Kinh nghiệm tháo “ngòi nổ” khiếu kiện đông người Nghệ An

Đến trực tiếp với dân, cùng dân bàn bạc thì việc khó mấy cũng xong

VietTimes -- Khiếu kiện đông người luôn là vấn đề phức tạp. Giải quyết nó đòi hỏi chính quyền địa phương các cấp phải hết sức thận trọng, tỉnh táo. Kinh nghiệm “tháo ngòi nổ” của lãnh đạo Nghệ An mà ông Nguyễn Hữu Thịnh - Ủy  viên BCH Hội Truyền thông số VN, nguyên Phó trưởng Ban Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam chia sẻ với VietTimes là một bài học quý giá.
Một buổi đối thoại của chính quyền với dân ở Nghệ An (Ảnh: Báo Nghệ An)
Một buổi đối thoại của chính quyền với dân ở Nghệ An (Ảnh: Báo Nghệ An)

Thưa ông, Nghệ An là nơi đất rộng, người đông, nông dân chiếm đa số. Ở đây đã có không ít lần nông dân tụ tập đông người khiếu kiện, có lúc “rất nóng” trước những bức xúc, khúc mắc giữa người dân và chính quyền cấp xã. Được biết, ông là người từng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia tháo gỡ “ngòi nổ” của những cuộc “xung đột nóng” như vậy. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình không?

- Tôi chỉ chia sẻ một câu chuyện để nêu lên kinh nghiệm xử lý những mâu thuẫn dẫn đến sự việc và cách ứng xử để đảm bảo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Chuyện hoàn toàn có thực, xảy ra tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vào năm 1997, khi tôi đang làm Thư ký công nghiệp UBND tỉnh Nghệ An, dưới thời ông Hồ Xuân Hùng làm Chủ tịch UBND tỉnh.

ông Nguyễn Hữu Thịnh -- Ủy viên BCH Hội Truyền thông số VN, nguyên Phó trưởng Ban Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
ông Nguyễn Hữu Thịnh -- Ủy viên BCH Hội Truyền thông số VN, nguyên Phó trưởng Ban Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Chuyện bắt đầu từ việc đầu tư xây dựng một trạm biến áp của một xóm thuộc xã Nghĩa Dũng. Do xóm này cách trạm biến áp trung tâm (do Ban điện của xã quản lý) gần 3 km, điện đến nơi lập lòe như con đom đóm, trong khi đường cao thế của tỉnh lại chạy qua xóm. Không biết nghe ai xúi giục mà dân làng họp nhau, bàn và quyết định xây dựng một trạm biến áp cấp điện riêng cho xóm. Xin được đất (do một gia đình hiến tặng), Ban điện của xóm được thành lập, góp tiền, ký hợp đồng với tư vấn thiết kế và xin cấp nguồn từ Điện lực Nghệ An. Xóm cử người mang hồ sơ, thiết kế lên xã, xin xác nhận để lên huyện xin cấp phép xây dựng trạm biến áp theo đúng quy định hiện hành.

Để bảo vệ uy tín và lợi ích của Ban điện, xã kiên quyết không ký. Năm lần bảy lượt lên xã không được, Ban điện xóm ôm hồ sơ lên huyện, huyện bảo phải về xin xã. Xã lại bảo trạm điện này xây dựng không đúng quy hoạch nên không ký.

Dân lại họp và ra nghị quyết là cứ xây dựng trạm biến áp mà không cần giấy phép xây dựng. Xã, huyện biết nhưng vẫn làm ngơ.

Đến ngày trạm xây dựng xong, Điện lực Nghệ An lên kiểm tra để chuẩn bị đóng điện thì dân làng mới té ngửa ra vì một quyết định của UBND huyện Tân Kỳ về việc “cưỡng chế, tháo dỡ trạm biến áp vì xây dựng không đúng quy hoạch và không có giấy phép xây dựng”.

Hình như đã có bàn bạc, chuẩn bị từ trước, dân làng tập hợp và ùn ùn kéo lên chất vấn UBND xã. Xã bảo không biết, đây là quyết định của UBND huyện. Dân kéo lên huyện. Huyện gọi công an đến bảo vệ trụ sở, cấp báo về tỉnh và cho người ra trả lời: huyện làm theo chỉ đạo của tỉnh. Không tin bà con xuống đấy mà hỏi.

Dân xuống tỉnh thật. Xóm có  gần 100 hộ gia đình. Mỗi nhà chỉ để lại một người lớn, còn lại thuê 3 xe ca xuống tỉnh để kêu cứu. Kinh phí do các gia đình tự đóng góp. Ban ngày đoàn người đến tập trung trước cửa UBND tỉnh Nghệ An. Ban đêm chia nhau đến ngồi trước cửa nhà riêng Bí thư Nguyễn Bá, Chủ tịch Hồ Xuân Hùng, Phó chủ tịch Hoàng Tất Thắng và các đồng chí Thường vụ tỉnh ủy để đưa đơn kêu cứu. Trong đơn sau khi kể lể sự tình, dân đề nghị lãnh đạo tỉnh trả lời cho họ một câu hỏi: Cán bộ xã làm thế là đúng hay sai, dân làm như thế là sai hay đúng. Có cách nào để họ không phải tháo dỡ trạm biến áp không?

Đến ngày thứ 3, khi bên trong, UBND tỉnh họp để nghe lãnh đạo huyện Tân Kỳ, xã Nghĩa Dũng báo cáo thì đám đông ở ngoài bị kích động thật sự. Họ hò hét, xô đẩy hàng rào công an do Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó giám đốc công an tỉnh chỉ huy, đòi cử đại diện vào tham dự cuộc họp để “đối chất” với các “quan” xã, “quan” huyện. Tất nhiên là không được.

Tỉnh huy động thêm lực lượng công an đến tăng cường. Với lực lượng vài trăm người, dân chỉ dám hô khẩu hiệu, la ó mà không dám manh động. Mệt. Họ bảo nhau ngồi yên và chờ kết quả cuộc họp. Bên trong hội trường, câu hỏi dân sai hay cán bộ sai, lúc này cần bảo vệ cán bộ hay bảo vệ quyền lợi của một bộ phận nhỏ nhân dân vẫn tranh luận gay gắt. Tôi nhớ có một ý kiến lúc đó đại ý như sau: Nếu chúng ta bênh vực cho một nhóm nhỏ nông dân này mà xử lý các đồng chí cán bộ cơ sở thì sẽ tạo ra một tiền lệ xấu...

Hội nghị kết thúc, không đưa ra được kết luận nào. Chủ tịch Hồ Xuân Hùng xuất hiện trước đám đông. Chờ vãn hồi trật tự, ông nói: Từ sáng đến giờ chúng tôi đã phân tích rất nhiều những cái sai, những cái đúng của cán bộ xã và bà con nhưng chưa thể kết luận được. Bây giờ đề nghị bà con yên tâm về nhà, tuần sau, UBND tỉnh sẽ cử cán bộ lên kiểm tra thực tế tình hình rồi quyết định. Tôi hứa là tôi sẽ làm được.

Không biết họ sợ, họ nể, hay họ thương ông Hồ Xuân Hùng mà sau khi nghe ý kiến của ông, đoàn người tự động giải tán, lẳng lặng chia nhau lên 3 chiếc xe ca tỉnh chuẩn bị sẵn trở về Nghĩa Dũng, Tân Kỳ.

Tuần sau, tôi được giao nhiệm vụ đi công tác Tân Kỳ. Chuyến đi lịch sử này đã được tôi coi là một kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời của một công chức. Trong một ngày tại xã Nghĩa Dũng, tôi trải qua gần hết cung bậc cảm xúc của một con người, từ lo lắng, run sợ toát mồ hôi đến cảm thông, vui vẻ, chia tay trong lưu luyến, bùi ngùi. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến thành công của chuyến đi và cách giải quyết có lý có tình của UBND tỉnh Nghệ An lúc ấy.

Đó là cho phép xóm hoàn tất các thủ tục để đưa trạm biến áp vào sử dụng, giao cho Ban điện của xã quản lý. Không khởi tố vụ án, không có nông dân nào bị bắt, cũng không có cán bộ xã, huyện nào bị kỷ luật. Tất cả, lãnh đạo xã, xóm và nông dân đã có một buổi đối thoại, “rút kinh nghiệm sâu sắc” với nhau. Sau đấy, mọi người lại vui vẻ như khi chưa có chuyện gì xảy ra.

Ông Hoàng Đình Hạnh -- một nông dân chất vấn lãnh đạo UBND xã tại một lần đối thoại (Ảnh: Báo Nghệ An)
Ông Hoàng Đình Hạnh -- một nông dân chất vấn lãnh đạo UBND xã tại một lần đối thoại (Ảnh: Báo Nghệ An) 

- Với tư cách là cán bộ đảng viên lão thành ông có suy nghĩ, tâm tư gì trước những sự việc đang diễn ra ở một số địa phương gần đây, khi liên hệ với một số sự việc đã diễn ra tại Nghệ An thời điểm ông còn công tác ở đó?

- Đứng trước thực trạng xã hội những ngày gần đây, tôi rất muốn gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng và nhà nước một câu hỏi, đã từng được đặt ra trên bàn hội nghị của UBND tỉnh Nghệ An hơn hai mươi năm trước: dân sai hay cán bộ sai? Đảng và Nhà nước ta bảo vệ dân lành bị chèn ép hay một vài cán bộ vì lợi ích cá nhân mà coi thường lợi ích, cuộc sống của người lao động?

Từ đó có cách nhìn, cách giải quyết mâu thuẫn giữa người dân tụ tập đông người và các quan chức địa phương thật nhẹ nhàng, êm đẹp như tỉnh Nghệ An thời ông Hồ Xuân Hùng làm chủ tịch.

Điều mà tôi muốn nhấn mạnh, là hãy cứ đến trực tiếp với dân, cùng dân bàn bạc thì việc khó mấy cũng xong.