Colin Willett nêu rõ.

Giáo sư Mỹ: đảo nhân tạo của Trung Quốc đe dọa an ninh khu vực

Trong cuộc trao đổi trực tuyến với các chuyên gia và báo chí tại TP.HCM sáng 29-3, giáo sư (GS)Peter Dutton thuộc Học viện chiến tranh hải quân Hoa Kỳ cho biết ông rất quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo ở biển Đông và các đảo này là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

GS Peter Dutton cho rằng động thái tuần tra thường xuyên trong thời gian qua của quân đội Mỹ ở Biển Đông cho thấy Mỹ thể hiện mong muốn hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh, đối tác trong khu vực để duy trì an ninh, an toàn hàng hải cũng như bảo đảm bất kỳ nước nào cũng có thể qua lại tuyến hàng hải này một cách tự do.

“Một lý do nữa khiến hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện và tuần tra ở biển Đông là để bảo đảm không quốc gia nào được quyền ép buộc quốc gia khác theo luật riêng của mình cũng như ngăn cản các hoạt động kinh tế thông thường và các vấn đề tự do hàng hải nêu trên” - GS Peter Dutton nói.

GS Peter Dutton cho biết vô cùng quan ngại về việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là động thái rất quan trọng về mặt chiến lược của Bắc Kinh, làm thay đổi lớn tình hình an ninh trong khu vực.

GS Peter Dutton cho rằng tình hình an ninh khu vực thay đổi rất đáng kể và bị đe dọa, thậm chí trong trường hợp Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các đảo này vì Bắc Kinh đã chứng minh rằng họ có thể đưa máy bay dân sự từ Hải Nam ra các đảo mới xây chỉ trong vài giờ. Thực tế là các đảo nhân tạo này đang tồn tại và Trung Quốc hoàn toàn có thể biến nó thành những cơ sở làm thay đổi tình hình quân sự trong khu vực rất nhanh chóng.

“Các đảo nhân tạo này không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế và các thỏa thuận có liên quan giữa các bên vốn giúp duy trì ổn định ở biển Đông trong nhiều thập kỷ qua mà còn ảnh hưởng chung đến tình hình an ninh trong khu vực” - GS Peter Dutton nhận xét.

Theo Tuổi trẻ