Đền Ông Hoàng Mười: Dấu ấn lịch sử và điểm đến tâm linh

VietTimes -- PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: “Đền Ông Hoàng Mười có nhiều lợi thế về du lịch với hệ thống giao thông thuận lợi, vị trí địa lý, cảnh quan đẹp phù hợp với phát triển du lịch"

Diễn xướng hầu Thánh Hoàng Mười được tái hiện ngay trên sân khấu của Hội thảo.
Diễn xướng hầu Thánh Hoàng Mười được tái hiện ngay trên sân khấu của Hội thảo.

Sáng nay, hội thảo “Giá trị lịch sử, văn hóa của di tích đền Ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An”, vừa diễn ra lúc 8 giờ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (số 25, phố Tông Đản, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) với sự đồng hành của Hội truyền thông số Việt Nam, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở văn hóa thể thao tỉnh Nghệ An, Đài tiếng nói Việt Nam.

Ông Lê Doãn Hợp -- Nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin truyền thông; Chủ tịch Danh dự Hội truyền thông số Việt Nam phát biểu: “Văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu có vai trò nhất định trong văn hóa dân gian. Đây là nét văn hóa cần bảo tồn và phát huy”.

Đức Thánh Hoàng Mười được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt với nhiều  truyền thuyết, sự tích. Đây không chỉ là là nét văn hóa đặc sắc mang đậm giá trị trong nền văn hóa dân gian đương đại mà có tiềm năng du lịch rất lớn.

Tiến sĩ Vũ Hồng Thuật, công tác tại Bảo tàng Dân tộc học, Viện Liên hiệp Khoa học Xã hội Việt Nam cho ý kiến: “Về thân thế của Ông Hoàng Mười có rất nhiều dị bản, truyền thuyết. Chúng ta cần đẩy mạnh làm rõ vấn đề Ông Hoàng Mười là ai, cần tách biệt rõ việc thờ Ông Hoàng Mười và thờ thủy thần. Tín ngưỡng thờ Quan Hoàng Mười có mối liên hệ lớn với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ ở Việt Nam đương đại”.

Ngày nay, các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ đều thu hút nhiều sự chú ý của người dân. Từ đó giúp các chuyên gia và cơ quan chức năng định hình chương trình nội dung lễ hội, nghiên cứu về cách trang trí nghệ thuật, nghệ thuật trình diễn. Đồng thời, so sánh sự khác biệt giữa đền thờ quan Hoàng Mười ở Nghệ An với các nơi khác.

Năm 2016, Đức Thánh Hoàng Mười được biết đến như một nhân vật quan trọng trong hệ thống thần điện tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, năm 2002, đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Năm 2004, đền được tu bổ đảm bảo tính thẩm mĩ và hài hòa khu di tích.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề xuất cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hồ sơ về khu di tích đền Ông Hoàng Mười để sớm được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia.

Về nhu cầu phát triển du lịch, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam công bố một vài con số đánh giá biết nói: "Đền thờ Ông Hoàng Mười cũng có điểm nhấn về mặt thời gian là 15/3 và 10/10 thu hút được nhiều lượt khách du lịch”.

Các diễn giả đồng nhất rằng Đền Ông Hoàng Mười là tài nguyên rất có giá trị trong du lịch tâm linh, du lịch tín ngưỡng, văn hóa. Phát triển văn hóa du lịch không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà cũng là một trong những hoạt động tạo ra mô hình sống cho di tích, nâng tầm di tích. 

Đền ông Hoàng Mười ở làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn trên mảnh đất bằng phẳng với diện tích 10.615m². Riêng đền thờ chính của ông lại là Đền Chợ Củi tại được truyền tụng linh thiêng, cách đó 6km theo hướng QL1A về phía nam, ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách thành phố Vinh chừng 10km, hoặc từ Hà Tĩnh trở ra 40km theo quốc lộ 1.