Đại tá Trung Quốc đe: Ngày triển khai THAAD là ngày “thu hồi” Đài Loan

VietTimes -- Nếu Mỹ thành công liên kết chuỗi đảo, triển khai THAAD ở các mắt khâu trên chuỗi đảo này thì sẽ giúp Mỹ chiếm lấy ưu thế, phá vỡ cân bằng chiến lược, tăng cường khả năng tham vọng sử dụng vũ khí hạt nhân, dẫn đến chạy đua vũ trang.
Chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt đồng thuận với Hàn Quốc đẩy nhanh triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: The Independent
Chính quyền Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đạt đồng thuận với Hàn Quốc đẩy nhanh triển khai THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: The Independent

Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 24 tháng 2, cách đây không lâu có tin cho rằng Mỹ có ý định triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Đài Loan. Điều này đã gây xôn xao cho dư luận Đài Loan.

Quan chức cấp cao Quân đội Đài Loan cho biết Mỹ không có kế hoạch triển khai THAAD ở Đài Loan. Nếu Mỹ thực sự có đưa ra đề nghị này thì Đài Loan cũng sẽ không cần.

Hiện nay, hệ thống phòng không của Đài Loan còn tương đối yếu, nhưng một hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD cũng sẽ không thể giải quyết được vấn đề này.

Theo phân tích của trang tin Sina, việc Mỹ muốn triển khai THAAD ở Đài Loan (nếu có) chính là muốn Đài Loan trở thành một “tiền đồn”, chốt chặn tại “cửa nhà” Trung Quốc để giám sát Trung Quốc. Do nhà cầm quyền Đài Loan bày tỏ thái độ “từ chối”, cho nên khả năng triển khai THAAD ở Đài Loan là tương đối thấp.

Nhưng, nếu thực sự THAAD được triển khai ở Đài Loan thì việc triển khai các lực lượng quân sự của Mỹ ở eo biển Đài Loan được tăng cường, quan hệ hợp tác quân sự Mỹ - Đài được nâng cấp mạnh mẽ. Nhưng, đây chỉ là một động thái gây sức ép của Mỹ đối với Trung Quốc và có thể tạo áp lực để Đài Loan tăng “phí bảo vệ”.

Những tính toán này của Mỹ cũng có thể gây ra khủng hoảng lớn và dẫn đến Mỹ và Trung Quốc có thể “lật bài ngửa” với nhau. Trung Quốc coi đảo Đài Loan là lãnh thổ, thuộc “lợi ích cốt lõi” của họ, sẽ “không tiếc bất cứ sự trả giá nào” để bảo vệ.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) chọn Hàn Quốc làm nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức (ảnh tư liệu)
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) chọn Hàn Quốc làm nước đến thăm đầu tiên sau khi nhậm chức (ảnh tư liệu)

Còn đối với Mỹ, Đài Loan chỉ là “lợi ích bổ sung” (thứ yếu), chỉ có giá trị “mua bán”. Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sử dụng vấn đề Đài Loan làm “thẻ bài” giao dịch.

Nếu Mỹ và Trung Quốc tiến hành “lật bài ngửa” với nhau về vấn đề Đài Loan thì cho dù nó có lợi cho Mỹ hay có lợi cho Trung Quốc, thì đều không có lợi cho Đài Loan, bởi vì Đài Loan sẽ biến thành chiến trường.

Đại tá, Giáo sư Lương Phương, chuyên gia quân sự thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Quân đội Đài Loan hiện đã phủ định khả năng triển khai THAAD ở Đài Loan, nhưng sau này có triển khai hay không còn tùy thuộc vào chiến lược của Mỹ.

Theo Lương Phương, hiện nay Mỹ muốn triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở châu Á - Thái Bình Dương, muốn triển khai một mạng lưới bao vây như vậy. Ý đồ chiến lược này sẽ không thay đổi.

Trên thực tế, Mỹ đã bắt đầu triển khai một mạng lưới như vậy, phía bắc có Hàn Quốc và Nhật Bản, giữa là Đài Loan, phía nam có Philippines và Australia.

Trong đó, Hàn Quốc đã chuẩn bị triển khai. Việc triển khai ở Nhật Bản và Australia chỉ là vấn đề thời gian, sớm muộn cũng sẽ triển khai, nhất là ở Nhật Bản. Trên thực tế, ngay từ năm 2003 Nhật Bản đã đề xuất triển khai THAAD.

Vào tháng 12 năm 2016, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đến thăm Guam, đã tiến hành trao đổi một số chi tiết về việc triển khai THAAD. Nhật Bản ra sức tìm cách triển khai THAAD. Nhật Bản muốn hoàn thành hệ thống phòng thủ 3 đoạn, hiện đã hoàn thành 2 đoạn, đã triển khai radar sóng ngắn X.

Radar sóng ngắn X Mỹ (ảnh tư liệu)
Radar sóng ngắn X Mỹ (ảnh tư liệu)

Mỹ cũng có thể triển khai THAAD ở Australia, hiện nay Mỹ hy vọng triển khai “đoạn giữa” tại đây.
Nếu Mỹ triển khai THAAD ở Đài Loan thì nó có tác dụng rất lớn, có thể giám sát chặt chẽ toàn bộ duyên hải đông nam Trung Quốc. Giống như THAAD triển khai ở Hàn Quốc có thể toàn bộ khu vực đông bắc và Hoa Bắc Trung Quốc.

Cự ly dò tìm của THAAD là 2.000 km. Việc triển khai THAAD như vậy sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến Trung Quốc, một số tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có thể bị phát hiện khi phóng.
Nếu Mỹ thành công liên kết chuỗi đảo, triển khai THAAD ở các mắt khâu trên chuỗi đảo này thì sẽ giúp Mỹ chiếm lấy ưu thế, phá hoại cân bằng chiến lược.

Điều này sẽ tăng cường tham vọng và khả năng sử dụng lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ, trong khi nước khác không có khả năng kiềm chế. Do đó, sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang.

Việc triển khai hệ thống THAAD như vậy chắc chắn tạo ra thách thức lớn cho Trung Quốc. Đại tá Lương Phương nhấn mạnh: Ngày triển khai THAAD sẽ là ngày Trung Quốc thống nhất Đài Loan.