Đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải, nhưng vẫn xả thải vào Hồ Tây

VietTimes -- Nhằm bảo vệ môi trường Hồ Tây, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải quanh khu vực hồ. Tuy nhiên, hiện công trình này vận hành chưa đạt công suất thiết kế, dù rằng đang có hàng chục cống nước thải  đang xả vào Hồ Tây mà chưa qua xử lý.
Nhiều đường ống đang xả thải thẳng ra Hồ Tây.
Nhiều đường ống đang xả thải thẳng ra Hồ Tây.

Hiện tại, xung quanh Hồ Tây có khoảng 50 đường ống lớn và nhỏ, phần lớn là ống dẫn nước thải xả thẳng vào hồ. Nổi bật trong số đó là các cống xả trường THPT Chu Văn An, cống xả số 2 Thụy Khuê, cống xả đầu dốc khách sạn Sharaton, cống xả của Xí nghiệp môi trường Hồ Tây... 

Đặc biệt, một số điểm vui chơi, giải trí và nhà hàng lớn như Công viên nước Hồ Tây và Nhà hàng Sen Tây Hồ chưa biết xử lý nước thải như thế nào? Hiện tại, hai điểm này chưa kết nối ống xả thải đến trạm xử lý nước thải Hồ Tây để xử lý nước thải.

Trước đó, năm 2010 TP Hà Nội đã quyết định đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải Hồ Tây với công suất 15.000m3/ngày/đêm tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ. Dự án có tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng do Liên doanh Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Môi trường SFC Việt Nam làm chủ đầu tư theo hình thức BT, được thực hiện từ năm 2010- 2012.

Mới chỉ có 2 trên tổng số hơn 100 cơ sở dịch vụ phản hồi lại trạm xử lý nước thải Hồ Tây.
Mới chỉ có 2 trên tổng số hơn 100 cơ sở dịch vụ phản hồi lại trạm xử lý nước thải Hồ Tây.

Theo đó, với công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học hiếu khí bùn hoạt tính tuần hoàn Dự án nhằm bảo vệ, tôn tạo, cải thiện môi trường nước, không gây ô nhiễm cho nước Hồ Tây, đảm bảo phục vụ cho phát triển du lịch và giải trí của người dân Thủ đô. 

Cùng thời điểm này, UBND TP Hà Nội cũng giao cho Ban Quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây làm chủ đầu tư dự án hệ thống đường ống gom nước thải xung quanh Hồ Tây giai đoạn 1.

Năm 2015, UBND TP Hà Nội tiếp tục đầu tư 312 tỷ đồng để xây dựng mở rộng hệ thống thu gom nước thải giai đoạn 2 đảm bảo công suất cho nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Dự án này được giao cho Công ty CP Đầu tư và thương mại Phú Điền đầu tư theo hình thức BT.

Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và thương mại Phú Điền cho biết, dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Hồ Tây đã cơ bản hoàn thành, hiện hạng mục nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa vận hành đúng công suất thiết kế do chưa có các đơn vị kinh doanh, sản xuất, dịch vụ thực hiện thỏa thuận đấu nối với đơn vị vận hành.

Tháng 5/2016, Công ty CP Đầu tư và thương mại Phú Điền đã có văn bản gửi UBND quận Tây Hồ đề nghị quận hỗ trợ động viên các cơ sở có nguồn nước thải quanh hồ Tây cung cấp thông tin để khảo sát, đánh giá và xây dựng, áp dụng các biện pháp đấu nối nguồn nước thải. Tuy nhiên, chỉ có 2 đơn vị phản hồi lại đề nghị này. Trong khi đó, theo ghi nhận, khu vực xung quanh Hồ Tây hiện có khoảng 100 cơ sở dịch vụ. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, tháng 9/2013 nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây mới hoàn thành nhưng chưa đảm bảo thu gom được nước thải, và giai đoạn 2 của dự án hệ thống ống thu gom cũng mới được Công ty Phú Điền hoàn thành vào tháng 8/2016. Hơn nữa, do địa hình xung quanh Hồ Tây không đồng đều nên phải xây dựng các trạm bơm chuyển bậc để thu gom nước thải về đường ống chính. 

Hơn 200 tấn cá Hồ Tây chết bất thường chỉ trong vài ngày.
Hơn 200 tấn cá Hồ Tây chết bất thường chỉ trong vài ngày.

Tuy nhiên, khi đề cập đến việc, đã có bao nhiêu cơ sở dịch vụ xung quanh Hồ Tây thực hiện đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của nhà máy nước thải Hồ Tây thì ông Nguyễn Lê Hoàng… không nắm rõ. Thậm chí, nhà hàng Sen Hồ Tây, một cơ sở kinh doanh dịch vụ lớn, đã có từ lâu nhưng lãnh đạo quận Tây Hồ cũng không nắm được là đã đấu nối hay vẫn xả thải ra cống sinh hoạt rồi dẫn vào Hồ Tây. Trong khi đó, Công ty Phú Điền khẳng định, nhà hàng Sen Hồ Tây chưa đấu nối xả thải.

Về sự chậm trễ trong việc đấu nối của các cơ sở dịch vụ quanh Hồ Tây, ông Nguyễn Lê Hoàng cho biết, sau khi Công ty Phú Điền có văn bản, quận Tây Hồ cũng đã có văn bản gửi các đơn vị. Theo đó, một số doanh nghiệp lớn kinh doanh dịch vụ quanh Hồ Tây phản hồi về việc hướng dẫn đấu nối xử lý nước thải. Tuy nhiên, do văn bản hướng dẫn của Công ty Phú Điền còn chưa rõ ràng, cũng như chưa có mức chi phí xử lý nước thải nên các cơ sở cũng chưa thực hiện.

Theo đại diện Công ty Phú Điền, cần có giải pháp hiệu quả hơn để có thể đẩy nhanh việc kết nối  ống xả thải từ các cơ sở dịch vụ quanh Hồ Tây vào hệ thống thu gom của công ty, từ đó giải quyết được yêu cầu thu gom và xử lý nguồn nước thải trước khi xả vào Hồ Tây. 

Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ, là Hà Nội đã mất gần 4 năm và hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống xử lý nước thải quanh Hồ Tây, nhưng rõ ràng là việc đấu nối hệ thống này với các nguồn xả thải quanh hồ hiện vẫn cơ bản chưa được thực hiện. Và thế là dự án xử lý nguồn nước thải trước khi xả vào hồ Tây cho đến thời điểm này vẫn chưa thể phát huy tác dụng đúng với mong muốn của những người ban hành và xây dựng ra nó. 

Hơn 200 tấn cá ở hồ Tây đã chết trong vài ngày trước, không hiểu có là lời cảnh tỉnh đủ sức nặng với các nhà quản lý, về việc đầu tư dự án xử lý nước thải nhưng rồi cá vẫn chết hàng loạt với nguyên nhân dường như là từ ô nhiễm.